Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, hiện nay các văn phòng công chứng (VPCC) đều tập trung nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trụ sở; trang bị phương tiện làm việc hiện đại… bằng nguồn tiền của mình; thậm chí họ còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu có lỗi, nên dù hoạt động ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích thì các VPCC cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận.
Do đó, nếu đưa hay không đưa nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” vào luật này thì các VPCC vẫn phải tìm mọi cách để hoạt động, sử dụng nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh như một doanh nghiệp kinh doanh bình thường với mục đích cuối cùng là tìm kiếm lợi nhuận ở mức cao nhất có thể. Như vậy, rõ ràng việc đưa nguyên tắc này vào luật cũng chỉ mang tính hình thức, không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, nếu quy định không vì mục đích lợi nhuận thì sẽ xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, từ chối chứng nhận những giao dịch có độ rủi ro cao. ĐB đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề thấu đáo, loại bỏ nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận ra khỏi Điều 4 dự thảo luật.
ĐB đồng tình với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao lại cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên (CCV) nhiệm vụ công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên. Đây là một chủ trương vô cùng đúng đắn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải sức nặng của bộ máy hành chính, tinh giảm đội ngũ cán bộ ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ. Theo ĐB, không nên hạn chế thẩm quyền của CCV, VPCC; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét, không nên giới hạn thẩm quyền của VPCC. Tuy nhiên, để tránh hụt hẫng về chức năng, nhiệm vụ của các phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã, ĐB đề nghị vẫn giao cho các cơ quan này quyền được chứng thực mà từ trước đến nay vẫn làm.
Theo ĐB, việc công chứng bản dịch giấy tờ là nội dung rất quan trọng, có nhiều quan điểm khác nhau. ĐB thống nhất giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để nâng cao chất lượng hoạt động dịch thuật, cần thiết phải quy định rõ người chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch. Tuy nhiên trong thực tế, đây là vấn đề tưởng như đơn giản nhưng lại rất phức tạp, rộng lớn, vì nó liên quan đến nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. ĐB cho rằng, dự thảo luật quy định CCV phải chịu trách nhiệm nội dung bản dịch là không phù hợp với thực tế và trình độ chuyên môn của CCV hiện nay. ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thận trọng vấn đề này, vì CCV không thể biết hết tất cả các ngoại ngữ nên tất yếu cũng không biết bản dịch là đúng hay sai về nội dung. Thay vì quy kết trách nhiệm của CCV đối với nội dung bản dịch, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét, tập trung quy định thật chặt chẽ ngay trong luật này các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trình tự, thủ tục dịch thuật; trách nhiệm pháp lý của người dịch đối với nội dung bản dịch; đồng thời quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người dịch nếu dịch sai.
Buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ, các đại biểu Thân Đức Nam và Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đã tham gia phát biểu ý kiến.
Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ĐB Thân Đức Nam cho rằng, việc giám sát hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tuy là một yêu cầu bắt buộc, nhưng có thể dẫn đến hai tình trạng có vẻ như đối nghịch nhau: Càng tăng cường giám sát thì càng làm giảm tính tự chủ của doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh càng thấp. Khi nới lỏng giám sát thì doanh nghiệp có vẻ như tăng trưởng tốt hơn, nhưng lại dẫn đến kết quả là tạo ra sự lãng phí và thất thoát lớn hơn. Do đó, cả hai vấn đề này cần phải cân nhắc để tìm ra giải pháp tối ưu. ĐB đề nghị, ở cấp độ quản lý vĩ mô cần tăng cường quản lý Nhà nước và giám sát của chủ sở hữu bằng các công cụ pháp luật thay cho sự can thiệp một cách tùy tiện bằng mệnh lệnh hành chính; ở cấp độ điều hành doanh nghiệp cần có cơ chế ký kết các thỏa thuận về trách nhiệm và việc điều hành giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước với các nhà quản lý vốn Nhà nước hoặc điều hành doanh nghiệp Nhà nước.
Về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ĐB Lê Văn Hoàng đề nghị dự thảo luật cần liệt kê cụ thể những ngành nghề cấm kinh doanh, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. ĐB cho rằng, nếu cho phép các văn bản như pháp lệnh, nghị định cũng có thể cấm kinh doanh một số ngành nghề là chưa thể hiện sự tiến bộ về tính công khai, minh bạch trong quản lý Nhà nước và nguyên tắc hiến định tại Điều 74 Hiến pháp.
PHẠM HỮU HOA
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng hoán đổi 6.000 m2 đất để mở rộng công viên APEC
- Luật Kinh doanh Bất động sản đang ‘bất lực’ với condotel
- Kết nối điểm tham quan bằng xe buýt
- Mặt tiền biển tác động giá trị bất động sản nghỉ dưỡng biển
- Cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang khách sạn, văn phòng, nhà hàng
- Bốn lý do giá đất sốt cao nhưng khó giảm
- Vicoland Group hợp tác đầu tư với tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới Extell của Hoa Kỳ
- Có nên mua lúc thị trường diễn ra sốt đất?
- "Đỏ mắt" tìm mua nhà ở
- Câu chuyện dài về thị trường bất động sản
- "Đổi đời" nhờ đất?
- Ra mắt trang zalo Công ty Bất động sản VIP
- Hàng ngàn hộ dân ở Đà Nẵng khổ vì quy hoạch treo, dự án dang dở
- Nhiều hoạt động hấp dẫn tại "Đà Nẵng-Điểm hẹn mùa hè 2018"
- Điểm nhấn văn hóa, thể thao tại khu phố An Thượng
- Tháp đôi 1.800 tỷ tại Đà Nẵng ra mắt phân khu căn hộ nghỉ dưỡng
- Căn hộ chỉ 24m2 này có gì hay ho mà ai cũng mơ ước được sở hữu?
- Thị trường bất động sản: Lạc quan thận trọng
- Đề xuất đầu tư 870 tỷ đồng làm hầm chui nút giao phía tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý
- Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn: Bao giờ triển khai?