Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 01/7/2014. So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều. Theo đó, Luật đất đai đã có những điểm mới quan trọng sau:
Thứ nhất, Luật Đất đai sửa đổi quy định việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều 11; Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009; Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định như trên thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, Luật Đất đai sửa đổi cụ thể hóa các quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai như: Quy định rõ các quyền của Nhà nước đối với đất đai như quyền của đại diện chủ sở hữu, quyền quyết định mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, quyền quyết định thu hồi- trưng dụng đất đai, quyền quyết định giá đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai…; đồng thời Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai như: quy định rõ 15 nội dung quản lý của Nhà nước đối với đất đai; trách nhiệm cụ thể của Nhà nước về quản lý đất đai; những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và trách nhiệm của Công chức địa chính tại xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, Luật đất đai năm 2013 đã bổ sung những nội dung chính trong việc điều tra cơ bản, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội mà Luật Đất đai năm 2003 chưa có quy định cụ thể như: Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; quy định các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai…
Thứ tư, Luật quy định cụ thể rõ ràng chi tiết từ các nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch như: Lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia và cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định chi tiết đến từng giai đoạn như: căn cứ lập quy hoạch, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, thẩm quyền thẩm định quy hoạch, thẩm quyền quyết định - điều chỉnh quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch, công bố công khai, thực hiện và báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ năm, Luật quy định đầy đủ, rõ ràng và chi tiết các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Thứ sáu, Luật quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, luật qui định: "Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét qua chủ trương thu hồi đất". Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi cũng qui định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đó là: "Cho phép chậm tiến độ hơn so với qui định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất". Luật cụ thể các vấn đề bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở như nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau: Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền; Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 thì được bồi thường về đất. Vấn đề này, sắp tới Chính phủ sẽ quy định hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, Luật quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ khác (Quốc hội giao cho Chính phủ sẽ quy định chi tiết về vấn đề này).
Thứ bảy, Luật đảm bảo quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời khắc phục một cách cơ bản những trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng giữa những người sử dụng đất và ổn định chính trị xã hội ở nông thôn. Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, luật qui định: "Đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất là bắt buộc; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu". Luật cũng bổ sung qui định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động, qui định đăng ký đất đai trên mạng điện tử...
Thứ tám, Luật đã tiếp cận và thể hiện đầy đủ về vấn đề tài chính đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội; phù hợp với quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, có một số điểm nổi bật về giá đất. Đó là: Khung giá đất do Chính phủ ban hành, định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Thứ chín, Luật mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm, thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ với diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).
Thứ mười, Luật quy định cụ thể và đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất phù hợp với từng hình thức như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất… Bên cạnh đó, Luật quy định bình đẳng hơn về quyền và nghĩa vụ về đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ chế thu hút cho đầu tư phát triển kinh tế của tổ chức nước ngoài.
Cuối cùng, Luật bổ sung công tác giám sát, đánh giá và theo dõi về việc quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Hình thức giám sát là trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua việc phản ánh, gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; Hoặc gửi đơn kiến nghị đến các tổ chức đại diện được pháp luật công nhận để các tổ chức này thực hiện việc giám sát. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được công khai để các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin theo quy định của pháp luật.
Kể từ ngày Luật đất đai số 45/2013/QH13 có hiệu lực thì Luật đất đai số 13/2003/QH11 và Nghị quyết số 49/2013/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân hết hiệu lực.
Trần Thị An
Trung tâm TGPLNN tỉnh Quảng Bình
Theo Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Việt Nam
Các bản tin khác
- Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ
- Những mẫu nhà phong cách Nhật Bản siêu đẹp
- Condotel: "Con bò sữa" kén ăn
- Sớm công bố dự án xây dựng nhà ga mới
- Trình phương án di dời các hộ dân khu tập thể xuống cấp trước ngày 15-3
- Bổ sung nhiều quy định mới về đất đai
- Cảnh giác trước chiêu trò của môi giới thiếu lương tâm
- Bất ổn giao dịch bất động sản
- Lãi suất liên ngân hàng bật tăng
- Tất cả vì thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
- Vay đầu tư bất động sản khó hơn
- Năm 2017, nhà giá rẻ sẽ rẻ hơn
- Những chủ nhà biến sân thượng thành phòng khách ngoài trời
- Nhà chờ số, phố chờ tên!
- Ngân hàng đua kích cầu cho vay mua nhà đầu năm
- Nhật Bản đề xuất đầu tư 5.581 tỷ đồng xây cảng Liên Chiểu giai đoạn 1
- Ồ ạt giảm giá - cuộc chiến chưa từng có trên thị trường ôtô Việt Nam
- Bất động sản và sự dịch chuyển phân khúc căn hộ giá “mềm”
- Đà Nẵng ủng hộ phương án xây cảng Liên Chiểu 5.581 tỷ đồng
- 5.581 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1 dự án cảng Liên Chiểu