Thực hiện Công văn số 153/ĐĐQH-VP ngày 7/ 5/ 2014 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về việc góp ý Dự thảo Luật công chứng, VPCC Bảo Nguyệt đã tập trung nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật công chứng (sửa đổi) gửi kèm theo Công văn nêu trên, Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt xin được góp ý theo thứ tự được nêu trong báo cáo này như sau:
1. Về phạm vi công chứng
a) Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của CCV
Chúng tôi thống nhất với ý kiến thứ nhất đề nghị giao lại cho CCV thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP. Vì những việc này đã hình thành trong ý thức và thói quen của người dân, cơ quan, tổ chức rằng đi công chứng, cũng như đi chứng thực hoặc chứng nhận bản dịch là đều đến một nơi, một cổng, một cơ quan thẩm quyền. Hơn nữa đây là chủ trương nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp này, giảm tải sức nặng của bộ máy hành chính. Song cũng nên giới hạn theo quan điểm của UBTVQH là chỉ "chứng thực bản sao, giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký cá nhân trong các giấy tờ, tài liệu liên quan đến nội dung công chứng" (điểm c khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
b) Đối với việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ
Chúng tôi thống nhất với ý kiến thứ hai, vì nếu theo ý kiến 1 và Điều 62 dự thảo, theo đó CCV phải trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ và có nhiệm vụ "chứng nhận nội dung bản dịch" (khoản 3, Điều 62) theo chúng tôi là không phù hợp với trình độ chuyên môn của CCV và chồng chéo trách nhiệm với trách nhiệm của người dịch. Trên cơ sở đó không nên quy định nhiệm vụ "chứng nhận nội dung bản dịch" đối với trách nhiệm của CCV.
2. Về nguyên tắc hành nghề công chứng (Điều 4)
Chúng tôi thống nhất ý kiến thứ hai, theo đó trong dự luật không nên bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận”. Vì đối với loại hình VPCC hoạt động theo Luật doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước, nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận là động lực thúc đẩy VPCC hoạt động chất lượng, chuyên môn cao hơn, sẳn sàng đầu tư các phương tiện, trang thiết bị hiện đại như máy vi tính, máy photo, máy in, phần mềm chuyên nghiệp, trụ sở, nguồn nhân lực chất lượng cao... Nó phù hợp với mô hình PCC do Nhà nước bao cấp, song mô hình này đang hạn chế dần và thay vào đó là mô hình VPCC. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách thực sự cầu thị. Theo đó chúng tôi đề nghị không nên đưa nguyên tắc này vào trong Luật công chứng.
3. Về Công chứng viên
a) Tiêu chuẩn Công chứng viên (khoản 1 Điều 8)
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của UBTVQH, CCV phải có tiêu chuẩn “Trung thành với Tổ quốc”. Vì CCV là những người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện một loại dịch vụ công đặc biệt, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, giấy tờ, có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh, đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Do đó, ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm CCV còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ. “Trung thành với Tổ quốc” cũng là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét bổ nhiệm đối với nhiều chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… Do vậy, đề nghị giữ quy định này như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
- Có ý kiến đề nghị không quy định thời gian công tác pháp luật tại các cơ quan, tổ chức là tiêu chuẩn để xét bổ nhiệm CCV vì rất khó xác định thế nào được coi là làm công tác pháp luật. Chúng tôi không đồng ý với ý kiến này, mà đồng ý với UBTVQH, vì CCV là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền lực công, do vậy ngoài việc phải ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, CCV cũng cần có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Việc quy định thời gian công tác pháp luật là tiêu chuẩn bắt buộc của CCV nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của CCV vì khi ở một độ tuổi nhất định, có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn thì CCV sẽ có khả năng tốt hơn trong việc hành nghề công chứng. Do đó, đề nghị giữ quy định này như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
b) Về độ tuổi hành nghề của CCV (khoản 3 Điều 8)
Chúng tôi đồng ý với ý kiến thứ hai đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của CCV trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này. Hơn nữa, đội ngũ CCV bao gồm cả viên chức tại các Phòng công chứng, CCV làm việc theo hợp đồng lao động với các VPCC và CCV tự tổ chức hành nghề bằng hình thức thành lập VPCC. Do đó, việc hành nghề của từng đối tượng nêu trên sẽ tuân theo quy định tương ứng của pháp luật về lao động, về viên chức và các văn bản khác có liên quan. Nếu quy định về giới hạn tuổi hành nghề trong Luật này sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tế hiện nay khi đội ngũ CCV vẫn đang còn thiếu hụt. Nên không cần thiết quy định độ tuổi.
