ĐNĐT- Lãi suất (LS) tiền gửi thấp khiến người gửi tiết kiệm không mặn mà “gõ cửa” ngân hàng (NH); thậm chí, nhiều người đã quyết định rút tiền gửi khỏi “nhà băng” để chọn kênh đầu tư khác.
Với mức LS huy động tiền gửi khá thấp, xem ra gửi tiết kiệm hiện không còn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư (ảnh có tính minh họa).
Vốn đang rục rịch “tháo chạy”
LS tiền gửi không còn hấp dẫn, giá vàng diễn biến thất thường, chứng khoán đầy may rủi, bất động sản vẫn phải chờ. Đây là thời điểm khiến dòng tiền nhàn rỗi khó chọn được kênh đầu tư thực sự hiệu quả. Đánh giá về hoạt động thu hút tiền gửi ở NH, sau khi NH Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm LS về mức 6%/năm đối với kỳ hạn ngắn, Giám đốc một NHTM trên địa bàn Đà Nẵng cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, quyết định bỏ tiền vào lĩnh vực nào mang lại lợi nhuận cao nhất và an toàn đang là vấn đề khá nan giải. Hiện những người có nguồn tiền nhàn rỗi, nhưng chưa có kế hoạch kinh doanh thì đa số vẫn chọn NH là nơi “trú ẩn”, song hiện cũng không ít nguồn vốn đã rục rịch “tháo chạy” khỏi NH vì khách hàng cho rằng với mức LS huy động hiện nay không còn hấp dẫn.
Phản ánh của khách hàng đến gửi tiết kiệm tại “nhà băng” đều nhận xét: Mức LS huy động chỉ còn 6%/năm đối với kỳ hạn ngắn là quá thấp, do đó sẽ cân nhắc việc gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, vào thời điểm này vẫn chưa tìm được kênh đầu tư nào khả thi hơn nên vẫn quyết định bỏ tiền “tạm thời” vào NH. Cầm cả bọc tiền trong tay, chị Lê Thị Diễm – khách hàng đến gửi tiết kiệm ở NH cho biết: “Sau khi LS huy động giảm ở kỳ hạn ngắn chị cũng đắn đo xem có nên gửi tiết kiệm hay không. Nhưng vẫn thấy các NH quảng cáo và thu hút người dân gửi tiết kiệm các kỳ hạn trên 12 tháng với mức LS áp dụng từ 9% - 10%/năm. Với mức gửi tiền tiết kiệm như vậy xem ra vẫn thấy có lãi hơn là đầu tư vào các lĩnh vực khác”.
Loay hoay tìm kênh đầu tư
Anh L.V.H – nhân viên tín dụng của một NH trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết, từ khi LS giảm thì những khách hàng có lượng vốn nhỏ vẫn chọn gửi vào NH; ngược lại, dòng vốn lớn đang có xu hướng “tháo chạy” khỏi NH vì hiệu quả không còn cao. “Những khách hàng thân thiết thường gửi tiết kiệm ở NH của tôi, giờ đây đã có không ít người rút vốn để đầu tư vào lĩnh vực khác”- anh H., cho hay.
Chị Nguyễn Thị Lan, hiện đang làm phiên dịch cho một doanh nghiệp nước ngoài ở KCN Hòa Khánh cho rằng: Thời điểm này, giá nhà đất dường như đã chạm đáy, các chủ đầu tư đua nhau mở bán nhiều dự án với giá rất thấp và cộng thêm nhiều chương trình khuyến mại…nên đây là cơ hội để vợ chồng tôi sắm được đất sau nhiều năm tích cóp gửi NH. “Hai vợ chồng có vài trăm triệu gửi NH đã khá lâu. Nhân tiện, LS huy động giảm cùng với việc giá nhà đất xuống khá thấp nên tôi quyết định rút hết tiền ra khỏi “nhà băng” để mua nhà. Việc LS tiền gửi giảm thì có lẽ sắp tới, LS cho vay cũng sẽ giảm, nhiều người sẽ vay vốn để đầu tư kinh doanh hoặc mua nhà đất và rất có thể thị trường BĐS sẽ ấm trở lại trong thời gian tới” - chị Lan nhận định.
Nhiều người cho rằng, nếu có tiền nhàn rỗi thì nên mua đất vào thời điểm này là hợp lý. Hiện ở Đà Nẵng, nhiều dự án được mở bán với mức giá khá thấp |
Khác với quyết định của chị Lan, anh Lê Hữu Mai (ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) lại quyết định rút toàn bộ số tiền 500 triệu đồng gửi tiết kiệm ở NH để “hùn vốn” cùng ông anh họ mở Câu lạc bộ thể dục thể hình. Theo anh Mai, hai năm trước, anh cũng đầu tư đủ nghề, như: lĩnh vực bất động sản, vàng…nhưng vận may vẫn chưa đến vì “đụng đâu chết đó”. Cũng do làm ăn xui xẻo nên thời điểm đó anh đã quyết định gửi tiền vào NH để lấy lãi và chờ cơ hội kinh doanh mới. Hiện giờ, LS tiền gửi giảm khá sâu nên suy đi tính lại rút tiền để đầu tư dịch vụ “chăm sóc sức khỏe” là tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Lý, nguyên Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng đưa ra khuyến cáo: Trong thời điểm hiện nay, nên đầu tư các kênh, như gửi: tiết kiệm, chứng khoán, ngoại tệ USD, vàng, bất động sản…Nếu muốn bỏ tiền vào lĩnh vực nào còn tùy thuộc vào việc nhà đầu tư nắm bắt tình hình có đầy đủ không, khả năng suy luận và dự đoán tình hình sắp tới (trong 6 tháng, 1 năm, 2 năm hay 5, 10 năm - lướt sóng hay đầu tư lâu dài ) của nhà đầu tư. Ngoài ra, cũng còn tùy thuộc vào khả năng tài chính và sự bền bỉ của nhà đầu tư nữa. Nhưng theo tôi, để tránh rủi ro khi đầu tư vào một lĩnh vực, lúc này nhà đầu tư nên thực hiện theo hướng “không bỏ nhiều trứng vào một giỏ” mà thay vào đó, nhà đầu tư cần cân nhắc chọn lựa các kênh đầu tư, nhưng nhà đầu tư cũng nên nhớ rằng không nên chia đều tài chính cho tất cả các kênh đầu tư như đã nói ở trên.
Bài và ảnh: Trọng Hùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Cấp chứng minh thư mới và tổng điều tra dân số từ 1/4
- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ làm việc với Ban Thường vụ quận ủy Cẩm Lệ: Khẩn trương triển khai nhiều dự án dân sinh quan trọng
- Đà Nẵng đề nghị tách huyện Hòa Vang thành 2 quận
- Quyền sở hữu căn hộ theo tuổi thọ chung cư
- Đà Nẵng vào top 10 điểm đến châu Á năm 2014
- Khởi công Trung tâm Phát triển thương mại điện tử
- Chê lãi suất thấp, dồn tiền mua nhà đất để dành
- PCI 2013: Ngoạn mục Đà Nẵng, bất ngờ Bình Dương
- 120 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi
- Ngành ngân hàng triển khai chương trình năm doanh nghiêp 2014: Ngân hàng mở “hầu bao” mời chào doanh nghiệp!
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Đà Nẵng Dấu ấn Đà Nẵng rất rõ rệt
- Chuyển quỹ đất và bố trí tái định cư về Trung tâm Phát triển quỹ đất
- Ưu tiên ban hành các luật về quyền con người
- Sẽ giảm một nửa hàng tồn kho bất động sản
- Ngày 25-4, khởi công dự án cầu tàu và bến du thuyền sông Hàn
- Bất động sản hút vốn
- Những lợi thế so sánh của phân khúc đất nền giá rẻ tại Đà Nẵng
- Khởi công gói thầu số 1 đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
- Tâm trạng phái mạnh ngày 8/3 tràn ngập trên Facebook tuần này
- Gói 30.000 tỷ lại gây sóng gió