Mức thuế suất TNDN 25% như hiện nay là quá cao khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao, việc huy động vốn lại khó khăn.
Trong thời gian tới, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nên thống nhất một mức và giảm dần từ 25% xuống còn 20%, chuyển dần thuế giá trị gia tăng (VAT) thống nhất ở mức 10% là lý tưởng. Đó là một trong những nội dung nổi bật được khuyến nghị trong báo cáo rà soát ba luật liên quan đến thuế được VCCI đưa ra lấy ý kiến tại Hà Nội vào ngày 13-9.
Thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn còn cao
Qua rà soát Luật Thuế TNDN, bà Nguyễn Thị Cúc, Hội đồng Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng thuế TNDN ở nước ta có xu hướng ngày càng giảm và thực hiện thống nhất giữa các thành phần kinh tế. “Từ việc áp dụng hai thuế suất 32% và 25% tiến đến thống nhất một mức 28%, rồi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và giảm thuế suất từ 28% xuống còn 25% từ 1-1-2009. Hiện nay thuế TNDN đang ở mức trung bình so với khu vực nhưng còn cao hơn một số nơi như Hong Kong, Singapore. Việc giảm thuế suất như vậy sẽ giúp tăng động viên cho ngân sách vì tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Khi DN phát triển thì tạo thêm lợi nhuận và thuế TNDN nộp cho ngân sách tăng lên” - bà Cúc phân tích.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đào và đồng nghiệp, cũng đồng tình với phân tích của bà Cúc và nêu lên thực trạng chuyển giá của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang diễn ra khá phổ biến và đang tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN trong nước. “Các DN FDI lợi dụng thuế TNDN ở các nước khác thấp hơn để chuyển giá tránh thuế Việt Nam dẫn đến thất thu cho ngân sách nước ta” - luật sư Chuyền nói. Theo luật sư Chuyền, mức thuế suất TNDN 25% như hiện nay là quá cao khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao, việc huy động vốn lại khó khăn. Vì vậy mức thuế suất TNDN nên ở mức từ 20% đến dưới 25%.
Theo khuyến nghị trong báo cáo rà soát, có hai phương án điều chỉnh thuế suất TNDN. Một là giảm từ 25% xuống còn 23% trong giai đoạn 2012-2015 và giảm còn 20% giai đoạn 2016-2020. Hai là giảm thuế suất TNDN xuống còn 20% từ năm 2012. Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng để hài hòa lợi ích giữa ngân sách và DN thì nên chọn phương án một.
Thuế VAT: Khó chung một mức
Bà Cúc cho hay việc áp dụng ba mức thuế suất: 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; 5% đối với 15 nhóm hàng hóa dịch vụ và 10% đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại như hiện nay chưa hợp lý trong việc khấu trừ thuế giữa hai khâu mua bán, đầu vào đầu ra. Ví dụ, có mặt hàng nguyên liệu mua vào thuế suất 5% nhưng khi thành phẩm bán ra lại nộp thuế 10% và ngược lại.
PGS-TS Lê Thị Thu Thủy, khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng việc quy định cùng một lúc nhiều mức thuế suất đã tạo ra sự không công bằng giữa các hàng hóa, dịch vụ thuộc các mức thuế khác nhau. Quy định này lại dựa trên công dụng của hàng hóa hoặc nguyên vật liệu trong kết cấu nên rất khó xác định thuế suất đối với từng mặt hàng. “Trên thực tế, có nhiều mặt hàng cả DN và cơ quan thuế cũng không xác định được mức thuế. Chẳng hạn như quy định thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác áp dụng thuế 5%. Thực tế có những sản phẩm vừa sử dụng làm thực phẩm cho con người, vừa làm thức ăn gia súc như ngô mảnh, sắn mảnh thì áp dụng thuế suất bao nhiêu? Vì vậy, xu hướng chuyển dần sang áp dụng một mức thuế suất VAT là phù hợp và cần thiết” - bà Thủy nhấn mạnh.
Theo khuyến nghị của nhóm rà soát, việc áp dụng thống nhất một mức thuế suất VAT 10% là lý tưởng. Tuy nhiên, một lúc tăng từ 5% lên thống nhất 10% nghĩa là tăng giá bán 5% đối với những hàng hóa, dịch vụ lâu nay chịu thuế 5%. Như vậy những DN này có thể gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. “Để từng bước áp dụng thống nhất một thuế suất, trước mắt đề nghị thu hẹp dần nhóm chịu thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn 10 nhóm. Chẳng hạn như đưa đường và phụ phẩm của đường, sách các loại, dịch vụ khoa học công nghệ… chịu thuế suất 10%” - bà Cúc nói.
Luật sư Chuyền cũng cho rằng nếu áp dụng mức thuế 10% sẽ không đảm bảo tính hợp lý. Vì các hàng hóa, dịch vụ đang không thuộc diện chịu thuế lập tức bị áp thuế 10% nên cần phải cân nhắc để có biện pháp phù hợp nhất.
Kéo dài thời gian, dễ tiêu cực
Luật Quản lý thuế có quy định “chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế”. Thời hạn 15 ngày là quá dài, có thể phát sinh tiêu cực. Vì vậy đề nghị sửa lại thời hạn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.
Luật giaVŨ XUÂN TIỀN, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam
|
THU HẰNG
Việc giảm thuế suất sẽ giúp DN tăng tích lũy đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ảnh: HTD
http://phapluattp.vn
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng