Công chứng viên được thực hiện chứng thực bản sao
Sáng ngày 20/6, với trên 90% Đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Có hiệu lực từ 1/1/2015 với 10 chương, 81 điều, Luật công chứng mới kỳ vọng sẽ đưa hoạt động công chứng ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch
Theo dự thảo Luật mới được thông qua, công chứng ngoài việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản còn chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt…Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Các ý kiến phát biểu đều tán thành quy định về phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên đối với công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản. Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định về nội dung này.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 61 của dự thảo Luật sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường. Mặt khác, do phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước người yêu cầu công chứng về bản dịch được công chứng nên công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch. Khoản 1 Điều 61 của dự thảo Luật cũng đã quy định rõ cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện; đây cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này. Do ý kiến về vấn đề này còn khác nhau, nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trong công chứng bản dịch. Kết quả là có 327/393 ý kiến (chiếm 83,2% số phiếu thu về và 65,7% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành với phương án quy định trong dự thảo Luật.
Giới hạn số lượng người được miễn đào tạo
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng và quy định này là phù hợp với giai đoạn ban đầu của xã hội hóa nghề công chứng, khi số lượng công chứng viên còn ít và công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy còn nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng do những công chứng viên thuộc nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng thực hiện. Hiện tại, số lượng công chứng viên trên toàn quốc đã tăng lên rất nhiều, cùng với công tác đào tạo nghề công chứng ngày càng được chú trọng, chuyên sâu và bài bản hơn thì việc giới hạn lại phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng là cần thiết để bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm. Do vậy, để bảo đảm tương đương về trình độ cũng như thời gian công tác thực tế giữa các nhóm đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, giới hạn số lượng người được miễn đào tạo, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên (tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp).
Ngoài ra, dự thảo Luật mới được thông qua cũng quy định theo hướng những người được miễn đào tạo nghề công chứng chỉ được giảm một phần hai thời gian tập sự hành nghề công chứng so với các trường hợp bình thường khác, nghĩa là vẫn cần tập sự 6 tháng trước khi được bổ nhiệm làm công chứng viên.
Thêm cơ hội lựa chọn cho dân
Theo Luật Công chứng sửa đổi mới, Công chứng viên được thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này “bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công”. Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Thu Hằng
Bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Luật Công chứng sửa đổi vừa được thông qua đã bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, Luật viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác. |
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Các bản tin khác
- Hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người SDĐ, nhà ở
- Nở rộ triển lãm bất động sản
- Đại gia Việt với cuộc chơi bất động sản hạng sang
- Cơ hội chiết khấu 7% tại đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Cơ hội cuối để sở hữu "Tuyệt tác bên bờ biển"
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Không gian sống lý tưởng
- Nhà vừa túi tiền, nhu cầu thực sự chưa bao giờ hết "nóng"
- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ có thể sẽ hết vào tháng 4-2016
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Chốn đi về của người Đà Nẵng
- Phấn đấu thành lập Hiệp hội công chứng quốc gia trong năm 2016
- "Khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản"
- Bất động sản cháy hàng, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân mở bán sớm hơn dự kiến
- Nhà đầu tư nước ngoài với cuộc chơi bất động sản đỉnh cao
- Sức hút của Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh
- Nở rộ căn hộ officetel
- Giá nhà đất vẫn cao so với thu nhập người dân
- Đăng ký trực tuyến về bất động sản sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội
- Thực hiện các bước thu hồi một số dự án ven biển