Công chứng viên được thực hiện chứng thực bản sao
Sáng ngày 20/6, với trên 90% Đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Có hiệu lực từ 1/1/2015 với 10 chương, 81 điều, Luật công chứng mới kỳ vọng sẽ đưa hoạt động công chứng ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch
Theo dự thảo Luật mới được thông qua, công chứng ngoài việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản còn chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt…Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Các ý kiến phát biểu đều tán thành quy định về phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên đối với công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản. Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định về nội dung này.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 61 của dự thảo Luật sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường. Mặt khác, do phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước người yêu cầu công chứng về bản dịch được công chứng nên công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch. Khoản 1 Điều 61 của dự thảo Luật cũng đã quy định rõ cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện; đây cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này. Do ý kiến về vấn đề này còn khác nhau, nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trong công chứng bản dịch. Kết quả là có 327/393 ý kiến (chiếm 83,2% số phiếu thu về và 65,7% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành với phương án quy định trong dự thảo Luật.
Giới hạn số lượng người được miễn đào tạo
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng và quy định này là phù hợp với giai đoạn ban đầu của xã hội hóa nghề công chứng, khi số lượng công chứng viên còn ít và công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy còn nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng do những công chứng viên thuộc nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng thực hiện. Hiện tại, số lượng công chứng viên trên toàn quốc đã tăng lên rất nhiều, cùng với công tác đào tạo nghề công chứng ngày càng được chú trọng, chuyên sâu và bài bản hơn thì việc giới hạn lại phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng là cần thiết để bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm. Do vậy, để bảo đảm tương đương về trình độ cũng như thời gian công tác thực tế giữa các nhóm đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, giới hạn số lượng người được miễn đào tạo, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên (tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp).
Ngoài ra, dự thảo Luật mới được thông qua cũng quy định theo hướng những người được miễn đào tạo nghề công chứng chỉ được giảm một phần hai thời gian tập sự hành nghề công chứng so với các trường hợp bình thường khác, nghĩa là vẫn cần tập sự 6 tháng trước khi được bổ nhiệm làm công chứng viên.
Thêm cơ hội lựa chọn cho dân
Theo Luật Công chứng sửa đổi mới, Công chứng viên được thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này “bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công”. Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Thu Hằng
Bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Luật Công chứng sửa đổi vừa được thông qua đã bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, Luật viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác. |
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Các bản tin khác
- Người vay sẽ hưởng lợi
- Sẽ xóa địa hạt khi cấp giấy chứng nhận
- Mua chung cư nào để vay từ gói 30.000 tỷ đồng?
- Sắp tới giá nhà sẽ tăng đột biến?
- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra thực tế một số dự án còn nợ đất tái định cư tại Liên Chiểu
- Bỏ quy định cứ nhập cảnh là được mua nhà tại Việt Nam
- Chuyển nhượng nhà đất, trốn thuế là… phổ biến
- Chương trình cho thuê BĐS nghỉ dưỡng vận hành thế nào?
- Nhiều dự án vẫn bán chạy
- GS. Đặng Hùng Võ: Vốn FDI sẽ đổ mạnh vào bất động sản cuối năm nay
- Cổ phiếu bất động sản sẽ bùng nổ
- Ngân hàng đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi
- Sơ đồ bố trí mặt bằng hoạt động của Trung tâm Hành chính
- Những nét độc đáo
- Đà Nẵng giữ vững ngôi đầu xếp hạng cải cách hành chính
- Kinh doanh timeshare nhìn từ rắc rối ở Hyatt Regency
- Mãi nhớ lời di nguyện của Bác: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”
- Bộ Tư pháp tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Ngành Tư pháp và về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- GS Đặng Hùng Võ: Giá nhà còn giảm
- Vấn đề bạn đọc quan tâm Phố chuyên doanh đường Lê Duẩn được xây dựng ra sao?