(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thị trường nhà đất đang có nhiều lợi thế để thu hút nguồn vốn FDI, vấn đề quan trọng là làm thế nào để tạo dựng niềm tin với dòng vốn này.
Sức lan tỏa của vốn FDI
Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sau hơn 25 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến hết năm 2013, đã có hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực; tổng vốn đăng ký khoảng 219 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 107 tỷ USD.
Vốn FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến 20/10/2013, vốn FDI đăng ký là 19,2 tỷ USD, tăng 65,5% và vốn thực hiện là 9,6 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,9 tỷ USD, tăng 3,0%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 72,1 tỷ USD, tăng 22,3%, chiếm 66,5% kim ngạch xuất khẩu.
Mức tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đóng góp 13,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi con số tương ứng của khu vực kinh tế trong nước là 0,8 điểm phần trăm. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 108,2 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, của khu vực kinh tế trong nước đạt 46,2 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực FDI đạt 62,0 tỷ USD, tăng 25,7%. Nhập siêu trong 10 tháng là 200 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với dự kiến, trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 10,3 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 10,1 tỷ USD.
“Đây là những con số khá ấn tượng, khẳng định tác động to lớn của khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam trong điều kiện kinh tế thế giới và FDI toàn cầu chưa phục hồi như dự báo hồi đầu năm 2013”, GS. Nguyễn Mại nhận xét.
Cần tạo dựng niềm tin
Theo GS. Mại, Việt Nam đang có khá nhiều cơ hội trong thu hút nguồn vốn FDI. Kinh tế đang phục hồi khá tốt, tính từ năm 2007, chưa bao giờ lạm phát thấp và ổn định như năm 2013, mặt khác Việt Nam đang tham gia vào các hiệp định PPP, các nguồn FDI có quy mô lớn với các đối tác.
“Rõ ràng triển vọng năm 2014 của Việt Nam là rất lớn. Tôi rất lạc quan với thu hút FDI trong năm 2014, chỉ còn vấn đề là chính sách thu hút FDI như thế nào”, ông Mại nói và cho biết, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam có 25 cải cách lớn, nhưng chỉ số cải thiện môi trường đầu tư của chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ, đứng thứ 96 trong số 189 nền kinh tế.Trong khi các nước trong khu vực ít có điều kiện hơn chúng ta như Campuchia, Indonesia luôn có sự cải thiện. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được niềm tin cho các nhà đầu tư.
Các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điểm yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh để xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị
Ở góc độ thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản, ông Mại nhìn nhận: “Thời gian qua, có nhiều quan điểm cho rằng, các nhà đầu tư tỏ ra ngán ngẩm với lĩnh vực bất động sản, nhưng tôi không nghĩ vậy. Nếu chúng ta tạo ra được môi trường kinh doanh như giai đoạn 2007 và 2008 thì người ta sẽ vào nhiều”, đồng thời cho rằng, có một thực tế rất phí lý lâu nay là Việt Nam cho người nước ngoài xây dựng những tòa nhà cả trăm triệu USD rồi bán lại được, trong khi không cho người ta bỏ tiền ra để mua một căn nhà để ở, mà đây lại chính là hình thức xuất khẩu tại chỗ và nhu cầu rất lớn. Hiện Chính phủ đã đồng ý, vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện ở cấp thừa hành như thế nào.
"Tóm lại, theo tôi, nhà đầu tư vào Việt Nam cũng mong muốn có được lợi nhuận, nếu chúng ta xây dựng được chính sách thu hút tốt, nguồn vốn FDI vào bất động sản vẫn tăng cao, bởi tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn", ông Mại nói.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành của CBRE dự báo, nếu như năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Nga góp phần làm tăng trường nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, thì năm 2014, sẽ đến lượt các nhà đầu tư Trung Quốc.
“Trong 6 tháng vừa qua, CBRE nhận được rất nhiều thông tin của các nhà đầu tư Trung Quốc tìm hiểu về thị trường bất động sản Việt Nam, hứa hẹn trong năm 2014 này sẽ có nhiều nhà đầu tư bắt đầu đổ vốn vào Việt Nam”, ông Marc Townsend nói và cho biết, khảo sát của CBRE cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn luôn trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại.
Các bản tin khác
- Những công trình ấn tượng của Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Đầu tư vào bất động sản năm 2018 lãi lớn
- Thị trường bất động sản 2019: Hướng tới nhu cầu mua để ở
- Người mua bất động sản hưởng lợi từ công nghệ 4.0
- Kinh nghiệm vay mua nhà cuối năm
- Đặt nền móng vững chắc cho đô thị Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Thách thức của du lịch Đà Nẵng, nhìn từ “đỉnh ngập”
- Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019
- “Hiện tượng” nhà phố thương mại
- Phát huy nội lực, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững
- 6 câu hỏi nên đặt ra khi đầu tư căn hộ condotel
- Chợ bất động sản online ngày càng sôi động
- Bình yên Chùa Linh Ứng Sơn Trà
- Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu
- Bất động sản Đà Nẵng: Vùng ven sẽ tăng giá sau đợt lụt trái mùa
- Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cùng lúc đón nhận 4 giải thưởng danh giá
- Đón sóng đầu tư bất động sản cuối năm cùng chuyên gia
- Xúc tiến mở tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn
- Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch