►4 tháng đầu năm 2014, lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước...
Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh - đơn vị trực tiếp bán căn hộ VP6 Linh Đàm - chật kín người trong ngày đầu mở bán.
Đầu tuần này, Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu chính thức mở bán căn hộ tại dự án chung cư VP6 Linh Đàm.
Thế nhưng, trước đó cả tháng trời, thông tin về dự án này đã khá “hot” trên các diễn đàn mua bán nhà đất và cả trong giới đầu tư.
Lý do cốt yếu khiến dự án này trở nên đắt hàng là bởi mức giá chủ đầu tư công bố chỉ 15 triệu đồng/m2, trong khi cùng vị trí này, một số dự án khác được chủ đầu tư rao bán với giá từ 20 -25 triệu đồng/m2.
Thị trường chung cư tại Hà Nội dường như đang nóng lên vượt ngoài dự báo và kỳ vọng của giới đầu tư, khi phân khúc căn hộ có giá trung bình đang được nhiều khách hàng tìm kiếm.
Trên thực tế, phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình vẫn giữ được thanh khoản ở mức nhất định trong suốt một thời gian dài thị trường khó khăn. Tuy nhiên, việc người dân tỏ ra quan tâm thái quá tới một vài dự án cá biệt thì chỉ đến thời điểm này mới bắt đầu tái xuất sau “hiện tượng Nam Cường” hơn ba năm về trước.
Trở lại với VP6 Linh Đàm. Bằng cách bán hàng “riêng có” của mình, tức bán trọn lô hàng chục căn hộ cho các sàn giao dịch bất động sản khác, nên các khách hàng riêng lẻ, để mua được căn hộ tại VP6 Linh Đàm phải trả một mức tiền chênh không hề nhỏ, từ 100 - 200 triệu đồng/căn, tùy vị trí, số tầng.
Điều đáng nói, việc phải trả tiền chênh đối với các dự án của đại gia Lê Thanh Thản không còn quá xa lạ với khách hàng. Song mức chênh lên tới hàng tram triệu đồng ngay trong ngày đầu mở bán là chuyện “chưa từng xảy ra”.
Trước đó, các dự án khác của ông Thản như Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ…, khách hàng chỉ phải trả chệnh 20 - 30 triệu đồng là có thể sở hữu tờ giấy được quyền mua căn hộ.
Theo lý giải của ông Vũ Mạnh Cường, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hoàng Mai, sở dĩ căn hộ VP6 Linh Đàm sốt ngoài mức dự báo là do nhu cầu thực của người dân tăng lên khá cao. Trên thực tế, số căn hộ mà doanh nghiệp này ôm vào đã được bán ngay cho hầu hết các khách hàng mua ở thực, tức là họ sẵn sang nộp tiền ngay cho chủ đầu tư, chứ không giữ lại để mua bán trao tay nhằm kiếm lời như trước đây.
Nhưng theo khảo sát của VnEconomy, trong vòng một vài tháng trở lại đây, không chỉ dự án của ông Thản gây được sự chú ý từ khách hàng.
Một số dự án có vị trí tương đối gần khu trung tâm, mức giá từ 15 - 21 triệu đồng/m2 đều có được thanh khoản tốt. Điển hình như dự án CT1 Trung Văn nằm trên đường Đỗ Đức Dục kéo dài, thuộc Nam Từ Liêm của Vinaconex 3 cũng thu hút khá đông những người có nhu cầu mua nhà để ở.
Đại diện Vinaconex 3 cho biết, trong số các dự án của đơn vị này thì CT1 Trung Văn có được thanh khoản tốt nhất nhờ vào thiết kế tất cả các căn hộ đều hai mặt thoáng và đặc biệt là mức giá và diện tích mỗi căn hộ đều ở mức hợp lý với khả năng tài chính của nhiều khách hàng. Còn lại những dự án có diện tích lớn và tiêu chuẩn cao cấp đều có lượng giao dịch không đáng kể.
“Chỉ cần một khoản tiền trên dưới 1,5 tỷ đồng là khách hàng đã có thể sở hữu một căn hộ tại CT1 Trung Văn. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm mạnh, số khách hàng mua căn hộ tại dự án chúng tôi cho mục đích đầu tư, cho thuê lại cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể”, đại diện Vinaconex 3 cho hay.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư dự án này, thanh khoản của CT1 Trung Văn chỉ được cải thiện sau khi thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chia nhỏ những căn có diện tích từ 145 - 290 m2 thành những căn có diện tích từ 70 - 90 m2 phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng. Kết quả là dự án này đã tăng thêm được 132 căn hộ, giúp lượng giao dịch cũng tăng mạnh theo.
Ngoài ra, một số dự án chung cư khác có mức giá vừa phải cũng có được tính thanh khoản đáng kể, giúp chủ đầu tư phần nào giải quyết được lượng căn hộ ứ đọng trong suốt thời gian dài trước đó, như dự án CT12A Tân Tây Đô, dự án chung cư Viện 103 hay dự án HP Land Mark, CT Number One…
Thống kê của Bộ Xây dựng hồi cuối tháng 4 nêu, trong 4 tháng đầu năm 2014, lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong đó phần lớn là phân khúc nhà ở có mức giá trung bình, dưới 20 triệu đồng/m2.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam mới đây cũng xác nhận, gần đây ông bận rộn hơn khi liên tiếp nhận được nhiều cuộc điện thoại để “cậy nhờ”, giới thiệu cho người thân, bạn bè khi họ tìm mua căn hộ có mức giá vừa phải, phục vụ nhu cầu để ở thiết thực.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Các bản tin khác
- Hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người SDĐ, nhà ở
- Nở rộ triển lãm bất động sản
- Đại gia Việt với cuộc chơi bất động sản hạng sang
- Cơ hội chiết khấu 7% tại đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Cơ hội cuối để sở hữu "Tuyệt tác bên bờ biển"
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Không gian sống lý tưởng
- Nhà vừa túi tiền, nhu cầu thực sự chưa bao giờ hết "nóng"
- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ có thể sẽ hết vào tháng 4-2016
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Chốn đi về của người Đà Nẵng
- Phấn đấu thành lập Hiệp hội công chứng quốc gia trong năm 2016
- "Khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản"
- Bất động sản cháy hàng, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân mở bán sớm hơn dự kiến
- Nhà đầu tư nước ngoài với cuộc chơi bất động sản đỉnh cao
- Sức hút của Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh
- Nở rộ căn hộ officetel
- Giá nhà đất vẫn cao so với thu nhập người dân
- Đăng ký trực tuyến về bất động sản sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội
- Thực hiện các bước thu hồi một số dự án ven biển