(Cadn.com.vn) - Mấy tuần vừa qua, hầu như tất cả các cấp quản lý, các cơ quan chuyên môn, các thành phần liên quan trực tiếp, gián tiếp đến bất động sản (BĐS) đều có sự chuyển động ráo riết.
Không nghi ngờ gì nữa, tình trạng ế ẩm kéo dài của BĐS đã đạt đến trạng thái căng thẳng tột độ. Liệu những chuyển động ở thượng tầng có đủ khả năng truyền lực đến hạ tầng, nơi hàng tỉ đô-la đang bị chôn vùi bất động?
Mô hình cho vay mới
Thị trường BĐS suy yếu đã tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế có liên quan. Bộ Xây dựng ước tính, có tới 200 lĩnh vực liên quan đến thị trường BĐS đang bị ảnh hưởng. Tồn kho BĐS của cả nước khoảng 108.000 tỷ, trong đó tồn kho căn hộ chung cư là 28.000 căn, nhà thấp tầng 15.000 căn, đất nền là trên 9 triệu m2.
Các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng như sắt thép, xi-măng, gạch ceramic, kính xây dựng... gặp nhiều khó khăn. Trước tình thế cấp bách đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP nhằm đưa ra một số giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, giảm tồn kho trong lĩnh vực BĐS.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng cũng ban hành văn bản hướng dẫn việc cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp đối với một số đối tượng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau khi điều chỉnh giảm lãi suất xuống 5%/năm, số tiền giải ngân của gói tín dụng này chỉ có 862 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,8%.
Để tạo hiệu ứng một lần nữa, NHNN vừa ban hành Văn bản số 937/NHNN-TD (20/2) chỉ đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM) khẩn trương triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà (NHTM, chủ đầu tư, nhà thầu & nhà cung cấp vật liệu) để “kích hoạt” thị trường BĐS. Sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng sẽ được thực thi trong thời gian tới.
Sản phẩm tín dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, cơ chế này sẽ tạo dựng niềm tin, khiến thị trường BĐS ấm dần trở lại. Thứ hai, tồn kho hàng hóa nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng sẽ tiếp tục giảm, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, sản phẩm này sẽ tạo động lực đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, dự án về giao thông (nhất là các gói nâng cấp Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14).
Việc đẩy nhanh cung ứng nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích nhỏ hơn 70m2 sẽ góp phần bảo đảm cung cầu cho phân khúc thị trường này và tăng cường giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Theo Bộ xây dựng, hiện nay cả nước đang triển khai 125 dự án nhà ở xã hội với 79.000 căn hộ (số dự án đã hoàn thành là 96 dự án, với quy mô 31.000 căn), đang thực hiện điều chỉnh 52 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô gần 35.000 căn. Cuối cùng, mô hình cho vay mới sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng đảm bảo an toàn và không làm tăng nợ xấu.
Ngân hàng nào sẽ tham gia?
Trước mắt, NHNN sẽ chỉ định một số NHTM lớn, tự nguyện để cùng phối hợp tham gia liên kết thực hiện các dự án BĐS, giao thông (đặc biệt tập trung vào các dự án giao thông lớn hiện nay đã có chủ trương đầu tư như dự án cải tạo quốc lộ 1, quốc lộ 14...). Nếu sản phẩm thành công, có tác dụng rõ rệt, NHNN sẽ nhân rộng ra toàn Ngành.
Các NH trụ cột như ĐT&PT, NH Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank), NH Công thương (Viettinbank), NH Ngoại thương (Vietcombank) và một số NH khác như NH Xây dựng,... được dự kiến là những nhà băng đầu tiên tham gia và thực hiện sản phẩm này.
NHNN sẽ có hình thức khuyến khích nhất định đối với các NH tích cực khởi tạo và tham gia các liên kết. Nếu dự án khả thi và đủ điều kiện, NHNN sẽ ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng, trình Chính phủ cho phép cấp tín dụng, bảo lãnh đối với các dự án vượt 15% vốn tự có, hỗ trợ thông tin CIC, loại trừ dư nợ các khoản cho vay theo sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà ra khỏi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá 3% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Đối với các trường hợp NHTM gặp khó khăn về nguồn vốn, NHNN sẽ xem xét hỗ trợ nguồn vốn thông qua việc tái cấp vốn.
Có thể nói, đây là bước đi quyết liệt để “kích hoạt” thị trường BĐS của hệ thống NH. Nhờ có liên kết này, dòng vốn đầu tư được đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát trong khi cho vay bởi vì quy trình tín dụng được khép kín.
Nhận định về ý tưởng này, ông Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường) cho biết, phương thức liên kết 4 nhà là một giải pháp tích cực để hỗ trợ thị trường BĐS. Điều này sẽ hạn chế những tiêu cực khi nhà đầu tư dùng vốn góp của khách hàng sử dụng vào mục đích khác. Nhờ vậy, thị trường sẽ minh bạch, tạo dựng lại niềm tin cho công chúng trong tương lai.
Văn Khoa
http://cadn.com.vn/
Các bản tin khác
- Siêu ưu đãi cho khách mua condotel Hoà Bình Green Đà Nẵng
- 6 lý do giá đất tiếp tục tăng năm 2017
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Đà Nẵng phải trở 1 thành phố khác biệt, có thể cạnh tranh với Singapore, Hồng Kông”
- Gom tiền cuối năm, nhà đất ‘hò’ nhau tăng giá
- Đà Nẵng 20 năm 'khoác áo' Trung ương
- Nét chấm phá mới trong kiến trúc đô thị
- Đà Nẵng chốt phương án làm hầm vượt sông Hàn gần 5.000 tỷ
- Nhiều công trình chào mừng Đà Nẵng 20 năm
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng
- Xu hướng đầu tư đất nền – hứa hẹn nhiều tiềm năng
- BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng tăng tốc đón APEC 2017
- Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Tầm nhìn mới của Đà Nẵng sau 20 năm cất cánh
- Kênh đầu tư nào hút dòng tiền cuối năm?
- Những chính sách khuấy động thị trường bất động sản 2016
- Toàn cảnh bất động sản Đà Nẵng
- Bàn thêm về dự án công trình vượt sông Hàn...
- Nhiều cảnh báo cho thị trường bất động sản trong 2017
- Nguy cơ tăng nóng tín dụng mua nhà
- 5 dự báo lạc quan về thị trường bất động sản 2017
- Hoa mắt với ưu đãi mua nhà dịp cuối năm