(Cadn.com.vn) - Chiều 14-4, Đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt TP Đà Nẵng. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thọ-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Văn Hữu Chiến - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng. |
CƠ CHẾ ƯU ĐÃI MỚI
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình KT-XH năm 2013 và quý I-2014, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đề xuất một số cơ chế, chính sách để TP Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi phát triển.
Trọng tâm là đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành Nghị định về một số cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi đối với TP Đà Nẵng như: Cho phép TP được huy động vốn đầu tư bằng 150% mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP theo dự toán HĐND TP quyết định hằng năm; cho TP được thưởng 70% của số tăng thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư với ngân sách địa phương và thưởng 70% của số tăng thu ngân sách T.Ư hưởng 100%.
Ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương tối thiểu 85% cho ngân sách địa phương như hiện nay đến năm 2020 để đảm bảo nguồn lực phát triển KT-XH theo tinh thần Kết luận 75-KL/TW.
Đề nghị Chính phủ cho mở thêm một số khu vui chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài ở Bà Nà và bán đảo Sơn Trà và tăng số lượng bàn chơi bài có người chia ở các khu du lịch quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu gỉai trí ngày càng tăng của du khách nước ngoài. Ưu tiên hỗ trợ Đà Nẵng trong xúc tiến, vận động, thu hút và bố trí cấp phát 100% nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng. Bố trí vốn hỗ trợ đối với những dự án đã hoàn thành, cũng như nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng lên 6 triệu khách/năm; mở rộng QL14B, xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm, hỗ trợ 50% kinh phí để ngư dân đóng mới tàu công suất 400CV trở lên...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng đột phá phát triển mạnh dịch vụ du lịch, công nghiệp công nghệ cao với hàm lượng giá trị gia tăng cao, ưu tiên các chính sách an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới...
Đối với những kiến nghị, đề xuất của TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Thời gian tới, Thủ tướng sẽ làm việc cụ thể với các Bộ, ngành để rà soát, sớm xây dựng và ban hành Nghị định mới về một số cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi hơn nhằm thay thế Quyết định 13/2006/QĐ-TTg để tạo thuận lợi cho TP Đà Nẵng huy động hiệu quả các nguồn lực bứt phá phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ như Kết luận số 75 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng đồng ý về chủ trương đối với các đề xuất cụ thể của thành phố như: Mở rộng, phát triển thêm một số khu vui chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch; bố trí vốn bổ sung thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong 2 năm 2014-2015 như quyết định đã được T.Ư ban hành; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế; ủng hộ đề xuất huy động vốn đầu tư trên cơ sở đầu tư, quản lý phải có hiệu quả; quy hoạch tuyến tàu điện ngầm.
Đối với các kiến nghị đề xuất liên quan, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành và TP Đà Nẵng cùng tiếp tục thảo luận, cân nhắc phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện thực tế phát triển như: Chủ trương đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), hợp đồng BT, BOT, BTO; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; phân cấp thêm khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc các đơn vị hạch toán toàn ngành, tập trung đề nghị như điện lực, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm...
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề cơ bản là Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy truyền thống, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh, bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Tổng Công ty Sông Thu. Ảnh: QUANG SANG |
PHẢI KIỂM SOÁT CHO ĐƯỢC VÙNG BIỂN TỔ QUỐC
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo, công nhân viên Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng). Sau khi thăm cơ sở đóng, sửa tàu thuyền của Tổng công ty Sông Thu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức vui mừng biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, thách thức, làm chủ công nghệ đóng tàu tiên tiến trong quá trình đóng mới, sửa chữa những con tàu chuyên dụng của Hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu khảo sát đo đạc biển, tàu tuần tra, tàu đa năng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu, tàu cung ứng thuyền viên phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển, đảm bảo QP-AN, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Biển là không gian sinh tồn của dân tộc gắn với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm, đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo, kinh tế quốc phòng, đáp ứng hiệu quả hoạt động của các lực lượng quân đội, hải quân, các lực lượng chấp pháp trên biển như: cảnh sát biển, kiểm ngư".
Đại tá Hà Sơn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Cty Sông Thu cho biết, trong 7 năm qua, Tổng Cty xuất khẩu 24 tàu cho nước ngoài và đang đóng mới 18 tàu cho Cảnh sát biển (trong đó có tàu DN 2000 là tàu có sàn đỗ trực thăng cứu hộ), các tàu dầu cho Hải quân Australia... Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Tổng Cty Sông Thu. |
Mong muốn tập thể Tổng Cty Sông Thu tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu trở thành đơn vị nòng cốt mạnh của ngành đóng, sửa chữa tàu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng cần phải rút bài học kinh nghiệm sau thất bại trong quản trị tài chính của Vinashin để nghiêm túc sửa chữa, từ đó xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu mạnh, thực hiện đúng mục tiêu, chiến lược biển.
Thời gian tới, Chính phủ quyết tâm sẽ ưu tiên hỗ trợ 100% ngư dân đánh bắt xa bờ thay tàu gỗ bằng tàu sắt, giúp ngư dân vươn khơi khai thác tài nguyên biển làm giàu, bảo vệ chủ quyền lãnh hải. "Chúng ta tự hào phát triển ngành công nghiệp đóng tàu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, vừa đảm bảo công tác thường xuyên chiến đấu của quân đội, hải quân và các lực lượng chấp hành pháp luật trên biển. Việt Nam tiếp tục đầu tư cho công tác tìm kiếm cứu nạn và phát triển lực lượng chấp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền để làm sao phải kiểm soát cho được vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Những con tàu đóng mới và những trang thiết bị hiện có phải tăng cường kiểm soát trên biển, kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm chủ quyền trên biển"-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Quang Sang
Theo Báo Công an Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Tăng thời hạn sử dụng giấy phép lái xe
- Nguy cơ ế vốn tín dụng hỗ trợ bất động sản
- Công bố thành lập Ban Tiếp công dân thành phố
- Xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng
- Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế tại Cộng hòa Algerie dân chủ và nhân dân
- Đề án Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020: Phải rà soát và hoàn thiện các tiểu đề án
- Tiếp tục sử dụng sân Vận động Chi Lăng đến tháng 4/2015
- Dân mong sớm có đất tái định cư
- Dân công sở lại bắt đầu lướt sóng bất động sản
- “Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà”
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Làm rõ cơ chế bảo vệ người mua nhà
- Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
- Nên mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà
- Gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng chợ Hàn, chợ Cồn thành trung tâm thương mại lớn
- Đà Nẵng: Trên 80% hàng hóa tiêu thụ là hàng Việt
- Rủi ro khi mua nhà bằng giấy viết tay
- Luật Đất đai vào cuộc sống
- Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa