Hôm nay, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về 2 dự luật sửa đổi: luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản. Một trong những quy định gây tranh cãi nhất hiện nay là cùng với việc mở rộng đối tượng người nước ngoài (bao gồm cả người VN định cư ở nước ngoài) được sở hữu nhà ở tại VN của luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản đồng thời cho đối tượng này được phép kinh doanh nhà ở gắn liền với đất ở.
Đây thực sự là quy định rất tốt. Và cũng chả cần thiết phải tranh cãi về chuyện đặt ra các điều kiện nhập cảnh bao lâu, cư trú mấy tháng mới được sở hữu nhà. Bởi lẽ, thực tế chứng minh, nhu cầu này cũng không quá lớn.
Kể từ năm 2005, khi luật Nhà ở lần đầu tiên cho Việt kiều sở hữu nhà ở tại VN và Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12, năm 2008 của Ủy ban TVQH cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà, đến hết tháng 1.2014 cũng mới chỉ có 750 người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài mua nhà tại VN (trong đó có 551 Việt kiều và 199 người nước ngoài).
Khi đã cho người ta quyền mua thì phải có quyền bán lại, tức là phải cho phép kinh doanh. Nếu hạn chế quyền bán thì chính sách chả có gì hấp dẫn. Số lượng cá nhân Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại VN cũng sẽ vẫn lại èo uột trong thực tế như gần 10 năm nay.
Hiện nay, điều khiến Ủy ban Pháp luật của QH và một số ĐBQH cân nhắc, là vì nếu mở như vậy sẽ “chỏi” với luật Đất đai - vốn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Việt kiều chỉ được nhận chuyển nhượng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Lại phải nói rằng, đây thực sự là điều rất đáng tiếc, một lần nữa chứng tỏ tư duy làm luật manh mún, thiếu tầm nhìn của chúng ta. Năm 2013, khi xem xét sửa đổi luật Đất đai, đã có rất nhiều chuyên gia nhìn ra vấn đề này và đề nghị sửa đổi nhưng đã không được tiếp thu.
Quan điểm khi đó, không mở quyền sử dụng đất cho người nước ngoài là bởi lo ngại hệ lụy: cư dân tụ tập, mua hết cả khu phố thì tính sao? Trên thực tế, đúng là có chuyện người Trung Quốc tập trung rất đông ở Tây nguyên để làm bauxite; người Hàn Quốc thay thế người Việt tại phần lớn các căn hộ Keangnam ở Hà Nội. Nhưng rõ ràng, tư duy không quản được thì cấm đã không còn phù hợp.
Luật pháp phải đi trước một bước, không nên tiếp tục hạn chế quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở của người nước ngoài ngay trong luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, mà nên chuẩn bị hệ thống luật pháp để ngăn chặn những hệ lụy, tiêu cực nếu có.
Để tránh chuyện tréo ngoe như sửa luật Đất đai vừa qua, câu chuyện đất đai cho người nước ngoài nên xem xét song hành. Cho người nước ngoài mua nhà gắn với đất ở thì cũng nên bàn ngay đến luật về cư dân nước ngoài ở VN.
Không có nước nào hạn chế người nước ngoài mua nhà, nhưng nhiều nước đã đưa ra quy định như: số lượng người nước ngoài không được vượt quá 25% cư dân trong một đơn vị hành chính; không thành lập những khu đô thị thuần túy của người nước ngoài… Ta có nên làm như vậy không? Đó mới là điều QH nên bàn.
An Nguyên
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt
- Shophouse vị trí vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu
- Phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
- Lãi suất quay đầu giảm, thời cơ cho địa ốc đã tới?
- Hiệp hội công chứng Việt Nam chính thức được thành lập
- Kế hoạch 2019 đầy tham vọng của “ông lớn” địa ốc
- Vicoland bàn giao sổ hồng đợt cuối cho khách hàng mua nhà thu nhập thấp
- Thị trường bất động sản 2018 những con số biết nói
- Doanh nghiệp địa ốc ráo riết lên kế hoạch năm 2019
- Cơ hội cho tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành
- Báo Đầu tư chính thức phát hành ấn phẩm Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam
- Không phân lô bán nền dọc đường vành đai phía Nam
- Hình dung đô thị Đà Nẵng vào năm 2030
- Chủ đầu tư tính kế "vợt" dòng kiều hối cuối năm
- Việt Nam và những lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
- Năm 2019 nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào?
- Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
- Xu hướng bất động sản năm 2019: Phân khúc condotel tiếp tục khó khăn
- Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đầu tư cảng Liên Chiểu
- [Infographic] Tổng quan thị trường bất động sản năm 2018