Sáng ngày 8-1, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huỳnh Nghĩa và Phó Chủ tịch UBDN thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của nhân dân, tất cả các cấp ngành dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Hiến pháp tạo cơ sở hiến định quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những quy định của Hiến pháp thể hiện sâu sắc và toàn diện chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, thể hiện đầy đủ bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thể hiện bao quát, toàn diện hơn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.”
Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, Quốc hội khóa XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với thời kỳ phát triển mới. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm sâu sắc và nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan, tổ chức đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp, giải trình nghiêm túc, thuyết phục các góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trải qua quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, khoa học và dân chủ, với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ các ý kiến đóng góp, ngày 28-11-2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Theo Nghị quyết của Quốc hội, cần phải khẩn trương tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp, giá trị khoa học và thực tiễn của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp, ý thức chấp hảnh và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội.
Tại hội nghị, trên cơ sở nghe báo cáo về những nội dung cơ bản của Hiến pháp, Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Chỉ thị của Ban Bí thư về việc triển khai thi hành Hiến pháp, các vị đại biểu đã thảo luận và đề xuất các biện pháp cụ thể cho việc triển khai thi hành Hiến pháp. Theo đó, trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt nội dung của Hiến pháp, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có kế hoạch thiết thực, phù hợp với từng cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể để triển khai thi hành Hiến pháp diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ và thu được kết quả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, để bảo đảm hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản để phát hiện và bãi bỏ những quy định trái Hiến pháp, sửa đổi,ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; lập danh mục, xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
CÔNG TÂM
Các bản tin khác
- Hơn 99% hộ gia đình tại Hà Nội đã có sổ đỏ
- Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?
- Phát triển nhà ở và bất động sản - kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- Nhà mua từ gói 30.000 tỷ đồng, có được phép bán?
- Ngày 25-12, khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn
- Phát triển quận Hải Châu thành đô thị kiểu mẫu hiện đại
- Khung giá “đất vàng” Hà Nội chính thức tăng gấp đôi
- Nhiều loại ôtô được giảm thuế từ 2015
- Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đêm sông Hàn
- Luật nhà ở sửa đổi làm nức lòng giới chuyên gia BĐS
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020
- Đà Nẵng là điểm đến mới thu hút nhất thế giới
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn ao
- Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
- Hơn 500 điểm khuyến mãi phục vụ người dân
- Lo ngại giá đất tăng
- Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nội đô sôi động
- Quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố