Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã định hình xong kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2014; khối cổ phần cũng chuẩn bị bước vào mùa đại hội cổ đông.
Hơn lúc nào hết, có lẽ các vị “thuyền trưởng” nhà băng sẽ là những người được chú ý và kỳ vọng nhiều nhất. VnEconomy nhìn lại vị trí này tại một số ngân hàng thương mại lớn.
Vietcombank
Đặt trong quá trình những năm gần đây, hoạt động của Vietcombank không có gì quá nổi trội. Họ bước đều đều trong kết quả kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng sa sút, bước đều đều cũng đã là khả quan.
Nhưng, với riêng Vietcombank thì lại là một vấn đề. Gần chục năm về trước, đây là ngân hàng hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất trong hệ thống; con số lợi nhuận tuyệt đối bằng cả một nhóm xếp sau cộng lại. Vấn đề là, sự đều đều gần đây đã khiến Vietcombank không còn ưu thế vượt trội ở so sánh đó nữa.
Vietcombank đã để mất vị trí dẫn đầu toàn hệ thống về lợi nhuận, đã bị VietinBank vượt quá xa và BIDV đã bám sát, thậm chí phải dè chừng với những thành viên mạnh của khối cổ phần như MB, Sacombank…
Đặt trong so sánh và thực tế trên, ghế điều hành tại ngân hàng này là “nóng”, nếu họ đặt mục tiêu cải thiện hay lấy lại vị trí vốn có của mình. Riêng vị trí tổng giám đốc càng “nóng” hơn khi vừa có thay đổi năm qua.
Với kết quả kinh doanh khá ấn tượng nửa sau 2013, Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Thành đang dần khẳng định khả năng đảm đương áp lực đó. Dấu ấn bước đầu của vị lãnh đạo này là xắn tay trực tiếp làm việc và tìm kiếm khách hàng, cũng như phát huy sở trường trong xử lý nợ.
Ghế Tổng giám đốc Vietcombank hiện không phải là “nóng” nhất.
ACB
Sau chao đảo năm 2012, các vị trí và thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo cao cấp tại ACB trở nên “nóng” nhất trong hệ thống. Nhiều khó khăn, thử thách lớn riêng có cùng với bối cảnh kinh doanh nói chung tạo nên áp lực đặc biệt đối với những người kế nhiệm.
Cả vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc ACB được thay đổi và bổ nhiệm trong tình thế không thuận lợi. Trải qua những thời điểm thua lỗ, qua đà lao dốc mạnh của tổng tài sản ngân hàng, khó khăn trong kinh doanh cộng hưởng từ hiệu ứng rủi ro pháp lý trước đó hẳn đã tôi luyện cho hai nhân vật vốn còn khá trẻ ở hai vị trí lãnh đạo cao nhất tại ACB.
Giảm thiểu các rủi ro, giữ cho hoạt động ngân hàng ổn định và dần lấy lại thăng bằng là áp lực của hai “ghế nóng” nói trên. Cho đến cuối năm 2013, ACB đã dần ổn định, dần cân bằng, áp lực nối tiếp là từng bước đưa ngân hàng trở lại vị thế dẫn đầu khối cổ phần như từng có trước đây.
Đến nay, ghế của các vị trí điều hành cao cấp tại ACB đã không còn là “nóng” nhất trong hệ thống.
Techcombank
Ngày 13/8/2013, Techcombank thu hút sự chú ý của công chúng với sự kiện thay đổi nhân sự cao cấp. Sau hơn một năm, nhân tố mới là người nước ngoài, ông Simon Morris từ nhiệm; ông Đỗ Tuấn Anh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc.
Ghế điều hành cao nhất tại ngân hàng này đã từng “nóng”, sau sự ra đi của người tiền nhiệm Nguyễn Đức Vinh. Nó càng “nóng” khi có thể hiểu Hội đồng Quản trị có kỳ vọng và yêu cầu lớn hơn gắn với thay đổi trên.
Khó khăn thể hiện ở Techcombank hơn một năm qua có nét tương đồng với nhiều ngân hàng thương mại khác. Kết quả kinh doanh không được như mong muốn, không giữ được vị trí hàng đầu trong khối cổ phần về hiệu quả, về các tốc độ tăng trưởng.
Dường như Techcombank vẫn đang tìm kiếm để có một sự thay đổi chính thức ở vị trí điều hành nói trên. Áp lực đặt ra hẳn là làm sao đưa ngân hàng trở lại với ưu thế hàng đầu từng có những năm trước.
Eximbank
Eximbank có lẽ là bất ngờ lớn nhất trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2013, lần đầu tiên lỗ trong phạm vi một quý sau nhiều năm. Đáng chú ý, đó cũng là quý đầu tiên ngân hàng này có Tổng giám đốc mới, ông Nguyễn Quốc Hương.
Còn quá sớm để nói về ảnh hưởng của thay đổi nhân sự cao cấp đối với kết quả kinh doanh. Nhưng, mức lỗ quý 4/2013 đánh dấu thời điểm khó khăn thực sự của Eximbank, tạo thêm áp lực đối với tân Tổng giám đốc. Càng khó khăn hơn, ngay quý đầu tiên điều hành ở vị trí cao nhất, áp lực hẳn rất lớn trước quyết định cắt giảm một loạt nhân sự.
Liệu mức lỗ khá lớn trong quý 4/2013 đã phản ánh hết rủi ro và khó khăn của Eximbank hay chưa, cú rơi trong kết quản kinh doanh năm qua chỉ là nhất thời, 2014 sẽ có sự trở lại của một trong những thành viên nhiều năm ở nhóm đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần?
Ngoài ra, năm nay dự kiến cũng sẽ có những thay đổi nhân sự trong cơ cấu Hội đồng Quản trị Eximbank, với kế hoạch bổ sung 3 thành viên mới.
Agribank
Đầu năm 2014, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã tạo cú sốc lớn về Agribank.
Một điểm được chú ý trong kết luận của thanh tra là tỷ lệ nợ xấu được xác định lên tới 12,71%; nếu loại trừ các khoản nợ đã được cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì nợ xấu là 12,21%; nếu loại trừ nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng, cam kết ngoại bảng là 9,83%.
Với những bất cập lớn như Thanh tra Chính phủ kết luận, ghế quản lý và điều hành Agribank có thể xem là “nóng” nhất hiện nay, gắn với yêu cầu khắc phục, chỉnh đốn cũng như yêu cầu tái cơ cấu đang dang dở. Thêm nữa, cả một hệ thống đồ sộ với khoảng 2.400 chi nhánh trên toàn quốc là một thử thách cho khả năng quán xuyến của những lãnh đạo đứng đầu.
Trong khoảng hai năm qua và cho đến nay, tại đây, một trong hai chức danh quan trọng nhất thường khuyết. Từ tháng 4/2013 trở về trước, ghế Tổng giám đốc để ngỏ; từ đầu năm đến nay, ghế Chủ tịch Hội đồng Thành viên để trống, khi người tiền nhiệm Nguyễn Ngọc Bảo vừa chuyển sang làm Phó ban Kinh tế Trung ương và Tổng giám đốc Trịnh Ngọc Khánh tạm thay.
Tại Agribank và những ngân hàng trên, ghế quản lý điều hành cao cấp đang “nóng”. Song, bên cạnh áp lực, mức độ “nóng” cũng là cơ hội để thể hiện và khẳng định những tài năng thực sự.
Và dù “nóng” thế nào, khả năng chèo lái của những người đứng đầu còn tùy thuộc rất nhiều vào những yếu tố nền tảng của ngân hàng, như chất lượng đội ngũ, sức mạnh đồng thuận tập thể, tiềm lực tài chính, vị thế đã gây dựng được trên thị trường…
Theo VnEconomy
Các bản tin khác
- Khu nghỉ dưỡng tốt nhất tại Việt Nam dành cho gia đình
- Phú Quốc khai trương cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới
- Giao dịch bất động sản đầu năm tiếp tục khởi sắc
- Hình thành khu phố du lịch An Thượng
- Thị trường giao dịch bất động sản tăng trưởng khá trong tháng đầu năm
- Ba lưu ý khi chọn đầu tư condotel 2018
- Sẽ có thêm 01 bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại Đà Nẵng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2
- Coi chừng sập “bẫy” đất nền
- Nhiều hoạt động văn hóa, giải trí trước, trong Tết
- Bất động sản tiếp tục là kênh hút đầu tư
- Cảnh giác trong giao dịch bất động sản
- Giá bất động sản năm 2018 khó tăng đột biến
- Công ty Mikazuki đề nghị mở rộng quy mô dự án Khu du lịch Xuân Thiều
- Hơn 46 tỷ đồng khai thác du lịch biển dọc tuyến Nguyễn Tất Thành
- TMS Đà Nẵng khai trương căn hộ mẫu, VRM chính thức độc quyền phân phối Dự án
- Thaco khánh thành trung tâm ô tô tải, bus kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước tại Đà Nẵng
- Top 10 doanh nhân ảnh hưởng lớn trên thị trường bất động sản 2017
- Bất động sản Đà Nẵng sôi động, nhưng rủi ro luôn rình rập nhà đầu tư
- Thẩm định chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu