Trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các luật, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013.
Thưa Bộ trưởng, nhiều khán giả gửi câu hỏi về chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tỏ ra băn khoăn: Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 được đánh giá là bước tiến về quyền con người, quyền công dân; nhìn lại Hiến pháp năm 1992, chúng ta thấy có nhiều quy định đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vậy đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường:
1. Đúng như Nhà báo nói, nhân dân ta cũng đánh giá và dư luận quốc tế cũng thừa nhận, Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến lớn trong nhận thức và tư duy của Đảng và Nhà nước ta về vị trí, vai trò của Hiến pháp trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhận thức đó là hoàn toàn phù hợp với tư tưởng chung của nhân loại, xu thế của thời đại. Theo đó Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất, thông qua đó một mặt nhân dân khẳng định quyền lực của mình, giao cho Nhà nước thực hiện một phần quyền lực đó và mặt khác dành cho mình các quyền con người, quyền công dân mà Nhà nước phải công nhân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
2. Đương nhiên, phải nói rằng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là mục tiêu xuyên suốt của Nhà nước ta. Do đó, chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ năm 1946 đến nay. Hiến pháp năm 1992 đã dành Chương V với tổng cộng 33 điều (từ Điều 49 đến Điều 82) quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên đã ghi nhận quyền con người được tôn trọng và thể hiện ở các quyền cơ bản của công dân.
Tuy nhiên, đúng như cử tri nhận xét, do nhiều lý do khác nhau mà một số quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây, trong đó có Hiến pháp năm 1992, chưa đi vào cuộc sống, chưa được cụ thể hóa bằng luật hoặc văn bản dưới luật, trong đó có một số luật thì chưa được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, nhưng cũng có luật thì do chuẩn bị chưa tốt hoặc tính khả thi chưa cao, nên chưa được thông qua.
3. Với mục tiêu phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều điểm mới tiến bộ, tích cực được coi là điểm sáng liên quan đến chế định quan trọng này. Cụ thể:
- Một, đổi tên chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và chuyển vị trí từ Chương V lên Chương II của Hiến pháp (sau Chương về Chế độ chính trị) để khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền công dân.
- Hai, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã ghi nhận ngay ở điều đầu tiên của Chương (Điều 14) các nguyên tắc cơ bản trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảmcác quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đó là:
"Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảmtheo Hiến pháp và pháp luật" (khoản 1);
Đồng thời, Hiến pháp cũng khẳng định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật và chỉ trong 4 trường hợp cần thiết là: vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; vì trật tự, an toàn xã hội; vì đạo đức xã hội và vì sức khỏe của cộng đồng (khoản 2)...
Ba, Hiến pháp năm 2013 phân biệt rõ quyền nào là quyền con người và quyền nào là quyền công dân. Trong 26 điều quy định về quyền con người, quyền công dân thì có thì có 15 điều về quyền con người và được xem là các quyền tự nhiên của con người có được từ khi sinh ra, ví dụ: quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được sống ...; chỉ có 11 điều về quyền công dân, tức là gắn với việc phải có quốc tịch Việt Nam.
Bốn, Hiến pháp không chỉ kế thừa mà còn phát triển, mở rộng các quyền cong người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Ví dụ trong lĩnh vực dân sự - kinh tế như khẳng định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ (Điều 32); chuyển từ nguyên tắc mọi người được kinh doanh theo quy định của pháp luật sang nguyên tắc được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33).
4. Về giải pháp khắc phục tồn tại trước đây, để bảo đảm các quy định của Hiến pháp năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và tính tối thượng của Hiến pháp, các quyền con người, quyền công dân không còn là "quyền treo” trong Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp; Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là rà soát lại toàn bộ các luật, pháp lệnh và các văn bản QPPL khác được ban hành trước ngày Hiến pháp có hiệu lực để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, nội dung nào không phù hợp phải bị tuyên bố hủy bỏ; ưu tiên sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, lập Danh mục dự kiến ban hành các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo và lộ trình thực hiện.
Tôi tin rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, trình độ dân trí được nâng cao, với sự nỗ lực của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì nhất định việc soạn thảo, thông qua các luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân sẽ được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, sớm đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, để các quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp không còn là quy định "treo nữa".
Vậy thưa Bộ trưởng, việc xây dựng và ban hành các luật để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân sẽ được thực hiện như thế nào và trong thời gian bao lâu?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường:
1. Theo Dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và của Chính phủ, thì có tới 28 luật về quyền con người, quyền công dân cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó có 12 luật liên quan đến các quyền chính trị - dân sự; 16 luật liên quan đến các quyền kinh tế - văn hóa - xã hội .
2. Về lộ trình, như đã nêu ở trên, hầu hết các luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân đều được ưu tiên xây dựng, trình Quốc hội trong các năm 2015 và 2016, một số ngay trong năm 2014.
Thưa Bộ trưởng, vừa qua dư luận xã hội và ngay cả diễn đàn Quốc hội rất quan tâm tới một số vụ án oan sai, trong đó quyền bào chữa, quyền tự bảo vệ của người dân trong quá trình tố tụng chưa được bảo đảm, ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Vậy các luật mà Bộ trưởng vừa kể tới dự kiến sẽ khắc phục tình trạng đó như thế nào?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường:
1. Về vấn đề này, Hiến pháp đã mở ra không gian rộng lớn trong việc mở rộng và phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Cụ thể:
- Một, Hiến pháp lần đầu tiên khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Khoản 3 Điều 103);
- Hai, Mở rộng phạm vi những người được bảo đảm quyền bào chữa từ chỗ chỉ có bị can, bị cáo theo Hiến pháp 1992, nay bao gồm cả người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra (khoản 4 Điều 31);
- Ba, Quy định rõ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể con người (Điều 20);
- Bốn, Nguyên tắc suy đoán vô tội được hiến định rõ hơn, chặt chẽ hơn theo hướng một người được coi là không có tội cho đến khi việc buộc tội phải được chứng minh theo trình tự luật định - đây là điều kiện mới so với điều kiện trước đây là chỉ cần bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật như Hiến pháp 1992 (khoản 1 Điều 31);
- Năm, Nâng từ luật thành quy định của Hiến pháp nguyên tắc người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định (khoản 2 Điều 31).
2. Với tinh thần và những quy định mới của Hiến pháp như trên, Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự đang được nghiên cứu sửa đổi và dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2015. Một trong những sửa đổi quan trọng lần này là quy định quyền của luật sư theo hướng thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp về tranh tụng, về nguyên tắc có luật sư của người bị bắt... như ở trên đã nêu.
Luật tạm giữ, tạm giam cũng đã được đưa vào Kế hoạch ban hành năm 2016 nhằm thực hiện quy định của Hiến pháp "Việc bắt, giam, giữ người do luật định".
http://moj.gov.vn/
Các bản tin khác
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Tương lai rộng mở
- Những mảnh ghép trên thị trường bất động sản năm 2018
- Bứt phá trong năm mới
- Chuyên gia phong thủy dự báo về bất động sản năm 2019
- Premier Village Danang Resort đứng đầu trong top Khu nghỉ dưỡng tốt nhất Châu Á dành cho gia đình
- Đà Nẵng: Khởi công tòa tháp thứ 2 trong cụm tháp đôi 1.800 tỷ đồng
- Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Nhà phố thương mại, phân khúc bất động sản đáng chú ý 2019
- Năm xu hướng định hình thị trường bất động sản năm 2019
- Những điểm đến Việt Nam khiến thế giới nể phục
- Pháp lý condotel không còn là trở ngại với nhà đầu tư
- Giao dịch bất động sản sẽ ra sao trong thế giới "không tiền mặt"?
- Giá đất một số khu khu tái định cư ở quận Ngũ Hành Sơn
- Phát triển du lịch thông minh: Cần sự đột biến
- Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
- Đưa 324 căn hộ nhà ở xã hội vào sử dụng
- Khu đô thị phức hợp: Xu thế thời thượng nhưng phức tạp
- New York Times chọn Đà Nẵng là điểm đáng đến nhất thế giới năm 2019
- Căn hộ diện tích nhỏ sẽ dẫn dắt bất động sản 2019
- Báo Mỹ bình chọn Đà Nẵng đứng thứ 15 trong top 52 điểm đến 2019