Hai ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại thủ đô Can-be-ra và thành phố Xit-ni (Sydney) của Ô-xtrây-lia diễn ra vô cùng sôi nổi với gần hai chục cuộc hội đàm, gặp và làm việc với các đại diện của Chính phủ Ô-xtrây-lia như Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Chưởng lý, Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới lãnh thổ liên bang Ô-xtrây-lia, Giám đốc điều hành Ủy ban nhân quyền của Ô-xtrây-lia, Tổng Chưởng lý Bang Niu Xao Uên, Tư lệnh Cảnh sát liên bang, Trung tâm đào tạo cảnh sát liên bang, Trường Luật của Đại học tổng hợp Niu Xao Uên, gặp gỡ Nhóm các công ty luật lớn của Ô-xtrây-lia…
Bên cạnh các cuộc làm việc chính thức, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã có cuộc gặp gỡ với nhiều lãnh đạo đứng đầu các cơ quan tư pháp và pháp luật của Chính phủ Ô-xtrây-lia, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ô-xtrây-lia– ngài Allaster Cox. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn công tác đã dự tọa đàm về cải cách tư pháp hình sự với các cán bộ cấp cao của Bộ Tổng Chưởng lý của Ô-xtrây-lia để chia sẻ những kinh nghiệm về sửa đổi Bộ luật hình sự của Việt Nam. Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ô-xtrây-lia đều tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn.
Tại các cuộc gặp, Bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao các cơ quan của Chính phủ Ô-xtrây-lia đều nhấn mạnh bối cảnh hai nước mới kỷ niệm thành công 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013). Trải qua 4 thập kỷ với nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đã được chứng minh, khẳng định và ngày càng phát triển. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước được củng cố vững chắc, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hoá, giáo dục... Hiện Ô-xtrây-lia là bạn hàng thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam và là nước có số sinh viên, lưu học sinh Việt Nam theo học lớn nhất (khoảng 25.000 người). Viện trợ phát triển của Ô-xtrây-lia dành cho Việt Nam tăng đều qua các năm và được triển khai có hiệu quả cao, trong đó có các dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước như cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh (hiện đang trong quá trình xây dựng). Hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế cũng được tăng cường chặt chẽ.
Hai bên đều khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam và Ô-xtrây-lia là coi trọng phát triển quan hệ Đối tác toàn diện đã có; tin tưởng chắc chắn rằng, trên đà những kết quả tốt đẹp đã đạt được, với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia sẽ ngày càng tốt đẹp, hướng tới một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại các cuộc gặp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã giới thiệu sơ bộ về công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, những thành tựu và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, thông tin về Hiến pháp 2013 mới được thông qua với nhiều điểm đổi mới quan trọng, mở ra không gian rộng lớn nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế - xã hội. Bộ trưởng thông tin về việc Chính phủ Việt Nam xác định năm 2014 và hai năm tiếp theo 2015 - 2016 là giai đoạn hoàn thiện thể chế nhằm triển khai thi hành Hiến pháp với trọng tâm là căn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với tinh thần và nội dung Hiến pháp mới, gắn việc thực hiện pháp luật với việc chuyển hướng chiến lược sang thực thi pháp luật, tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; gắn cải cách hành chính với đẩy mạnh cải cách tư pháp, nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án và các thiết chế bổ trợ tư pháp.
Đặc biệt Bộ trưởng nhấn mạnh việc Hiến pháp 2013 lần đầu tiên ghi nhận các nguyên tắc cơ bản trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người cũng như yêu cầu ưu tiên của Việt Nam cho việc sửa đổi các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhằm cụ thể hóa và triển khai các quy định này của Hiến pháp. Đồng thời, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao hướng dẫn, đôn đốc việc rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng như thẩm định các dự án luật này để đảm bảo các luật được ban hành đúng quy định, tinh thần của Hiến pháp.
Một trong những bộ luật quan trọng của Việt Nam liên quan đến quyền con người, quyền công dân đang được sửa đổi, bổ sung là Bộ luật Hình sự với yêu cầu cần có tính minh bạch, khả thi và tính dự báo cao, góp phần bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ trưởng chia sẻ với các cơ quan pháp luật và tư pháp của Bạn về những định hướng cơ bản xây dựng dự án Bộ luật Hình sự như cần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân nhưng cũng đề cao tính hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 (hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; giảm khả năng áp dụng hình phạt tù và mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như: phạt tiền, cải tạo không giam giữ; miễn, giảm hình phạt; xoá án tích nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án, nhất là người phạm tội bị kết án phạt tù có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phù hợp với tinh thần Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em); đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng cũng thông tin về việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, về yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế này, trong đó đặc biệt là các điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, phòng chống tội phạm như: Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000, Công ước Kiểm soát ma túy năm 1961, Công ước về các chất gây nghiện năm 1971 và Công ước về cấm vận chuyển các chất gây nghiện năm 1972. Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của Bộ Tư pháp là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước ICCPR, Cơ quan đầu mối quốc gia về thu hồi tài sản tham nhũng để thực thi Chương V Công ước UNCAC.
Tại cuộc gặp với Ủy ban nhân quyền Ô-xtrây-lia, Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của cơ quan này đã dành cho đất nước Việt Nam nói chung, Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng trong thời gian qua thông qua Chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực nhân quyền Việt Nam – Ô-xtrây-lia do Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ quản. Những hỗ trợ của Ủy ban nhân quyền Ô-xtrây-lia đã góp phần tích cực cho hoạt động xây dựng pháp luật và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, hỗ trợ của Ủy ban nhân quyền Ô-xtrây-lia đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác bồi thường nhà nước, hỗ trợ việc soạn thảo Bộ luật hình sự sửa đổi.
