Đại diện Ngân hàng Nhà nước nói nhiều ngân hàng đã cho vay ở mức thấp hơn cả lãi suất huy động...
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ
“Mặt bằng lãi suất cho vay VND và USD đều ổn định và hợp lý, nhiều ngân hàng đã cho vay VND ở mức dưới 6%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động”, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại cuộc gặp gỡ báo chí định kỳ của ngành ngân hàng tháng 2/2014.
Hai tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước mua vào 4 tỷ USD, thanh khoản dồi dào nhưng tín dụng vẫn âm 1,66% so với 31/12/2013. Ngân hàng Nhà nước khẳng định với báo giới: sẽ đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% - 14% trong 2014.
Thưa bà, có nhiều lo ngại rằng, những khó khăn của 2013 tiếp tục đeo bám sự ổn định kinh tế vĩ mô và sẽ tác động không thuận tới điều hành chính sách tiền tệ trong 2014. Quan điểm của bà như thế nào?
Mặc dù năm 2014, Chính phủ chưa thể giải quyết triệt để những khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô nhưng qua hai tháng đầu năm, đã có những tín hiệu tích cực.
Đó là, môi trường kinh tế thế giới đang có nhiều dự báo tích cực và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ đó, đặc biệt là khu vực xuất khẩu.
Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế hai tháng qua có nhiều dấu hiệu tốt như chỉ số công nghiệp xây dựng tăng 5,4% so với cùng kỳ và tăng 1,4% so với cuối 2013.
Cũng so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đã loại bỏ yếu tố giá cũng tăng 6,2%; giải ngân vốn FDI tăng 6,7%. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đang ở mức 52,1 điểm, tăng tháng thứ 5 liên tiếp.
Ngoài ra, chỉ số CPI của 2 tháng qua chỉ tăng 1,24% so với cuối 2013, trong đó tháng 1 tăng 0,69%, tháng 2 tăng 0,55%, được cho là mức tăng thấp so với thông lệ.
Riêng với điều hành chính sách tiền tệ, ở các năm trước, cứ vào dịp trước và sau Tết, hệ thống thường căng thanh khoản nhưng năm nay, thị trường ổn định.
Trong điều kiện vừa phải kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp trung hòa linh hoạt qua giao dịch OMO. Nhờ đó, thanh khoản các ngân hàng được đảm bảo, không có một ngân hàng nào phải vay tái cấp vốn.
Gần đây, một số ngân hàng đưa các gói vốn giá rẻ nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, số đó chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, phần lớn là lãi suất vẫn còn cao, bà nói gì về vấn đề này?
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước xác định một trong những ưu tiên hàng đầu là tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm hơn nữa nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi đang giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hối thúc các tổ chức tín dụng giảm lãi vay, kể cả khoản vay cũ về dưới mức 13%/năm; điều chỉnh giảm thêm 1%/năm đối với lãi vay gói 30 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường đang ổn định và có xu hướng giảm.
Sau Tết, khi tiền trở lại hệ thống, thanh khoản dư thừa, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1 - 2 tháng với mức 0,3% - 0,5%/năm, các kỳ hạn dài hơn có giảm nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 0,1%/năm.
Đây là điều kiện quan trọng để các ngân hàng hạ lãi suất tiền vay và nhờ đó, đường cong lãi suất đúng quy luật hơn: kỳ hạn ngắn thì lãi suất thấp, kỳ hạn dài lãi suất cao hơn.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay VND và USD đều ổn định và hợp lý, nhiều ngân hàng đã cho vay VND ở mức dưới 6%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động.
Ngày 28/2, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc cho biết là tín dụng 2 tháng qua âm 1,66% so với 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để đảm bảo mức tăng tín dụng hợp lý?
Tính đến 20/2/2014, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66% so với cuối 2013, trong đó, tín dụng VND giảm 1,94%, tín dụng ngoại tệ tăng 0,11%. Mức giảm này phù hợp với tính quy luật những năm gần đây vào dịp Tết: 2 tháng đầu của 2012 giảm 1,88% và 2 tháng đầu 2013 giảm 0,23%.
Xác định đây là thách thức không nhỏ nên ngay từ đầu năm, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng định hướng từ 12% - 14% và tình hình thị trường, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng đơn vị; đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch thực hiện để đảm bảo chỉ tiêu.
Theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý xong 8 trong số 9 ngân hàng yếu kém, còn một đơn vị được dự kiến cho phép nước ngoài tham gia 100 vốn để tái cơ cấu, tại sao đến nay chưa có thông tin chính thức?
Việc tái cơ cấu 9 ngân hàng được xác định ở thời gian trước thì hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đôn đốc họ thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Riêng còn một ngân hàng đề xuất tái cơ cấu theo phương án có sự tham gia 100% vốn nước ngoài thì Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc.
Theo Nghị định 01 về góp vốn mua cổ phần của các tổ chức nước ngoài được Chính phủ ban hành từ đầu năm nay, đã có cơ chế mở, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém trong nước được vượt tỷ lệ quy định nhưng Thủ tướng phải xem xét từng trường hợp.
Với trường hợp nói trên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyết định sớm nhất có thể.
Nguyễn An Thơ
http://vneconomy.vn/
Các bản tin khác
- Phát triển Sơn Trà thành trọng điểm du lịch
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay