►Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm...
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm; trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam thì mức lãi vay thấp hơn nhiều.
“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn phải vay vốn với lãi suất quá cao, nên khó cạnh tranh trong xuất khẩu và cả ở thị trường nội địa”, TS. Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói tại một hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Hà Nội, sáng 30/5.
Tại đây, các khuyến nghị giảm tiếp lãi suất đã được đặt ra.
Cụ thể, đối với xuất khẩu, các doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn đang vay với lãi suất là 8 - 10%/năm. Trong khi doanh nghiệp của các nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam lại đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều, chẳng hạn như Trung Quốc là 6,6%, Thái Lan là 6,9%, Malaysia là 4,9%.
Dù lãi suất cho vay đã giảm phân nửa so với những năm căng thẳng 2010-2011, nhưng theo TS. Hải, việc phải vay với mức lãi suất cao hơn từ 1,4-2 lần so với các nước khác như hiện nay đang làm cho hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh; làm suy yếu dần các doanh nghiệp xuất khẩu.
Còn tại thị trường nội địa, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm; trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam thì mức lãi vay thấp hơn nhiều.
Từ nhiều năm nay, tại các nước có đầu tư nhiều ở Việt Nam như Mỹ có lãi suất luôn ổn định là 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%, Đài Loan là 2,9%.
Theo đó, sự chênh lệch về lãi suất như trên đã tạo ra những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp Việt Nam nếu tiêu thụ các hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa.
“Thực tiễn trên cho thấy rằng, mức lãi suất của Việt Nam hiện nay mặc dù đã giảm nhiều nhưng so với các nước khác vẫn là quá cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp; nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì nền kinh tế sẽ khó có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong trung và dài hạn”, ông Hải khuyến nghị.
Một trong những giải pháp giảm lãi suất cho vay mà chuyên gia này đưa ra là tư duy lại phương pháp điều hành theo “chính sách lãi suất thực dương”.
Chính sách lãi suất thực dương đang được sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bản chất của nó là đảm bảo mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực, tức là lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát (ngược lại, lãi suất thực âm nếu mức lãi suất tiền gửi nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát). Chính sách này có ưu điểm là cân bằng được lợi ích của người gửi tiền với lợi ích của hệ thống tín dụng và nền kinh tế.
Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam đang áp dụng chính sách lãi suất thực dương trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, TS. Lưu Đức Hải đưa ra những điểm đáng chú ý liên quan đến chính sách này.
Thứ nhất, do tâm lý tích trữ và tình trạng vàng, đô la hóa ở Việt Nam còn quá cao nên chính sách lãi suất thực dương tác động không quá lớn đến lượng tiền gửi của dân cư; tổng số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng tăng không tương xứng, chủ yếu dòng tiền dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Thứ hai, khi lạm phát đang ở mức cao so với các quốc gia khác như hiện nay thì nếu duy trì liên tục chính sách lãi suất thực dương sẽ trực tiếp đẩy lãi suất cho vay lên cao, gián tiếp gây ra các khó khăn, đổ vỡ cho hàng loạt doanh nghiệp.
Thứ ba, lãi suất thực dương tại Việt Nam đang được tính toán căn cứ vào theo lạm phát toàn phần, trong khi thế giới căn cứ vào lạm phát cơ bản. Vì đã chưa loại trừ các yếu tố mùa vụ nên lạm phát toàn phần bao giờ cũng cao hơn lạm phát cơ bản, do vậy nếu sử dụng lạm phát toàn phần làm căn cứ xác định lãi suất thực dương thì vô hình chung đã đẩy lãi suất tiền gửi lên cao hơn mức cần thiết.
Và theo chuyên gia này, ước tính người gửi tiền vẫn có lãi khi lãi suất tiền gửi giảm 15-30% (cũng đồng nghĩa với lãi suất cho vay có thể giảm tương ứng) so với mức hiện nay nếu sử dụng lạm phát cơ bản trong điều hành chính sách tiền tệ.
Với những so sánh và phân tích trên, trong tham luận của mình, TS. Lưu Đức Hải cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách giảm dần lãi suất cho vay quá cao hiện nay xuống ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới thông qua sử dụng linh hoạt chính sách lãi suất.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng chính sách lãi suất thực âm trên cơ sở tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ lợi ích giữa người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp. Năm 2008, khi lạm phát ở mức 22% Việt Nam cũng đã sử dụng chính sách lãi suất thực âm; trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia sử dụng thành công chính sách lãi suất thực âm khi nền kinh tế suy thoái như: Trung Quốc các năm 2004, 2008, Mỹ năm 2004.
Ngân hàng Nhà nước xem xét, cân nhắc sử dụng yếu tố lạm phát cơ bản thay cho lạm phát toàn phần trong tính toán điều hành chính sách lãi suất để hạ lãi suất huy động, làm căn cứ cho việc hạ lãi suất cho vay.
Hoàng Vũ
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Hộ tái định cư được vay vốn trả nợ tiền sử dụng đất
- Địa ốc thêm nhiều thông tin ảm đạm
- “Băm nát” làng đại học Đà Nẵng
- Doanh nghiệp đề xuất chống bán phá giá bất động sản
- Không cho phép tách, nhập thửa trong Khu Di tích lịch sử - Làng văn hóa K20
- 'Bất động sản sẽ hồi sinh vào cuối 2013'
- Đà Nẵng xóa quy hoạch sân golf Đa Phước
- “SĂN” NHÀ, ĐẤT GIÁ RẺ !
- Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch
- Nhân tố mới: Bóng hồng nơi xứ Quảng anh hùng
- Khó vay tiền quỹ phát triển nhà
- Chuyên gia hiến kế cứu 1 triệu tỷ đồng "chôn" ở bất động sản
- SAU 3 THÁNG THÍ ĐIỂM CẤP SỔ ĐỎ VỀ MỘT MỐI: THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN BẮT ĐẦU LỘ RÕ
- “Phá băng” bất động sản
- Khởi tố đối tượng làm giả giấy tờ đất
- TÍN DỤNG THỜI KHỐN KHÓ!
- Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản
- Ba giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS
- Công chứng viên phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp
- Sổ chủ quyền nhà đất và những cạm bẫy vô hình