“Không thể để một việc đơn giản như đi chứng thực một tập hồ sơ, có loại thì phải đến xã, loại phải lên huyện. Cán bộ huyện may ra có mặt ở nhà, chứ xã thì nhiều khi cứ phải chờ đợi. Chúng ta đang cải tiến hay cải lùi?” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói về việc sửa đổi Nghị định 79/CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký hôm qua 10/8.
Đùn đẩy giữa huyện và xã
Phản ánh thực tế người dân quá vất vả khi có yêu cầu “chứng” các văn bản xen kẽ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Đơn giản như cái đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, chỉ có vài dòng tiếng nước ngoài thôi mà cũng bị đùn đẩy giữa cấp huyện và xã, vì không nơi nào nhận việc đó thuộc thẩm quyền của mình”.
Thừa nhận tình trạng nêu trên, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: “Việc phân định thẩm quyền giữa cấp huyện và xã là dựa trên tiêu chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, bất cập là nhiều loại giấy tờ không chỉ thuần túy là tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài mà tồn tại song ngữ (ví dụ như hộ chiếu) hoặc bằng tiếng Việt nhưng xen kẽ một số câu từ của ngoại ngữ khác hoặc ngược lại”. Ông Thất công nhận: “xảy ra tình trạng không cấp nào chịu chứng thực”.
Bên cạnh đó, trường hợp một bộ hồ sơ có nhiều loại giấy tờ, cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài đồng nghĩa người dân phải đến hai nơi (huyện và xã) để giải quyết một yêu cầu về chứng thực. Hết sức phiền hà.
Nghe báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, không thể kéo dài tình trạng một bộ hồ sơ mà phải đến hai nơi để chứng thực, rồi mất công chờ đợi như đã nói ở trên.
Về vướng mắc dẫn đến đùn đẩy giữa hai cấp, Bộ trưởng yêu cầu phải giải mã thế nào là văn bản tiếng Việt, thế nào là văn bản tiếng nước ngoài và phải giải quyết vấn đề từ “gốc” chứ không phải đi từ “ngọn”.
Mở thêm cửa cho yêu cầu chứng thực?
Vì những bất cập nêu trên, Dự thảo sửa đổi Nghị định 79/CP quy định theo hướng mở rộng hơn thẩm quyền cho Phòng Tư pháp cấp huyện. “Việc mở rộng này rất quan trọng và có tính thực tiễn rất cao”, ông Trần Thất khẳng định.
“Xét về tính chất công việc thì đây là những việc đơn giản, cấp xã chứng thực được thì huyện cũng chứng thực được. Đối với những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa do trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác chứng thực như máy photocopy, máy vi tính… không có thì người dân có thể đến Phòng Tư pháp để yêu cầu chứng thực. Ngoài ra, việc mở rộng thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cũng là tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người dân”. Ông Thất giải thích thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, quá trình lấy ý kiến dự thảo văn bản, đại diện Tổ Biên tập cho biết: vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. Ví dụ mở rộng thẩm quyền có gây chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Nhưng, theo giải thích của đại diện Tổ biên tập thì việc trao thêm thẩm quyền đúng nghĩa là mở rộng, nếu trước đây chỉ có khoảng 1 vạn UBND cấp xã thì nay có thêm khoảng 700 Phòng Tư pháp thực hiện chứng thực loại việc này và như vậy, chỉ có lợi cho dân.
Liên quan đến vấn đề này, cũng có ý kiến quan ngại việc chứng thực sẽ “đổ” về cho Phòng Tư pháp gây nên tình trạng quá tải, khó khăn cho cấp huyện trong bố trí nhân lực và các điều kiện khác để thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế nếu giao thêm thẩm quyền cho cấp huyện thì sẽ giảm tải cho cấp xã (mỗi cán bộ tư pháp xã hiện đang phải đảm nhiệm 12 đầu việc và rất nhiều công việc “không tên” khác). Trao thêm cơ hội lựa chọn cho người dân, giảm tải công việc cũng là một cách rút ngắn thời gian giải quyết các việc về chứng thực, hạn chế tình trạng người dân phải chờ đợi.
Bình An
Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc chứng thực chữ kỹ hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì nhiều trường hợp “ẩn” trong đó là các hợp đồng, giao dịch, cán bộ dù biết mười mươi nhưng về nguyên tắc vẫn phải chứng thực, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận “chứng thực chữ ký giờ như cái “hộp đen”, nhiều tiêu cực, trăm hoa đua nở. Chỉ đơn cử việc người ký có bị tâm thần, hay hạn chế năng lực hành vi dân sự không, có đủ tuổi không cũng không được được kiểm tra, làm rõ…”
Bộ trưởng cũng yêu cầu, sắp tới phải đưa vấn đề chứng thực chữ kỹ vào quá trình sửa đổi, lâu dài tiến tới xây dựng Luật Chứng thực.
|
( Ngày 11 tháng 08 năm 2011 )
http://moj.gov.vn/
Các bản tin khác
- Phát triển Sơn Trà thành trọng điểm du lịch
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay