Tuy Luật Công chứng có cấm đoán nhưng tên văn phòng công chứng vẫn bị “nhân bản” thiếu kiểm soát.
Mới đây, Văn phòng Công chứng (VPCC) Phú Mỹ Hưng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) có công văn “cấp báo” với Sở Tư pháp TP.HCM: “Ở Nghệ An cũng có VPCC Phú Mỹ Hưng!”. Không chỉ e ngại có sự vi phạm pháp luật, VPCC này còn lo lắng về những rắc rối phát sinh từ việc bị trùng tên ngoài ý muốn.
Tên trùng tên
VPCC Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM cho biết VP mình được UBND TP.HCM cấp phép thành lập vào ngày 25-8-2010 và đăng ký hoạt động lần 1 vào ngày 26-10-2010, lần 2 vào ngày 24-5-2012 (do thay đổi trụ sở). Trong khi đó, VPCC Phú Mỹ Hưng ở Nghệ An được UBND tỉnh này cấp phép thành lập ngày 22-2-2013 và đăng ký hoạt động ngày 25-3-2013.
Cứ tưởng chỉ có mỗi tên Phú Mỹ Hưng bị trùng nhưng không phải vậy. Tại thời điểm này, tên VPCC Trung Tâm xuất hiện ở rất nhiều địa phương trong cả nước như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh... Chưa rõ ai trước ai, chỉ biết là VPCC Trung Tâm ở TP.HCM là một trong những văn phòng được cấp phép hoạt động đầu tiên tại TP.HCM (năm 2008).
Nguyên tắc là cấm
Luật Công chứng năm 2006 quy định tên gọi của VPCC do công chứng viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “VPCC”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc (khoản 3 Điều 26). Ngoài cấm đoán này thì không có quy định cụ thể nào khác để làm rõ phạm vi đặt tên trùng chỉ tính trong phạm vi tỉnh, thành mà VPCC đó có trụ sở hay tính trên phạm vi toàn quốc.
Hiện tại, muốn thành lập VPCC thì công chứng viên chỉ cần có hồ sơ đề nghị thành lập VPCC gửi UBND cấp tỉnh để được xem xét, giải quyết. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị thành lập VPCC; đề án thành lập VPCC nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên. Theo đó, ngay từ khi gửi hồ sơ thì tên gọi của VPCC cũng được công chứng viên lựa chọn cho văn phòng của mình. Thế nhưng do không có nguồn thông tin tham khảo nên công chứng viên không thể biết được tên ấy đã có ai đặt chưa, nhất là trong phạm vi cả nước.
Chỉ có thể loại trừ trong phạm vi hẹp
Tại TP.HCM, hồ sơ đề nghị thành lập VPCC nộp tại Sở Tư pháp. Sau đó, Sở sẽ xin ý kiến của Bộ Tư pháp về tên gọi của VPCC đó có trùng với người nào chưa trước khi trình hồ sơ lên UBND TP.HCM xem xét, ra quyết định cho phép thành lập. Nếu tên mà công chứng viên lựa chọn cho VPCC của mình đã có người khác đặt rồi thì Bộ sẽ cho biết ngay để Sở yêu cầu đổi tên khác và thực tế đã có nhiều VPCC phải đổi tên. Ngoài ra, trang web của Sở Tư pháp TP.HCM cũng có nêu danh sách các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động để mọi người đều biết.
Việc kiểm tra này của Sở cũng chỉ là một giải pháp chống trùng tên chứ không có quy định nào bắt buộc Sở phải làm như vậy.
KIM PHỤNG
Áp dụng theo việc đặt tên doanh nghiệp? Có ý kiến cho rằng căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng thì VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, việc đặt tên cũng phải theo luật này. Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 43/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (áp dụng từ ngày 1-1-2011), việc đặt tên trùng là vi phạm điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp. Nghị định này lưu ý doanh nghiệp không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc (trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể). Điều 15 của Nghị định 43/2010 còn quy định rõ: Tên trùng và gây nhầm lẫn là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu ”&”; ký hiệu ”-” ; chữ ”và”... “Phải hiểu là phạm vi cả nước” Theo một chuyên viên của Bộ Tư pháp, với quy định nêu tại khoản 3 Điều 26 Luật Công chứng “tên gọi của VPCC không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác…” thì cần phải hiểu là trong phạm vi cả nước chứ không chỉ trong một địa phương. Ấy thế mà nhiều địa phương khi xem xét hồ sơ xin thành lập VPCC chỉ kiểm tra xem có trùng tên trong địa phương mình hay không. Do thông tư hướng dẫn Luật Công chứng không đề cập đến nội dung này nên tới đây, khi xem xét, sửa đổi Luật Công chứng, Bộ Tư pháp sẽ có phương án bổ sung. |
http://plo.vn/
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng