Quý I/2014, thị trường bất động sản TPHCM ghi nhận sự “bứt phá” của phân khúc đất nền khi lượng giao dịch tăng mạnh. Nguyên nhân là thông tư 20 cho phép phân lô bán nền có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đã kích thích thị trường sôi động trở lại.
Giao dịch tăng khả quan
Theo báo cáo tình hình bất động sản quý I/2014 tại TPHCM của Savills Việt Nam, thị trường những tháng đầu năm đã có những biến chuyển tích cực, nhất là ở phân khúc đất nền. Mức giao dịch đất nền trong những tháng đầu năm tăng mạnh với mức 31% so với quý trước và tăng 322% so với năm 2013.
Báo cáo của CBRE Việt Nam cũng cho biết doanh số bán hàng của các doanh nghiệp địa ốc đang tăng khá tốt với mức tăng 9,8% so với quý trước và 92,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, phân khúc đất nền cũng là thị trường đang khởi sắc, đặc biệt là đất nền ở các vùng ngoại thành như quận 8, quận 9 và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.
Bước qua tháng 4, phân khúc đất nền vẫn tiếp tục đà sôi động, đặc biệt là ở khu vực khu lân cận sân bay Long Thành. Những dự án quanh khu vực này đang được chào hàng rầm rộ sau thông tin khẳng định của Chính phủ là sẽ xây dựng sân bay Long Thành trong thời gian gần và một phần đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã được thông xe.
Giải thích về sự sôi động trở lại của thị trường đất nền, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, ngoài các nguyên nhân kinh tế như lãi suất giảm, điều kiện vay ngân hàng thoáng hơn… thì yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là thông tư 20 cho phép phân lô bán nền có hiệu lực. Theo vị này, thông tư cho phép chủ đầu tư chỉ cần làm xong hạ tầng là được bán, giảm được vốn đổ vào dự án. Khách hàng thì hưởng ứng tốt hơn khi có thể mua đất để tự xây nhà.
Theo ông Trương An Dương, Giám đốc nghiệp vụ Tư vấn bất động sản & kinh doanh nhà ở, Savills Việt Nam thì phân khúc đất nền được nhà đầu tư và người mua nhà ưa chuộng do giá bán thấp hơn và linh hoạt trong việc xây dựng. Nguyên nhân chính là vì tâm lý đa số người Việt vẫn thích ở nhà riêng, thích mua đất và tự mình thuê thợ xây, giám sát để có chất lượng xây dựng tốt hơn, đồng thời giảm chi phí thi công…
Cẩn trọng “ách tắc” tiền sử dụng đất
Trước tình hình đất nền sôi động trở lại, các chuyên gia khuyên khách hàng nên cẩn trọng, tránh tình trạng tranh mua tranh bán mà không tìm hiểu kỹ dự án. Bởi trên thị trường đất nền đang diễn ra tình trạng khách hàng mua đất nền dự án không thể xin phép xây dựng vì chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất. Tình trạng này hiện đang diễn ra khá phổ biến ở thị trường TPHCM.
Trước kia, khách hàng chỉ cần được chủ đầu tư giao đất, dựa vào quy hoạch 1/500 để xây dựng. Nhưng nay theo quy định mới, khách hàng phải xin cấp phép mới được xây dựng. Muốn xin phép xây dựng, khách hàng phải có sổ đỏ nhưng vì ở nhiều dự án, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất nên không thể làm sổ đỏ cho khách hàng. Vậy là dù khách hàng đã được giao đất cũng không thể xây dựng, nhiều dự án đành bỏ hoang.
Cuối tháng 2/2014, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thu tiền sử dụng đất và dự thảo Nghị định thu tiền sử dụng đất, thuê mặt nước do Bộ Tài chính tổ chức ở TPHCM, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản thừa nhận tình trạng trên. Nguyên nhân họ giải thích là do tiền sử dụng đất quá cao, vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp nên các dự án đều “ách tắc” lại ở khâu này.
Giám đốc 1 dự án ở quận Bình Tân cho biết ông mất 100 tỷ để mua 2 ha đất từ người dân để làm dự án, khi chuẩn bị đóng tiền sử dụng đất để khởi công thì Sở Tài chính báo số tiền phải đóng đến 104 tỷ đồng, không có tiền đành để đó. Một doanh nghiệp khác đầu tư dự án ở quận 9 cũng thừa nhận dự án của mình phải “trùm mền”, đất phải bỏ hoang là vì không có tài chính đóng tiền sử dụng đất lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất để giảm tổng số tiền phải đóng hoặc đóng thành nhiều đợt… cho doanh nghiệp “dễ thở” hơn, giúp gỡ rối các dự án đang bị “ách tắc”. Tuy nhiên, trong thời gian chờ chính sách của nhà nước giải quyết vấn đề này, nhà đầu tư và người có nhu cầu mua đất nền vẫn phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ vấn đề tiền sử dụng đất của dự án để tránh rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở chẳng xong”.
Các bản tin khác
- Chọn 4 địa điểm xây quảng trường kết hợp công viên biển dọc đường Nguyễn Tất Thành
- Đà Nẵng đạt danh hiệu Thành phố xanh quốc gia
- Đà Nẵng: Xuất hiện doanh nghiệp bất động sản đầu tiên mua lại sản phẩm do mình bán ra
- Condotel, resort, shophouse… phải vào khuôn khổ
- Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cảng Liên Chiểu, ga Đà Nẵng
- Thương hiệu khách sạn Four Points by Sheraton có mặt tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng phê duyệt lối xuống biển công cộng tại khu vực dự án The Song
- Nhà đầu tư nước ngoài "sốt sắng" đổ vốn vào bất động sản Việt Nam
- Chuyên gia nói gì về bất động sản nửa cuối năm 2018?
- Công bố 2 dự án khách sạn tại 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 và 178 Trần Phú, Đà Nẵng
- Xây khu phức hợp khách sạn 40 triệu USD bên Sông Hàn
- PGT Group mở bán khu đô thị PGT City vào ngày 8/7
- Có hay không dự án "vướng đất quốc phòng" nên chậm tiến độ?
- UBND THÀNH PHỐ TRẢ LỜI Ý KIẾN CỬ TRI Quy hoạch Quảng trường trung tâm, tinh giản biên chế
- Mở lối xuống biển, thu hồi đất các dự án không triển khai
- Nhất Nam Land được vinh danh top 20 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tiêu biểu Việt Nam 2017
- Vay tiêu dùng tại công ty tài chính - những sản phẩm nổi bật
- 8 sàn giao dịch bất động sản dừng hoạt động
- Ngừng thí điểm mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp ở Đà Nẵng
- Bất động sản giao dịch chậm