c) Về đào tạo nghề công chứng (Điều 9)
Chúng tôi cho rằng, thời gian đào tạo nghề công chứng 09 tháng là phù hợp, nếu 12 tháng thì dài đối với công việc đào tạo này (Điều 14 Luật công chứng hiện hành chỉ quy định 06 tháng).
d) Về đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10)
Chúng tôi thống nhất ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như quy định trong dự thảo Luật, song cần quy định những người được miễn đào tạo vẫn phải qua một khóa bồi dưỡng kiến thức về nghề công chứng và thực hiện tập sự hành nghề như đề nghị trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Ý kiến khác đề nghị các đối tượng này không cần tham gia tập sự hành nghề vì đã có nhiều kinh nghiệm và thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật. Và cũng thống nhất như phân tích của UBTVQH phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng. Tuy nhiên, đây đều là những người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức khá vững về pháp luật, do vậy có thể dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các kiến thức chuyên môn cũng như xử lý các vấn đề trong thực tiễn hành nghề công chứng. Đây cũng là các đối tượng được ưu tiên, miễn đào tạo, tập sự đối với một số nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định miễn tham gia khóa đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, nhưng tất cả các đối tượng này đều phải tham gia khóa bồi dưỡng 03 tháng về kỹ năng hành nghề công chứng và tiêu chuẩn đạo đức của CCV tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm CCV.
đ) Về việc bổ nhiệm CCV (Điều 12)
Chúng tôi không thống nhất với ý kiến cho rằng: giao thẩm quyền bổ nhiệm CCV cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, mà vẫn giữ như quy định hiện hành. Chúng tôi thống nhất như phân tích của UBTVQH: Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV vừa khẳng định rõ vị trí, vai trò của CCV là những người được Nhà nước ủy nhiệm, đồng thời vừa tạo sự thống nhất trên toàn quốc. Thực tế bổ nhiệm CCV trong những năm vẫn được thực hiện tốt. Do vậy, đề nghị giữ thẩm quyền bổ nhiệm CCV như trong dự thảo Luật.
e) Những trường hợp không được bổ nhiệm CCV (Điều 13)
Chúng tôi thống nhất với ý kiến đề nghị không bổ nhiệm đối với người đang bị xem xét đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc hoặc người trong lực lượng vũ trang bị tước quân tịch, người bị đưa ra khỏi ngành… Vì những người này không có đủ tư cách, uy tín để được giao trọng trách đảm nhận công việc có ý nghĩa quan trọng này.
g) Về việc đăng ký hành nghề công chứng (khoản 2 Điều 17)
Chúng tôi thống nhất với quy định CCV có nghĩa vụ đăng ký hành nghề tại địa phương nơi tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm CCV có trụ sở chứ không phải đăng ký hành nghề tại địa phương nơi mình thường trú để bảo đảm quyền tự do cư trú, tự do lựa chọn nơi làm việc của công dân, nhất là trong điều kiện ta đang chủ trương khuyến khích việc phát triển VPCC tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ngược lại, nếu quy định CCV có nghĩa vụ đăng ký hành nghề tại địa phương nơi mình thường trú là quá cứng nhắc, không linh hoạt, dẫn đến những nơi ở trung tâm như Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng lại có quá nhiều CCV đăng ký hành nghề. Trong khi đó những nơi vùng sâu, vùng xa lại không có CCV nào đăng ký hành nghề.
h) Thẻ Công chứng viên
Chúng tôi đồng ý với ý kiến thứ nhất, rằng việc cấp Thẻ CCV là cần thiết, nhằm công khai, minh bạch hoạt động này như tính chất của việc công chứng, tăng cường sự giám sát của nhân dân, nhất là trong các trường hợp thực hiện công chứng ngoài trụ sở.
4. Về tổ chức hành nghề công chứng
a) Về chủ trương xã hội hóa nghề công chứng
Chúng tôi thống nhất với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng và cũng thống nhất với quan điểm của UBTVQH: Không quy định thời điểm cụ thể phải chuyển đổi toàn bộ PCC thành VPCC mà chỉ quy định về nguyên tắc PCC chỉ được thành lập mới trong trường hợp cần thiết, tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển VPCC (khoản 2 Điều 18). Đây là vấn đề có tính thực tế, vì hiện nay chúng ta chưa thể phát triển mô hình VPCC một cách rộng khắp trên toàn quốc được, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo sự phát triển và theo thời gian khi không cần thiết duy trì thì giải thể PCC (Điều 21). VPCC thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi (khoản 3 Điều 18) để khuyến khích sự phát triển.
b) Về việc chuyển đổi các PCC thành VPCC (Điều 21)
Chúng tôi thống nhất Phương án 2: Bổ sung quy định về việc chuyển đổi PCC, giao Chính phủ quy định cụ thể việc chuyển đổi PCC thành VPCC. Vì như vậy sẽ kế thừa được các quyền và nghĩa vụ từ PCC sang VPCC, bảo đảm trật tự của việc chuyển đổi, trách nhiệm cụ thể của VPCC đối với PCC trước đó và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp về công chứng.
c) Về hình thức tổ chức VPCC (Điều 22)
Chúng tôi thống nhất với quan điểm của UBTVQH chỉ quy định thành viên hợp danh, không quy định thành viên góp vốn tham gia vào VPCC, vì công chứng là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cao và nặng về trách nhiệm nghề nghiệp như Luật sư. Hơn nữa thực tế cho thấy việc thành lập và hoạt động của VPCC cũng không đòi hỏi số vốn lớn như nhiều ngành nghề khác như bệnh viện, trường học...
Chúng tôi không thống nhất với quy định Trưởng VPCC phải có thời gian hành nghề công chứng tối thiếu là 02 năm. Vì quy định như vậy cứng nhắc, nhất là trong trường hợp thành lập mới VPCC, nhiều CCV có trình độ tiến sỹ hoặc đã kinh qua nhiều năm làm công tác pháp luật thì có khả năng làm Trưởng VPCC mà không cần phải quy định điều kiện hành nghề công chứng 2 năm như vậy.
d) Về việc thừa kế, chuyển nhượng VPCC (Điều 30)
Chúng tôi thống nhất với quan điểm của UBTVQH không quy định về việc thừa kế VPCC bởi VPCC là tổ chức đối nhân, gắn với kỹ năng chuyên môn và khả năng chịu trách nhiệm toàn bộ của CCV là thành viên, người tiếp quản Văn phòng phải đáp ứng nhiều điều kiện về chuyên môn, do vậy, không thể để thừa kế VPCC như đối với các tài sản khác.
· Về việc chuyển nhượng VPCC
Chúng tôi thống nhất với quan điểm của UBTVQH cho phép chuyển nhượng VPCC, song phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu bảo đảm chất lượng của tổ chức cung cấp dịch vụ công, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Người nhận chuyển nhượng tổ chức này cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định như phải là CCV, có kinh nghiệm hành nghề nhất định, cam kết hành nghề tại địa phương... và việc chuyển nhượng này phải được UBND cấp tỉnh cho phép.
5. Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV (Điều 37)
Chúng tôi thống nhất quan điểm của UBTVQH quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm cho CCV, vì đây là nghề có nhiều rủi ro, do các giao dịch, hợp đồng công chứng rất đa dạng, phức tạp, có giá trị lớn hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng do nhiều chủ thể khác nhau thực hiện... nên tiềm ẩn những rủi ro, nên việc bắt buột mua bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng, đồng thời giảm bớt áp lực trách nhiệm cho tổ chức hành nghề công chứng và CCV trong quá trình hành nghề.
Thực tế VPCC Bảo Nguyệt chúng tôi luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định mua bảo hiểm này, hàng năm đều mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm quốc tế Liberty- Mỹ với giá trị bảo hiểm lên đến 10 tỷ VND.
6. Về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng (Điều 38)
Chúng tôi thống nhất quan điểm của UBTVQH về việc quy định riêng một Điều luật cụ thể trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của CCV để làm rõ trách nhiệm và có tính răng đe, nâng cao tinh thần, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của CCV trong việc công chứng, nhằm bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch công chứng.
