Tuy Luật Công chứng có cấm đoán nhưng tên văn phòng công chứng vẫn bị “nhân bản” thiếu kiểm soát.
Mới đây, Văn phòng Công chứng (VPCC) Phú Mỹ Hưng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) có công văn “cấp báo” với Sở Tư pháp TP.HCM: “Ở Nghệ An cũng có VPCC Phú Mỹ Hưng!”. Không chỉ e ngại có sự vi phạm pháp luật, VPCC này còn lo lắng về những rắc rối phát sinh từ việc bị trùng tên ngoài ý muốn.
Tên trùng tên
VPCC Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM cho biết VP mình được UBND TP.HCM cấp phép thành lập vào ngày 25-8-2010 và đăng ký hoạt động lần 1 vào ngày 26-10-2010, lần 2 vào ngày 24-5-2012 (do thay đổi trụ sở). Trong khi đó, VPCC Phú Mỹ Hưng ở Nghệ An được UBND tỉnh này cấp phép thành lập ngày 22-2-2013 và đăng ký hoạt động ngày 25-3-2013.
Cứ tưởng chỉ có mỗi tên Phú Mỹ Hưng bị trùng nhưng không phải vậy. Tại thời điểm này, tên VPCC Trung Tâm xuất hiện ở rất nhiều địa phương trong cả nước như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh... Chưa rõ ai trước ai, chỉ biết là VPCC Trung Tâm ở TP.HCM là một trong những văn phòng được cấp phép hoạt động đầu tiên tại TP.HCM (năm 2008).
Nguyên tắc là cấm
Luật Công chứng năm 2006 quy định tên gọi của VPCC do công chứng viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “VPCC”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc (khoản 3 Điều 26). Ngoài cấm đoán này thì không có quy định cụ thể nào khác để làm rõ phạm vi đặt tên trùng chỉ tính trong phạm vi tỉnh, thành mà VPCC đó có trụ sở hay tính trên phạm vi toàn quốc.
Hiện tại, muốn thành lập VPCC thì công chứng viên chỉ cần có hồ sơ đề nghị thành lập VPCC gửi UBND cấp tỉnh để được xem xét, giải quyết. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị thành lập VPCC; đề án thành lập VPCC nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên. Theo đó, ngay từ khi gửi hồ sơ thì tên gọi của VPCC cũng được công chứng viên lựa chọn cho văn phòng của mình. Thế nhưng do không có nguồn thông tin tham khảo nên công chứng viên không thể biết được tên ấy đã có ai đặt chưa, nhất là trong phạm vi cả nước.
Chỉ có thể loại trừ trong phạm vi hẹp
Tại TP.HCM, hồ sơ đề nghị thành lập VPCC nộp tại Sở Tư pháp. Sau đó, Sở sẽ xin ý kiến của Bộ Tư pháp về tên gọi của VPCC đó có trùng với người nào chưa trước khi trình hồ sơ lên UBND TP.HCM xem xét, ra quyết định cho phép thành lập. Nếu tên mà công chứng viên lựa chọn cho VPCC của mình đã có người khác đặt rồi thì Bộ sẽ cho biết ngay để Sở yêu cầu đổi tên khác và thực tế đã có nhiều VPCC phải đổi tên. Ngoài ra, trang web của Sở Tư pháp TP.HCM cũng có nêu danh sách các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động để mọi người đều biết.
Việc kiểm tra này của Sở cũng chỉ là một giải pháp chống trùng tên chứ không có quy định nào bắt buộc Sở phải làm như vậy.
KIM PHỤNG
Áp dụng theo việc đặt tên doanh nghiệp? Có ý kiến cho rằng căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng thì VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, việc đặt tên cũng phải theo luật này. Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 43/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (áp dụng từ ngày 1-1-2011), việc đặt tên trùng là vi phạm điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp. Nghị định này lưu ý doanh nghiệp không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc (trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể). Điều 15 của Nghị định 43/2010 còn quy định rõ: Tên trùng và gây nhầm lẫn là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu ”&”; ký hiệu ”-” ; chữ ”và”... “Phải hiểu là phạm vi cả nước” Theo một chuyên viên của Bộ Tư pháp, với quy định nêu tại khoản 3 Điều 26 Luật Công chứng “tên gọi của VPCC không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác…” thì cần phải hiểu là trong phạm vi cả nước chứ không chỉ trong một địa phương. Ấy thế mà nhiều địa phương khi xem xét hồ sơ xin thành lập VPCC chỉ kiểm tra xem có trùng tên trong địa phương mình hay không. Do thông tư hướng dẫn Luật Công chứng không đề cập đến nội dung này nên tới đây, khi xem xét, sửa đổi Luật Công chứng, Bộ Tư pháp sẽ có phương án bổ sung. |
http://plo.vn/
Các bản tin khác
- Chuẩn bị các điều kiện để Tổng kiểm kê đất đai
- Những chính sách mới về đất đai có hiệu lực trong tháng 8-2014
- Tọa đàm về một số kỹ năng cần lưu ý khi giao kết, thực hiện hợp đồng
- Tăng trưởng bất động sản du lịch và cải thiện giao dịch đất nền
- 1,13 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào bất động sản
- Mua nhà có cần chọn năm hợp tuổi?
- Bất động sản Đà Nẵng đang khởi sắc
- Mua nhà sở hữu chung: rủi ro rình rập
- Luật Đất đai mới "mở cửa" cho nhà ĐTNN tham gia vào thị trường BĐS
- Đà Nẵng khánh thành hệ thống thông tin chính quyền điện tử
- Giao dịch BĐS tiếp tục phục hồi tích cực
- Bác tin mua chung cư phải nộp tiền sử dụng đất
- Có ngoại tệ, được sử dụng như thế nào?
- Khóc ròng vì luật thay đổi
- Đất ở lâu năm nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy
- Triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính công
- Khối ngoại rót vốn vào tài chính, y tế và địa ốc
- Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
- Họp triển khai Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
- Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời: Vấn đề chứng thực và việc lạm dụng các bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính