Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như Luật Công chứng năm 2006 không quy định về hình thức Giấy ủy quyền. Tuy nhiên trên thực tế Giấy ủy quyền vẫn được sử dụng và cũng được công chứng như Hợp đồng ủy quyền.
Có sự khác biệt giữa Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền.
Cụ thể, Hợp đồng ủy quyền đòi hỏi phải có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; đối với Giấy ủy quyền thì không cần sự tham gia của bên nhận ủy quyền (ủy quyền đơn phương). Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy.
Do vậy, nếu sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc theo cam kết thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại, nếu có.
Trên thực tế cũng có một số trường hợp lập Giấy ủy quyền nhưng lại có sự tham gia của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Trường hợp này về hình thức là giấy ủy quyền nhưng về bản chất là Hợp đồng ủy quyền. Nếu có tranh chấp, pháp luật sẽ áp dụng các quy định về hợp đồng ủy quyền để giải quyết.
Do bạn không nói rõ về Giấy ủy quyền mà bạn đã lập cho người bạn được thực hiện dưới hình thức nào nên chúng tôi đặt ra một số trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất, Giấy ủy quyền được bạn lập tại tòa án. Trường hợp này bạn có thể đến trực tiếp tòa án làm văn bản hủy bỏ việc ủy quyền đó. Nếu bạn chưa có điều kiện về Việt Nam thì bạn có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước bạn đang cư trú để lập giấy này. Sau khi được cơ quan ngoại giao chứng thực, bạn gửi văn bản này về tòa án đang thụ lý hồ sơ. Bạn lưu ý là sau khi tòa án nhận được giấy này thì tòa án sẽ triệu tập bạn với tư cách đương sự trong vụ án đó mà không triệu tập người nhận ủy quyền nữa. Nếu bạn không có mặt theo triệu tập thì tòa án sẽ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai, Giấy ủy quyền lập tại Phòng công chứng và không có chữ ký của người nhận ủy quyền. Trường hợp này bạn thực hiện tương tự như ở trường hợp thứ nhất hoặc bạn cũng có thể đến phòng công chứng đã công chứng Giấy ủy quyền trước đây để lập văn bản hủy giấy.
Trường hợp thứ ba, Giấy ủy quyền lập tại Phòng công chứng và có chữ ký của người nhận ủy quyền. Trường hợp này sẽ có hai tình huống xảy ra.
Tình huống thứ nhất, người bạn của bạn đồng ý hủy bỏ hợp đồng ủy quyền. Trường hợp này, theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng, bạn và người bạn của bạn đến nơi đã công chứng giấy ủy quyền trước đây cho bạn để lập văn bản hủy bỏ hợp đồng ủy quyền. Khi lập văn bản này tại phòng công chứng phải có mặt của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Đối với trường hợp này, bạn không thể lập văn bản hủy việc ủy quyền từ nước ngoài.
Tình huống thứ hai, người bạn của bạn không đồng ý hủy bỏ hợp đồng ủy quyền hoặc đồng ý hủy bỏ hợp đồng nhưng đưa ra những điều kiện nhất định mà bạn không chấp nhận. Trường hợp này bạn không thể hủy bỏ hợp đồng ủy quyền như quy định tại Điều 44 nói trên. Để chấm dứt việc ủy quyền, bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự (Luật Công chứng hiện hành không quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền).
Theo quy định tại Điều 588, trong trường hợp uỷ quyền có thù lao (tiền công), bạn (người ủy quyền) có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bạn của bạn (bên được uỷ quyền) tương ứng với công việc mà bên được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý. Để tòa án biết việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, bạn cần làm văn bản thông báo gửi cho tòa án. Văn bản có thể lập trực tiếp tại tòa án hoặc lập tại cơ quan đại diện ngoại giao rồi gửi về cho tòa án.
Trường hợp có tranh chấp giữa các bên về việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì một trong các bên đều có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Về nguyên tắc, vụ kiện này là độc lập, không liên quan gì đến vụ kiện mà tòa án đang giải quyết.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Các bản tin khác
- Lưu ý phong thủy không thể không biết khi dọn nhà cuối năm
- Quy hoạch đô thị: Gian nan!
- Tránh mắc bẫy khi vay tiêu dùng trả góp
- Đà Nẵng sắp tổ chức đấu giá 158 lô đất khu vực Cẩm Lệ - Hoà Vang
- Đấu giá chuyển quyền đất ở tái định cư
- Năm 2016, xu hướng BĐS xanh lên ngôi
- Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 158 lô đất địa bàn phường Hoà Xuân và xã Hoà Châu
- Giá 11 lô đất thuộc Khu thương mại dịch vụ đường Trường Sa
- Trong 10 năm tới bất động sản ven biển có thể tăng giá gấp đôi
- Rộng cửa đón người mua nhà ở xã hội
- Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc đất nền hồi sinh
- InterContinental Đà Nẵng có nhà hàng lọt top "10 nhà hàng tuyệt nhất thế giới" của CNN
- Tổng thu thuế nội địa năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng
- Ô tô giảm giá 2018: Tàn giấc mộng
- Liên kết sàn giao dịch bất động sản liệu có bền vững?
- Những tư vấn trước khi mua nhà
- Ra mắt BCH Hội Môi giới BĐS Việt Nam tại miền Trung
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
- Ra mắt Hiệp hội Bất động sản khu vực miền Trung
- Đà Nẵng triển khai 7 sản phẩm du lịch mới trong năm 2016