(Cadn.com.vn) - Cách đây hơn 10 năm, thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch 250ha đất ở khu vực P. Hòa Khánh Nam và P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) để xây dựng nhà ga Đà Nẵng mới và các khu vực phụ trợ, di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội thành. Dự án này “treo” nhiều năm nay khiến đời sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn.
Cập nhật: Thứ bảy, 14/6/2014 - 9h54'
Hàng chục chuyến tàu vào ra nội thành Đà Nẵng mỗi ngày gây ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường khiến người dân rất bức xúc. |
Dự án “treo” hơn 10 năm
Năm 2003, Ga đường sắt Đà Nẵng mới được đưa vào trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với việc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và Đà Nẵng sớm di dời ga đường sắt đến vị trí mới. Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 cũng xác định “xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố” nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố và khu vực, là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm.
Qua quá trình hơn 100 năm tồn tại và phát triển, sự tồn tại của Ga Đà Nẵng ở vị trí hiện tại không chỉ rối rắm, kìm hãm sự phát triển của ngành Đường sắt, khiến hành khách bực mình vì tàu bè thường xuyên bị trễ giờ và khó phục vụ chu đáo, còn gây bức xúc cho người dân thành phố vì ùn tắc giao thông cục bộ, TNGT, gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, chất thải... khi hàng chục chuyến tàu vào ra nội thành hằng ngày.
TP Đà Nẵng đã sớm thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khi từ năm 2004 đã quy hoạch 250ha đất ở khu vực 2 phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh để xây dựng nhà ga Đà Nẵng mới và các khu vực phụ trợ, di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội thành. Thế nhưng, việc chậm triển khai dự án Ga đường sắt Đà Nẵng mới không chỉ gây khó khăn cho việc xây dựng, phát triển Đà Nẵng, còn làm đời sống của hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch “treo” thêm khổ sở.
Cử tri Q. Liên Chiểu đã nhiều lần phản ánh tình trạng “treo” của dự án Ga đường sắt Đà Nẵng mới, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và đã nhờ Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đặt câu hỏi, đề nghị Chính phủ trả lời dứt khoát có triển khai dự án này hay không bởi đã “treo” quá lâu. Nếu không triển khai thì cần ra quyết định hủy quy hoạch để nhân dân xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế, yên tâm ổn định cuộc sống.
Nhà cửa của hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch Ga Đà Nẵng mới khá tạm bợ. |
Giãn tiến độ thực hiện sau năm 2020?
Trước bức xúc của cử tri, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trả lời về “số phận” dự án “treo” này. Thực hiện kiến nghị của TP Đà Nẵng về việc đề nghị di dời Ga đường sắt Đà Nẵng ra vị trí mới để kết hợp việc chỉnh trang đô thị, Bộ này đã nghiên cứu, đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10-9-2009. Theo đó, việc di dời Ga Đà Nẵng ra vị trí mới sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011-2020, kinh phí đầu tư theo thời gian năm 2009 là 1.080 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp hoặc BOT.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước bố trí cho lĩnh vực đầu tư phát triển đường sắt rất khó khăn nên đang tập trung cân đối cho các dự án bảo đảm an toàn chạy tàu, đối ứng các dự án vay vốn ODA, hoàn thành các dự án đang triển khai và hầu như không có vốn để bố trí triển khai dự án mới từ nay đến năm 2015. Trước tình hình trên, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt dựa trên cơ sở hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển ngành Đường sắt đã được phê duyệt, rà soát, cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và tập trung giải quyết các dự án cấp bách bảo đảm an toàn chạy tàu phù hợp với khả năng bố trí vốn, còn lại sẽ nghiên cứu, giãn tiến độ thực hiện sau năm 2020.
Bộ GTVT giải thích thêm, đặc điểm của các dự án xây dựng công trình GTVT mà đặc biệt là các dự án về đường sắt là thường cần một lượng vốn rất lớn, quỹ đất lớn, triển khai rất phức tạp nên các quy hoạch về đường sắt cần ổn định trong thời gian dài để các quy hoạch phát triển KT-XH khác đồng bộ thực hiện theo. Vì vậy, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng để tìm nguồn vốn đầu tư cho các dự án di dời Ga Đà Nẵng ra vị trí mới, trong đó có nghiên cứu đến việc khai thác quỹ đất sau khi di dời Ga và đóng góp của ngân sách địa phương cho dự án. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo thành phố để giải quyết các vấn đề liên quan.
Hạnh Nhân
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Nhà trọ tiện ích - xu hướng mới của nhà trọ cao cấp
- Empire Group: Gừng không cần già vẫn cứ cay
- Sôi động TMS Luxury Hotel Da Nang Beach ngày mở bán
- Trung tâm Hội nghị Ariyana: Vườn nhiệt đới chào đón APEC 2017
- Condotel Cocobay chính thức cất nóc, dự kiến đón khách tháng 4/2018
- Mua đất "điện tử"
- Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Quảng bá giá trị văn hóa Đà Nẵng
- Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất mới trong quý 2/2019
- Tổ hợp giải trí hơn 11.000 tỷ lớn nhất Đà Nẵng bây giờ ra sao?
- Khánh thành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng
- 300 khách hàng dự khai trương nhà mẫu Sơn Trà Oceanview
- “Bay vào miền cổ tích” trung thu ở Sun World Danang Wonders
- Choáng với tổ hợp 5 sao dát vàng của đại gia Đường "bia"
- Quy định giá đất tái định cư một số dự án
- Dự án mở rộng tuyến tránh Nam Hải Vân-Hòa Liên: Đề nghị bổ sung gần 130 tỷ đồng giải phóng mặt bằng
- Hơn 1.600 phòng cao cấp Hoà Bình Green Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng
- Quảng cáo bất động sản xanh: Sự thật hay chiêu trò?
- Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng chào đón dự án mới ngay khu kinh tế trọng điểm của Tỉnh
- Kiến trúc “lạ” tại dự án Coco Wonderland Resort
- Dự án Làng Đại học Đà Nẵng vẫn chưa thể triển khai