TT - Không ít người vẫn cứ liều đem những khoản tiền lớn tích cóp nhiều năm trời mua nhà đất giấy tay để rồi phải đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Đã nhiều ngày nay, gia đình bà Phạm Như Hoa (ngụ quận 8, TP.HCM) như ngồi trên lửa sau khi nhận được thông báo và quyết định cưỡng chế thi hành án đối với căn nhà nhỏ của mình ở số 232/27B Hưng Phú.
Tháng 9-2008, bà Hoa mua căn nhà trên của bà N.T.T.N. với giá 240 triệu đồng. Bà Hoa được bà N. cho biết căn nhà trên là di sản thừa kế chưa làm giấy tờ. Để làm tin, bà N. đã đề nghị hai anh chị của mình (đồng thừa kế tài sản) ký cam kết không tranh chấp di sản. Thấy căn nhà vừa túi tiền, lại biết khu vực đó hầu hết nhà cửa đều chưa làm chủ quyền, chỉ mua bán giấy tay nên bà Hoa cũng đánh liều mà mua.
Bị kê biên nhà vì món nợ của chủ cũ
Sau khi giao đủ tiền, gia đình bà Hoa dọn về sinh sống trong căn nhà trên. Năm 2009, căn nhà thuộc diện giải tỏa một phần (giải tỏa hơn 1,2m2 để mở hẻm). Bà Hoa đã đem hồ sơ giấy tờ căn nhà đến kê khai để làm thủ tục đền bù.
Đến tháng 5-2011, gia đình bà Hoa ngỡ ngàng khi nhận được quyết định của cơ quan thi hành án quận 8 kê biên căn nhà để đảm bảo thi hành cho bản án dân sự khoản nợ 40 triệu đồng của bà N.. Cơ quan thi hành án giải thích rằng bản án của bà N. đã có từ năm 2007 trước khi bà Hoa mua nhà. Bà N. không tự nguyện thi hành nên cơ quan thi hành án kê biên tài sản để tổ chức đấu giá phát mãi thi hành án. Bà Hoa đã khổ sở đi tìm kiếm bà N. để hỏi nhưng không cách nào tìm được.
Ông Trần Văn Thả (ngụ huyện Bình Chánh) thì có nguy cơ mất trắng khoản tiền 100 triệu đồng dành dụm của mình vì mua lô đất 3,8x12m với giấy tay tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Do khu vực này là đất nông nghiệp, muốn chuyển đổi thành đất ở đô thị cần phải phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện tách thửa (khoảng 1.000m2/lô) nên có tình trạng người mua đất nông nghiệp lén mua bán giấy tay, xây nhà trái phép để ở. Vẫn biết mua bán như vậy là không hợp pháp nhưng do đã có nhiều người quen mua trước chỉ dẫn, ông Thả cũng liều mà mua.
Sau khi mua được vài tháng, trong một lần đến thăm đất, ông Thả không tin vào mắt mình khi thấy lô đất của mình đã được người chủ nhà sát bên cạnh rào lại. Qua tìm hiểu, ông được người rào lô đất cho biết họ đã mua cả hai phần đất từ một người tên N.T.K.P.. Bà P. này cũng chính là người đã bán lô đất cho chủ cũ mà ông Thả đã mua lại. Có thể hiểu là bà P. đã cùng lúc bán lô đất trên cho hai người, và vì ông Thả là người mua lại nên không hề hay biết. Nhiều ngày nay, ông đã tìm gặp người bán đất cho mình để đòi lại tiền nhưng người bán cho rằng mình cũng chỉ là nạn nhân. Người này kêu ông cứ đến cơ quan điều tra mà tố cáo chứ họ cũng không có khả năng trả lại tiền cho ông.
