Ngoài trưởng văn phòng, người có quyền chuyển nhượng văn phòng công chứng là người thừa kế, người đại diện của trưởng văn phòng.
Đó là đề xuất rất mới của Bộ Tư pháp - cơ quan đang chủ trì soạn thảo nghị định thay thế Nghị định số 02/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Bên cạnh nội dung này, dự thảo nghị định còn quy định một số vấn đề mới khác như việc tạm ngừng hoạt động văn phòng công chứng (VPCC), chế độ công chứng viên (CCV) làm việc theo hợp đồng…
Những vấn đề trên, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ trình xin ý kiến Chính phủ do trong quá trình soạn thảo cũng như lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương vẫn còn có ý kiến khác nhau. Ngày 19-9, bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có cuộc họp để nghe báo cáo các nội dung này trước khi trình Chính phủ.
Sẽ có CCV làm việc theo hợp đồng
Cụ thể, Điều 12 của dự thảo quy định về việc CCV làm việc theo chế độ hợp đồng cho VPCC với tư cách không phải là thành viên hợp danh. Theo bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), đây là quy định nhằm giải quyết bất cập của mô hình VPCC do một CCV thành lập hiện nay, khi CCV bị ốm đau dài ngày hoặc có công việc phải vắng mặt, nghỉ phép thì không có CCV thường trực tại trụ sở để phục vụ nhu cầu công chứng…
Ủng hộ quan điểm này nhưng Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp Nguyễn Văn Toàn đề xuất các CCV nên ký với nhau hợp đồng hợp tác hành nghề thay vì hợp đồng lao động. “CCV hành nghề với tư cách bình đẳng như nhau, vì thế nếu ký hợp đồng lao động sẽ làm mất tư thế của CCV khi một bên trong “vai” ông chủ, bên kia là người làm thuê” - ông Toàn nói.
Tuy nhiên, vẫn có quan điểm không đồng tình với đề xuất này với lo ngại quy định đó có thể tạo ra sự tùy tiện trên thực tế. Bà Yến cho biết dự liệu vấn đề này, dự thảo đã quy định thủ tục chặt chẽ khi CCV ký kết hợp đồng làm việc với VPCC, quy định mối quan hệ và trách nhiệm của CCV với VPCC trong trường hợp CCV làm việc theo chế độ hợp đồng.
VPCC không được tự ý tạm ngừng hoạt động
Một vấn đề đáng chú ý khác là dự thảo cho phép chuyển nhượng VPCC do một CCV thành lập trong trường hợp trưởng VPCC chết, hoặc bị tòa án tuyên là mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc trưởng VPCC không thể tiếp tục hành nghề công chứng do không còn đủ điều kiện sức khỏe hoặc vì lý do bất khả kháng khác. VPCC thuộc một trong những trường hợp trên nếu không được chuyển nhượng thì sẽ phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động. Ngoài trưởng văn phòng, người có quyền chuyển nhượng VPCC là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của trưởng văn phòng.
Bà Đỗ Hoàng Yến lý giải thực tế thời gian qua cho thấy khi trưởng văn phòng của VPCC do một CCV thành lập chết hoặc vì lý do bất khả kháng mà không thể tiếp tục hành nghề thì VPCC phải chấm dứt hoạt động. Việc này thường dẫn đến hàng loạt hậu quả xã hội phát sinh với phạm vi ảnh hưởng rộng và kéo dài. “Vấn đề chuyển nhượng VPCC do một CCV thành lập chưa được Luật Công chứng điều chỉnh nhưng căn cứ vào Luật Doanh nghiệp trong việc mua bán doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân có thể được bán…” - bà Yến nói.
Dự thảo nghị định cũng quy định vấn đề tạm ngừng hoạt động của VPCC. Bà Yến cho hay đây là vấn đề vướng mắc đã phát sinh trong thực tế tại Cần Thơ, khi VPCC Việt Chương có CCV duy nhất của văn phòng bị tước thẻ CCV và bị tạm đình chỉ hành nghề. Hậu quả pháp lý của việc này là các yêu cầu về cấp bản sao, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng do VPCC Việt Chương đã công chứng không thể thực hiện được. Do đó, dự thảo nghị định đã quy định theo hướng không cho phép VPCC có quyền tạm ngừng mà chỉ trong một số trường hợp bất khả kháng, Sở Tư pháp quyết định và chỉ đạo trực tiếp đối với các vấn đề phát sinh trong thời gian VPCC phải tạm ngừng hoạt động.
Không thể chấm dứt hoạt động vì vướng luật
17 tháng trôi qua sau ngày trưởng VPCC Việt Tín (Hà Nội) tự tử, cơ quan chức năng vẫn chưa ra quyết định chấm dứt hoạt động của VPCC này. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Trương Thị Nga, cơ quan này đã làm hồ sơ gửi UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, phía ủy ban vẫn chưa ký quyết định do lo ngại… vướng luật và đang chờ hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Tư pháp. Cụ thể, Điều 34 Luật Công chứng chỉ quy định VPCC chỉ chấm dứt hoạt động trong hai trường hợp: Tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động do VPCC vi phạm pháp luật, hoặc không còn CCV do bị miễn nhiệm.
Để tháo gỡ vấn đề này, Điều 16 dự thảo quy định bốn trường hợp VPCC chấm dứt hoạt động gồm: Tự chấm dứt hoạt động; bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động; tất cả thành viên hợp danh của VPCC do hai CCV thành lập chết; VPCC do một CCV thành lập không được chuyển nhượng trong thời hạn ba tháng.
|
ĐỨC MINH
Ảnh: Theo dự thảo nghị định mới, VPCC không được tự ý tạm ngừng hoạt động. Trong ảnh: Giao dịch tại VPCC Sài gòn. Ảnh: HTD
http://phapluattp.vn
Các bản tin khác
- Người dân ủng hộ chủ trương xây dựng hầm chui phía tây cầu Sông Hàn
- Dự án Euro Village mở bán đợt 2
- Hiệp hội BĐS kiến nghị "xả" hết gói 30.000 tỉ đồng
- "Công trình xanh" tiêu biểu của kiến trúc Đà Nẵng
- Marina Complex, không gian sống cao cấp bên sông Hàn
- Hơn 34,4 tỷ đồng thảm bê tông nhựa và lát gạch vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn thành phố
- Dự án có bến du thuyền đầu tiên tại Đà Nẵng mở bán đợt 2
- Bất động sản Đà Nẵng: Biệt thự đi trước, căn hộ ngước nhìn!
- Đề nghị Bộ Tài chính bố trí vốn để hoàn thành sớm các công trình trọng điểm
- Thống nhất hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt mới
- Cải tạo, chỉnh trang 33 tuyến đường phục vụ APEC 2017
- Sắp ra mắt khu phức hợp bất động sản và bến du thuyền cao cấp đầu tiên tại Đà Nẵng
- Asia Park giảm 50% giá vé cho người Đà Nẵng
- Người vay gói 30.000 tỷ đồng "bỗng dưng muốn khóc", vì đâu?
- 6 tuyến đường lưu thông một chiều
- Phát triển đô thị theo hướng bền vững
- Cải tạo nút giao thông đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Đổi mới công tác đền bù, giải tỏa và tái định cư Nói phải đi đôi với làm
- Tận mắt xem hợp đồng tín dụng của gói 30.000 tỷ
- Đầu tư biệt thự biển: Của để dành cho con