Chiều 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) tham gia phát biểu ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh, ĐB Thân Đức Nam đề nghị xác định nhà ở thương mại là đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), vì đối tượng giao dịch chính của hoạt động kinh doanh BĐS là nhà ở thương mại, theo đó chuyển một số nội dung phát triển nhà ở thương mại đang được Luật Nhà ở điều chỉnh sang Luật Kinh doanh BĐS.
ĐB cho rằng, hiện nay tại một số dự án, chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm chất lượng. Khi chủ đầu tư đã bán được hết nhà ở và người mua đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở thì chủ đầu tư rút khỏi dự án, không thực hiện bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến tình trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không ai sửa chữa, hoặc chỉ hoàn thành một số hạng mục công trình mà chưa hoàn thành toàn bộ công trình nhưng lại muốn bàn giao cho cơ quan Nhà nước quản lý. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung vào nguyên tắc kinh doanh BĐS tại Điều 4, buộc chủ đầu tư có trách nhiệm ký quỹ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án, sau khi đã xây dựng hoàn thành và bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo dự án đã được phê duyệt, chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ trả lại tiền quỹ cho chủ đầu tư.
ĐB nhận định, quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Kinh doanh BĐS không phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 92 Luật Nhà ở về điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở. Vì Luật Nhà ở không quy định cá nhân, tổ chức phải thành lập doanh nghiệp mới được quyền bán, cho thuê BĐS không nhằm mục đích kinh doanh. Do đó, ĐB đề nghị đối với các cá nhân, tổ chức bán hoặc cho thuê nhà không nhằm mục đích kinh doanh thì chỉ cần thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật dân sự, có đăng ký giao dịch BĐS và nộp thuế mà không cần quy định phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc phải có vốn pháp định.
Theo ĐB, hiện nay hình thức đầu tư BĐS gián tiếp chưa phổ biến tại Việt Nam do thiếu các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia thì trong thời gian đến sẽ có sự thay đổi lớn trong xu hướng đầu tư của thị trường BĐS Việt Nam. Việc đa dạng hóa đầu tư giúp nhà đầu tư đối phó với rủi ro tốt hơn. Ngoài sở hữu nhà đất, một trong những lựa chọn là đầu tư gián tiếp vào thị trường thông qua việc sở hữu cổ phiếu BĐS. Do đó, ĐB đề nghị cần bổ sung các hình thức đầu tư BĐS trực tiếp và đầu tư BĐS gián tiếp thuộc phạm vi kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân trong nước cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Cũng trong ngày 18-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng (sửa đổi). Cả hai luật đều có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015.
HỮU HOA
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội: Sau thời gian thuê 5 năm, sẽ xem xét để gia hạn
- “Ông hoàng Resort” Bill Bensley bật mí về những công trình huyền thoại
- Tránh rủi ro khi mua nhà đã hình thành
- Đất Đà Nẵng tăng 7-8 lần từ 2012
- Sun River City - "tâm bão" của miền đất hứa
- Đà Nẵng đẹp lạ trong sương mù
- Quy định pháp luật tác động đến thị trường bất động sản 2018
- Người nước ngoài có được mua nhà phố riêng lẻ ở Việt Nam?
- Cuộc đua BĐS ‘vừa túi’ ở Đà Nẵng
- Bất động sản 2018 sẽ tăng giá đồng loạt các phân khúc?
- Nam Đà Nẵng - Bắc Hội An đón thêm 2 dự án mới
- Phó thủ tướng chỉ đạo về việc "sổ đỏ ghi tên cả nhà"
- Nghị quyết về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng có cơ hội để sánh ngang Bali hay Phuket?
- Bất động sản Nam Đà Nẵng: "Cơn sốt" chưa có hồi kết
- Vấn đề bạn đọc quan tâm: Giải tỏa chợ tạm An Trung 2
- Quy định giá đất ở tái định cư tại một số khu dân cư
- Thuế bằng 0%, thị trường ô tô bùng nổ
- Tây Bắc Đà Nẵng: Sôi động những dự án động lực
- Đà Nẵng tưng bừng chào đón năm mới 2018