7. Về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV (Điều 41)
Chúng tôi thống nhất quan điểm của UBTVQH quy định một cách khái quát về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng (Điều 41), trong đó xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV; không nên quy định chi tiết. Quy định như vậy sẽ bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện.
b) Về trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV chúng tôi cũng cho rằng việc tham gia hội phải dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tự do, không quy định bắt buộc CCV phải tham gia một tổ chức xã hội– nghề nghiệp nhất định. Tuy nhiên, cũng cần có quy định khuyến khích CCV tham gia tổ chức này, vì các thành viên tham gia đều có lợi cho bản thân họ và cho chất lượng công chứng nói chung trong việc chia sẽ thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm nghề nghiệp, nghiệp vụ công chứng cho nhau, để nâng cao chất lượng công chứng, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người tham gia công chứng.
8. Về thủ tục chứng nhận bản dịch giấy tờ (Điều 62)
Chúng tôi cho rằng CCV không được công chứng những hợp đồng, giao dịch cho bản thân và người thân thích. Nên chúng tôi thống nhất bỏ quy định về việc CCV tự công chứng chữ ký của mình trên bản dịch do mình tự thực hiện để bảo đảm tính khách quan, vô tư trong việc công chứng.
9. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng (Chương VIII)
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng là công việc rất quan trọng, nhằm bảo đảm hoạt động công chứng được thực hiện thống nhất, nâng cao chất lượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... nên cần được quy định thành chương riêng trong Luật công chứng.
10. Về điều kiện thành lập VPCC: Khoản 1 Điều 22 Luật công chứng quy định: "Văn phòng công chứng do từ hai công chứng viên trở lên thành lập, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh".
Theo chúng tôi thì không nên quy định cứng nhắc chỉ mỗi loại hình Công ty hợp danh, mà vẫn giữ nguyên như khoản 1 Điều 26 Luật công chứng: "Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân". Vì quy định như vậy đa dạng hơn giống như Luật Luật sư (Điều 34, 35), phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cá nhân, tổ chức và địa bàn hoạt động, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa rất khó đủ 2 Công chứng viên trở lên để đủ điều kiện thành lập như dự thảo mới. Việc VPCC do một CCV thành lập theo mô hình Doanh nghiệp Tư nhân và có thêm CCV làm việc theo chế độ hợp đồng (được hướng dẫn cụ thể tại Điều 11 Nghị định 04/2013/NĐ-CP) vẫn phù hợp với yêu cầu, trách nhiệm của công việc.
Trên đây là góp ý Luật công chứng của VPCC Bảo Nguyệt. Xin báo cáo để Đoàn Đại biểu Quốc hội tp. Đà Nẵng, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng theo dõi, chỉ đạo.
Đà Nẵng, ngày 15 tháng 5 năm 2014
Trưởng Văn phòng
Công chứng viên
NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT
Các bản tin khác
- VPCC Bảo Nguyệt đứng đầu bảng chấm điểm về hoạt động công chứng năm 2015
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao 280 suất quà cho người nghèo nhân dịp Xuân Bính Thân 2016
- “Vầng trăng sáng mãi” được chuyển thể thành phim tài liệu và được phát sóng trên kênh ANTV
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt tích cực tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và sự nghiệp phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn quận Hải Châu
- Kỷ niệm Bảy năm Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt - Một chặng đường đầy kỷ niệm sâu sắc!
- Giới thiệu cuốn hồi ký “Vầng trăng sáng mãi” của tác giả Nguyễn Vũ Minh Nguyệt bằng file PDF trên website
- VPCC Bảo Nguyệt đứng đầu bảng chấm điểm về hoạt động công chứng năm 2014
- Chi bộ Khối các Văn phòng công chứng (Chi bộ 3) tổ chức đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2
- "Vầng trăng sáng mãi" với người Nữ cán bộ kiểm sát.
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt làm từ thiện, trao quà tết cho người nghèo
- "Hết lòng phục vụ, nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật"
- Đà Nẵng: Năm 2015, đơn giá đất cao nhất 34,050 triệu đồng/m2
- Hồi ký "Vầng trăng sáng mãi" của Trưởng VPCC Bảo Nguyệt được vinh danh!
- Giới thiệu Văn bản mới: Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND của UBNDTP Đà Nẵng về quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực
- Trưởng Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt tham gia hoạt động thành lập Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng và Hiệp hội Nữ Doanh nhân Đà Nẵng tặng hoa Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt
- Kỷ niệm Sáu năm Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt - Một chặng đường đáng nhớ!
- Luật Đất đai năm 2013 không sử dụng thuật ngữ "công chứng Nhà nước" mà chỉ sử dụng thuật ngữ "công chứng"
- Chi bộ Đảng các văn phòng công chứng Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu