(ĐTCK) Hàng loạt dự án tai tiếng sau khi “đổi vỏ” (thay tên dự án) đã lại đắt sô, cháy hàng. Trào lưu này đang trở nên phổ biến khi nhiều dự án với cái tên lạ hoắc xuất hiện ngày càng nhiều trong các đợt mở bán gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế, phần nhiều trong số đó từng là những cái tên gắn với những “xì căng đan” tai tiếng.
Thị trường căn hộ đua “đổi vỏ” dự án để thoát hàng
Dự án CT3 The Pride của Hải Phát mang diện mạo mới với tên HP Landmark Tower (dự án nằm giữa đang triển khai)
Hy vọng dự án chung cư sẽ trở thành nơi an cư hạnh phúc và thịnh vượng, CTCP Hải Phát từng quyết định đổi tên chung cư cao tầng, thuộc Dự án khu đô thị Tân Tây Đô thành Dự án Phúc Thịnh Tower. Việc đổi tên giúp căn hộ Phúc Thịnh Tower gây sốt, trở thành một hiện tượng trên thị trường ngay trong đợt mở bán sau đó. Tuy nhiên, với tiến độ không có nhiều chuyển biến trong thời gian dài, cùng với những tai tiếng trước đó, Dự án nhanh chóng rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Cuối năm 2013, sau khi thâu tóm gần như toàn bộ số căn hộ tồn đọng, CenGroup đã từ bỏ cái tên Phúc Thịnh Tower để trở lại với tên gọi cũ là CT2A Tân Tây Đô. Sau hai lần “cải tên” và sang tay nhiều đơn vị môi giới, cuối cùng, chủ đầu tư Hải Phát cũng đã bán hết số căn hộ tại dự án này.
Tiếp nối đợt bán hàng thành công tại Dự án CT2A Tân Tây Đô, chủ đầu tư Hải Phát tiếp tục hợp tác với CenGroup trong việc mở bán trở lại căn hộ Dự án CT3 The Pride, thuộc Khu đô thị An Hưng, quận Hà Đông. Đây là dự án Hải Phát còn tồn đọng phần lớn căn hộ, cũng không thể triển khai được trong một thời gian dài vì thiếu vốn, lại gắn với tai tiếng chậm tiến độ của các tòa nhà trong cùng dự án. Song trong đợt mở bán của chủ đầu tư và Siêu thị Dự án (đơn vị thuộc CenGroup) mới đây, cái tên quen thuộc CT3 đã bị thay thế bằng Dự án HP Landmark Tower.
Trong giới môi giới, CenGroup dường như là đơn vị thích “đổi vỏ” dự án nhất mỗi khi được quyền phân phối bán hàng tại một dự án. Trước đó, sau khi được quyền phân phối căn hộ dự án Xuân Mai Tower (quận Hà Đông) của Vinaconex Xuân Mai, một dự án mà chủ đầu tư trầy trật bán hàng nhưng không mấy thành công, đơn vị này cũng đã đổi tên thành Dự án chung cư Park State. Chưa thể khẳng định đơn vị phân phối có vai trò gì trong việc đổi tên dự án, nhưng việc “đổi vỏ” này rõ ràng đã phát huy được tác dụng trong bán hàng. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, nhiều căn hộ Dự án Xuân Mai Tower còn xuất hiện cả tiền chênh so với giá gốc khi giao dịch.
Gần đây nhất, thị trường căn hộ Hà Nội xuất hiện một cái tên khá lạ, chung cư CT Number One. Cái tên “Number One” khiến không ít khách hàng lầm tưởng với dự án căn hộ hạng sang Thăng Long Number One của Viglacera. Song thực tế, đây chính là Dự án CT1 Vân Canh (huyện Hoài Đức) tai tiếng một thời của CTCP Bất động sản AZ. Và như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, việc “thay tên đổi họ” của Dự án CT1 Vân Canh cũng đi liền với sự xuất hiện của đơn vị phân phối thuộc CenGroup.
Trào lưu “đổi vỏ” trong những đợt mở bán mới đây dường như tiếp tục được nhân rộng, xuất hiện tại nhiều dự án. Chẳng hạn, Dự án Phuc Ha City Garden (xã An Khánh, huyện Hoài Đức), một dự án từng “đắp chiếu” trong thời gian dài của CTCP Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO), tại đợt mở bán mới đây đã được đổi tên thành Thăng Long Victory. Dự án Alaska Garden City tại Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) sau khi được FLC Group mua lại, cũng đã đổi tên thành FLC Garden City. Thậm chí, Tập đoàn Nam Cường trước khi mở bán căn hộ tại dự án Dương Nội và Hoàng Quốc Việt, cũng đã đổi tên các dự án này thành tổ hợp chung cư The Spark, với hàng loạt tòa nhà cao tầng, thay vì được viết tắt theo ký tự CT, cũng được đổi thành nhiều “tên Tây” khác nhau...
Theo một đại diện nhà phân phối có tiếng tại Hà Nội, phần lớn dự án căn hộ còn hàng tồn hiện nay đều là những dự án tai tiếng, mắc nhiều lỗi trong quá trình triển khai, khiến khách hàng mất lòng tin. Vì vậy, khi tiếp nhận phân phối bán sản phẩm tại các dự án này, rất nhiều đơn vị phân phối nghĩ ngay đến việc đổi tên dự án, để thực hiện chiến dịch tiếp thị mới, với những cam kết mới.
“Việc đổi tên dự án, nhất là những dự án dính nhiều ‘phốt’ trong quá khứ hiện giống như một trào lưu”, vị đại diện này nói, đồng thời cảnh báo, việc đổi tên dự án một cách tùy tiện sẽ khiến không ít khách hàng không thể biết được những “vết đen” của dự án trong quá khứ để tránh trước khi mua hàng. Đặc biệt, với những dự án đã có cư dân sinh sống, việc đổi tên có thể khiến cuộc sống của nhiều cư dân bị ảnh hưởng.
Các bản tin khác
- Cuộc đua cho vay giữa các ngân hàng: Dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh?
- Một số vướng mắc khi thực hiện Luật Đất đai 2013
- Ngân hàng mạnh tay rót vốn vào bất động sản
- Mua nhà, bán nhà và vía nặng, vía nhẹ
- Ngân hàng ưu đãi cho vay mua ô tô Trường Hải
- Đường Hoàng Diệu: "Kẻ sang trọng khoác áo bình dân"
- Chỉ từ 350 triệu đồng sở hữu chung cư F.HOME Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng: "nóng" về phía Nam
- Đà Nẵng rực sáng lung linh trong đêm pháo hoa
- Bà Nà Hills đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Tổ hợp Khách sạn nghỉ dưỡng Làng Pháp
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2014
- Đóng tiền sử dụng đất khó quá!
- Nhà ở xã hội: Nới một - siết hai
- Đà Nẵng khánh thành đường Bà Nà - Suối Mơ
- Người nước ngoài được mua bao nhiêu căn hộ tại Việt Nam?
- Quy định mới về quyền sở hữu nhà của tổ chức, cá nhân nước ngoài hiệu lực 1/7/2015
- Sớm nâng cấp các tuyến đường trung tâm
- Dân khó vay gói 30.000 tỉ đồng do quy định “đá” nhau
- Nợ tiền sử dụng đất trả theo giá đất thời điểm nào?
- Xây dựng lòng ham mê đọc sách cho mỗi cán bộ tư pháp