Chỉ nên mua nhà đất có chủ quyền
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM, nói: nhà đất là tài sản có giá trị lớn nên theo quy định, việc sở hữu tài sản phải được đăng ký (bằng giấy chủ quyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và việc mua bán, chuyển nhượng cũng phải có cơ quan công chứng xác nhận. Việc mua bán nhà đất không có giấy tờ, không được cơ quan công chứng xác nhận là không hợp pháp.
Việc mua nhà của bà Hoa cũng nằm trong trường hợp này, tuy nhiên cơ quan thi hành án kê biên tài sản của bà Hoa là không đúng. Người phải thi hành bản án là bà N. chứ không phải bà Hoa. Hơn nữa căn nhà cũng chưa có giấy tờ hợp pháp, chưa phải là của bà N. đứng tên trên chủ quyền (thực tế là nhà thừa kế mà bà N. chỉ được hưởng một phần, chung với nhiều đồng thừa kế khác).
Dù bản án của bà N. đã có hiệu lực nhưng khi bà Hoa mua nhà thì căn nhà trên chưa bị kê biên và không có tranh chấp gì, có thể hiểu việc mua nhà của bà Hoa tuy chưa hợp pháp nhưng hợp lệ. Luật sư Ly Tao cho rằng vụ việc này cơ quan thi hành án và các cơ quan chức năng cần xem lại khiếu nại của người mua nhà là bà Hoa, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Trường hợp bị lừa mua bán đất khống của ông Thả, luật sư cho rằng ông nên tố cáo với cơ quan điều tra vì đây là trường hợp một miếng đất bán cho nhiều người, có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Mua nhà đất có chủ quyền, đến công chứng đàng hoàng mà vẫn còn có trường hợp bị lừa khi người bán dùng sổ đỏ giả hoặc tráo đất...” - luật sư Ly Tao nói. Theo luật sư, khi mua nhà đất, khách hàng cần xem xét kỹ bản chính giấy tờ sở hữu nhà đất, đối chiếu địa chỉ, diện tích, tên tuổi chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cũng phải đến chính quyền địa phương (UBND phường, xã, quận huyện) để tìm hiểu về tình trạng tranh chấp, quy hoạch của khu vực từ sau thời điểm cấp chủ quyền để đảm bảo an toàn, vì nhiều trường hợp mua giấy tay đất nông nghiệp sẽ không được hợp thức hóa, xây dựng nhà.
CHI MAI
Chú thích ảnh:Nhà của bà Hoa mua giấy tay đang bị kê biên - Ảnh: C.M.
Nguồn:http://tuoitre.vn/
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng theo mô hình nén kết hợp không gian xanh
- Đà Nẵng: Những cú hích khôi phục thị trường bất động sản
- "Mê hồn trận" website rao vặt bất động sản
- Cung - cầu bất động sản ngày càng thực chất hơn
- Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng: “Vỡ bong bóng” hay chỉ là sự đồn thổi?
- Quy định mới về diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa
- Định hướng hình thái đô thị tạo bản sắc cho Đà Nẵng
- Sớm thi công dự án Chợ và khu phố chợ Khuê Mỹ
- Đua nhau thông minh hóa căn hộ
- 8 tháng năm 2018, vốn FDI đổ vào bất động sản đạt khoảng 5,9 tỷ USD
- Hướng tới thành phố thông minh và đô thị sáng tạo
- Khai trương chợ đêm Sơn Trà
- Nở rộ mua bán - sáp nhập bất động sản
- Đi đâu, chơi gì dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 tại Đà Nẵng
- Văn phòng cho thuê tại Đà Nẵng tăng giá 12%
- Thảm nhựa tuyến nối đường Phạm Như Xương đi Hoàng Văn Thái
- Thu hồi đất để xây dựng trạm dừng của 4 tuyến xe buýt mới
- Khu đô thị Đại học Đà Nẵng: Hoàn thành xây dựng phương án giải phóng mặt bằng trước 30-9
- Thị trường bất động sản bùng nổ các căn hộ chuyên đề
- Môi giới bất động sản ngoại âm thầm đổ bộ Việt Nam