Trên cơ sở kết quả tốt đẹp các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp, Tổng Chưởng lý, đại diện hai cơ quan đã ký Ý định thư về việc tiếp tục hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tổng Chưởng lý Ô-xtrây-lia. Đây là sự kiện thể hiện những bước đi tích cực của hai Bộ nhằm triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác đã được ký kết năm 2012. Ý định thư vừa được ký kết này sẽ tạo thuận lợi để hai Bên cùng phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động hợp tác, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như hoàn thiện pháp luật và trao đổi kinh nghiệm về cải cách pháp luật hình sự; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; phòng chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng; phòng chống buôn bán ngườivà đưa người trái phép qua biên giới; thực hiện các quy định về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; dân sự, thương mại, triển khai thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế.
Tiếp sau việc ký kết văn kiện hợp tác này, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tổng Chưởng lý Ô-xtrây-lia sẽ tiếp tục có những hoạt động hợp tác chặt chẽ, đem lại cho ngành Tư pháp hai nước những bước tiến mới, góp phần xứng đáng vào sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam – Ô-xtrây-lia.
Bên cạnh mục tiêu thứ nhất của chuyến thăm và làm việc tại Ô-xtrây-lia của Bộ trưởng Hà Hùng Cường là hợp tác, hỗ trợ hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật, trong đó trọng điểm là Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự; vấn đề nội luật hóa và thực thi các công ước quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự (phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, phòng chống tham nhũng …), thì mục tiêu trọng tâm thứ hai là tăng cường hợp tác đào tạo cũng đã đạt được một cách rất tốt đẹp ngay trong ngày đầu tiên làm việc tại Xit-ni. Tại cuộc gặp và làm việc với Trường Luật của Đại học New South Wales, Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam và Trường Luật - ĐHTH New South Wales. Tiếp theo Biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Luật Đại học New South Wales năm 2011, việc ký kết thêm Biên bản ghi nhớ giữa Học viện Tư pháp và Trường Luật - ĐHTH New South Wales trong chuyến thăm của Bộ trưởng thể hiện sự phát triển không ngừng trong quan hệ hợp tác về đào tạo luật và các chức danh tư pháp giữa hai bên, đánh dấu cho việc hai Trường bắt đầu một trang hợp tác mới, đa dạng hơn về thành phần tham gia, phong phú và sâu sắc hơn về hình thức hợp tác.
Tại buổi ký Văn kiện hợp tác về đào tạo nói trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng và thiết thực của công cụ pháp lý quan trọng này trong bối cảnh Bộ Tư pháp Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Đề án đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, là dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp của đất nước. Biên bản ghi nhớ này sẽ được hai bên cam kết triển khai thực hiện một cách hiệu quả, góp phần tích cực cho việc thực hiện thành công 3 Đề án quan trọng nói trên, đóng góp hiệu quả cho công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Kết thúc 2 ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác cũng đã dành thời gian tới thăm và gặp mặt nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tạiCan-be-ra và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Xit-ni. Bộ trưởng thông báo một số nét khái quát về tình hình trong nước, những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho đât nước ta nói chung và cho ngành tư pháp nói riêng trong giai đoạn mới; đánh giá cao những nỗ lực của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Ô-xtrây-lia trong việc tuy xa xôi nhưng luôn hướng về Tổ quốc, là cầu nối quan trọng để tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước; mong muốn Đại sứ quán tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp để cụ thể hóa, hiện thực hóa, triển khai có hiệu quả các văn kiện hợp tác đã đạt được trong chuyến thăm này.
Trưa ngày hôm nay (Thứ Tư, 16/4), Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã rời Can-be-ra, Thủ đô của Ô-xtrây-lia tới thành phố Men-bơn, nơi dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra các hoạt động với trọng tâm là hợp tác về đào tạo pháp luật và đào tạo nghề tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với các cơ sở đào tạo luật cũng như một số công ty luật lớn của Úc.
Thông tin về hoạt động của Bộ trưởng trong thời gian còn lại của chuyến đi sẽ được Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp tiếp tục cập nhật từ thành phố Men-bơn củaÔ-xtrây-lia.
Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp gửi tin từ Ô-xtrây-lia
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
Các bản tin khác
- Không gian sống xanh trong những 'khu vườn trên cao'
- Sẽ không dùng tiền mặt để mua bán bất động sản
- Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường bất động sản
- Condotel - Sản phẩm thời thượng chông chênh pháp lý
- Dọn dẹp nhà bếp thế nào để lễ cúng ông Công ông Táo được trọn vẹn?
- Ngũ Hành Sơn - 20 năm từ quê lên phố
- Những lưu ý khi bày tượng gà trống theo phong thủy năm 2017
- Thêm nhiều quy định mới về đất đai
- Xu hướng chọn mua biệt thự sinh thái của giới nhà giàu
- Ngân hàng siết cho vay, bất động sản chạy vốn cửa nào?
- Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn năm 2017
- Một nhà và một đời!
- Lãi suất vay mua nhà ở xã hội tiếp tục là 5%
- Cocobay: Kỳ vọng tạo “cú hích” cho du lịch Đà Nẵng năm 2017
- Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng: Năm 2017, hạn chế tín dụng đối với bất động sản cao cấp
- Hai 'ông lớn' cùng quản lý chuỗi khách sạn của Empire Group
- Thị trường bất động sản tiếp đà tăng trưởng
- Gây sốt thị trường, tiếp tục ra mắt tòa T1 dự án Sun Grand City Ancora Residence
- Thị trường bất động sản: Doanh nghiệp chủ động chuyển hướng đầu tư
- Giá đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng áp dụng từ ngày 01/01/2017