Dòng tiền quay lại bất động sản khiến các đơn vị môi giới lạc quan, nhưng dự thảo quy định không còn bắt buộc người dân phải giao dịch qua sàn cũng khiến họ lo lắng.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 2 quý đầu năm 2013, giao dịch trên toàn thị trường nhà đất Hà Nội khá trầm lắng. Nhưng đến 2 quý cuối, các hợp đồng thành công đã tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng tại 17 doanh nghiệp và 5 sàn giao dịch bất động sản có báo cáo, đến hết tháng 11 năm ngoái, hơn 4.000 giao dịch đã thành công. Trong đó, hai quý đầu chỉ đóng góp khoảng 1.300. Dự báo số giao dịch thành công cả quý IV vào khoảng 2.000.
Phân khúc căn hộ giá thấp dưới 15 triệu đồng mỗi m2, diện tích nhỏ, bao gồm cả nhà xã hội, nhà thu nhập thấp có lượng giao dịch tăng nhiều nhất, do phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường. Căn hộ có mức giá trung bình 17-25 triệu đồng một m2 tuy không sôi động, nhưng diễn ra tương đối đều đặn. Trong khi đó, giao dịch ở phân khúc căn hộ cao cấp có giá bán từ 25 triệu đồng mỗi m2 trở lên trong quý IV đã có cải thiện rõ rệt.
Dòng tiền đã quay trở lại thị trường bất động sản từ nửa cuối năm ngoái. Ảnh: Vũ Lê |
Ông Nguyễn Quốc Khánh, TGĐ Công ty Đầu tư và phân phối DTJ, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5, cho rằng giao dịch thành công nhiều vì người mua luôn được "tiếp nhận" tin tốt từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Dòng tiền không còn chờ đợi, mà đã vào thị trường từ cú hích chính sách.
Ông cho biết "Chưa năm nào Bộ Xây dựng lại ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản như năm 2013". Ông Khánh cũng nhận định, các chính sách bao giờ cũng có độ trễ, nên "điểm rơi" sẽ vào năm 2014.
Một thông tin cũng thu hút sự quan tâm thời gian qua là Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Thay vì bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua phải thông qua sàn giao dịch, dự luật chỉ quy định Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bất động sản thông qua sàn.
Một cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định mới này nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Luật hiện hành quy định việc bán, cho thuê bất động sản phải thông qua sàn giao dịch tuy giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn, nhưng cũng làm tăng thêm thủ tục, chi phí cho người mua, thuê nhà đất.
Một nguyên nhân nữa, theo cán bộ này, là quy định giao dịch phải qua sàn chỉ có ý nghĩa khi thị trường bất động sản sôi động như mấy năm trước. Còn hiện nay, thị trường trầm lắng, chủ đầu tư khuyến mại, chào bán rầm rộ mà vẫn không bán được hàng… Do vậy, bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn không còn phù hợp.
Tuy nhiên, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang cho rằng, đến thời điểm này, nhiều khách hàng đã có thói quen giao dịch qua sàn mới yên tâm về mặt pháp lý. Nên dù có quy định hay không, họ vẫn tìm đến những sàn làm ăn có uy tín. Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland cũng khẳng định, khi các nhà môi giới xác định phải xây dựng một môi trường chuyên nghiệp, có tính cam kết cao, đồng thời phát huy thế mạnh tạo liên kết cung - cầu, khách hàng chắc chắn sẽ đặt niềm tin vào các sàn.
(theo ĐTCK)
Các bản tin khác
- Sẽ giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng trong năm nay
- Sắp ra mắt khu đô thị sinh thái ven sông Cổ Cò 5 view đẳng cấp
- Có nên đầu tư dài hạn vào dự án bất động sản cao cấp?
- 3 lần mua nhà mang lại cho tôi nhiều bài học hữu ích
- Thưởng thức bia miễn phí tại lễ hội bia Bà Nà Hills
- Người mua nhà và "cột mỡ" chính sách
- Mua đất với khoản tiền nhỏ: Tại sao lại không?
- Thủ tục tách sổ đỏ
- Rủi ro mua đất chờ tách thửa
- Xây dựng quận Ngũ Hành Sơn thành khu đô thị lớn
- Khổ sở khi khi mua phải căn nhà có đường vào bị tranh chấp
- 4 chiêu câu khách bất động sản hấp dẫn
- Đà Nẵng lấy khu đất “vàng” 3.000m2 làm công viên
- Ba lưu ý thị trường bất động sản của Bộ trưởng Hồng Hà
- Yếu tố quan trọng người mua căn hộ dễ bỏ qua
- Mua đất với khoản tiền nhỏ: Tại sao lại không?
- Nở rộ "đa cấp" bất động sản
- Góp tiền mua đất chung, giấy chứng nhận cấp ra sao?
- Công khai dự án thế chấp ngân hàng, sao phải lo lắng?
- Đau khổ trước 'cánh đồng bất tận' thủ tục