(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều địa phương khác khá chật vật trong thu hút đầu tư thì dòng vốn vẫn tiếp tục đổ về Đà Nẵng mạnh mẽ. Chỉ tính riêng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong 8 tháng đầu năm 2011, Đà Nẵng dẫn đầu và bỏ xa các tỉnh miền Trung.
|
Phong cảnh đẹp, môi trường trong lành cũng là một lợi thế của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư. Ảnh: V.T
|
Luôn làm mới mình
8 tháng qua, vốn FDI vào Khánh Hòa 13,2 triệu USD, Bình Định 24,2 triệu USD, TT-Huế 17,2 triệu USD, Nghệ An 11,6 triệu USD... trong khi đó Đà Nẵng đạt 424,5 triệu USD. Những con số đó minh chứng rằng, môi trường đầu tư ở Đà Nẵng khá hấp dẫn, nguyên nhân do TP luôn biết cách "làm mới mình", tức là luôn cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ. Bà Huỳnh Liên Phương- Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, TP đã thu hút 214 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD. Trong số đó, nhiều dự án lớn, vừa góp phần thay đổi diện mạo TP vừa là minh chứng sống động, nâng tầm thương hiệu Đà Nẵng, tạo sự yên tâm cho nhiều nhà đầu tư mới. Cụ thể như khu Đa Phước (204ha, tổng vốn 250 triệu USD), dự án Blooming Tower của Hàn Quốc (60 triệu USD), dự án Capital Square Complex của Mỹ (325 triệu USD), dự án BĐS và Bến du thuyền Đà Nẵng (175 triệu USD), dự án Hyatt Regency Danang Resort& Spa của Mỹ (116 triệu USD).
Để đáp ứng đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, TP tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng với hàng loạt các công trình trọng điểm. Chẳng hạn xây cảng Liên Chiểu phục vụ trung chuyển hàng hóa quốc tế ở điểm cuối tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây với năng lực 6-7 triệu tấn/năm; nâng cấp sân bay quốc tế với khả năng đón 5 triệu khách/năm vào năm 2015; phát triển khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, làng đại học, khu liên hiệp TDTT Hòa Xuân, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hàng loạt các cầu mới qua sông Hàn... Song song với đó, Đà Nẵng cũng quy hoạch, phát triển đô thị, hình thành các khu đô thị mới từ 500 tới 1.000 ha như khu Tây Bắc, khu Sơn Trà, khu Khuê Trung, khu Cẩm Lệ, khu Ngũ Hành Sơn. Các khu đô thị mới cùng với hạ tầng hiện đại là yếu tố quan trọng đầu tiên để hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT).
Ngoài ra, môi trường văn hóa, hệ thống dịch vụ, nguồn nhân lực... cũng là những lợi thế nhất định để NĐT chọn Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Thành Đô (Hà Nội) chia sẻ, 10 năm trước, ông đã tìm hiểu môi trường đầu tư ở Đà Nẵng, nhưng lại nghĩ xa bản doanh quá đành gác lại. Nhưng giờ đây, trước sức hấp dẫn của Đà Nẵng, ông đã quyết định đổ vào đây hơn 10 ngàn tỷ đồng để xây dựng khu nhà ở cao cấp và resort trên đường Trường Sa. Ông Thành nói: "Không đâu nhanh bằng Đà Nẵng, chỉ 3 tháng chúng tôi đã làm xong hết thủ tục đầu tư để bắt tay vào triển khai dự án". Đã triển khai đầu tư ở nhiều địa phương khác, ông Thành cũng tâm sự rất thật, có những dự án qua mấy đời chủ tịch vẫn không làm xong. Trong khi ở Đà Nẵng, với thủ tục thông thoáng, minh bạch, chính quyền hỗ trợ tối đa nên việc triển khai dự án hầu như không vướng mắc gì. Dự án của ông Thành hiện là một trong các dự án lớn của Đà Nẵng, đang triển khai rất nhanh, tương lai không xa sẽ có một khu nhà ở đẳng cấp thế giới do người Việt làm chủ, thuê người nước ngoài quản lý.
|
Môi trường đầu tư thuận lợi khiến nhiều NĐT nước ngoài đã đổ vốn vào Đà Nẵng (Trong ảnh: Mô hình một dự án BĐS du lịch trên đường Trường Sa đang triển khai).
|
Nhà đầu tư cần gì?
Luôn tự đặt câu hỏi NĐT cần gì để từ đó "làm mới" mình, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của NĐT, đó là cách làm của Đà Nẵng. TS Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP đã tạo nên hai thương hiệu đáng tự hào, đó là 3 năm liền dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. Có được điều đó, ngoài sự chủ động của TP, còn nhờ chính các DN. Sự phản hồi của họ đã thúc bách TP phải liên tục cải tiến mạnh mẽ. TP luôn có trách nhiệm chia sẻ với DN, bởi sự phát triển hay khó khăn của DN cũng là của TP. Có lẽ chính quan điểm cởi mở, sẵn sàng tạo điều kiện, thẳng thắn tiếp thu phản hồi của TP đã tạo nên sự tin tưởng nhất định cho các DN, khiến họ quyết định đầu tư vào Đà Nẵng.
Không thu hút đầu tư mọi giá, quan điểm của Đà Nẵng, đầu tư phải có chọn lọc, có định hướng. Bằng cách đó, chất lượng các dự án đầu tư vào TP luôn vượt trội, đáp ứng các tiêu chí chung về môi trường, quy hoạch, hàm lượng công nghệ... Giám đốc chuỗi nhà hàng Vạn Tuế (Hà Nội), đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng cho biết, đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ cần chuyên nghiệp, dài hạn. Ở các địa phương khác, cơ hội có đất dài hạn để làm dịch vụ rất hiếm, song Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước cấp đất cho làm du lịch lâu dài. "Chúng tôi có tài chính, có nhân lực, rất cần cơ hội để làm dịch vụ một cách ổn định, lâu dài. Đà Nẵng đã đáp ứng được tiêu chí đó vì thế chúng tôi rất yên tâm khi đổ vốn đầu tư tại đây" - vị Giám đốc này chia sẻ.
Theo TS Phùng Tấn Viết, dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp công nghệ cao là hai lĩnh vực TP khuyến khích đầu tư. Việc phát triển dịch vụ chất lượng cao, gồm du lịch, bất động sản, thương mại, y tế, giáo dục, tài chính, vận tải, truyền thông... không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn chung cho các tỉnh miền Trung và các nước trong tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Với công nghiệp công nghệ cao (phần mềm, thiết bị ngoại vi, mạch tổ hợp, vật liệu mới, năng lượng, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp không gian vũ trụ...), Đà Nẵng đã đầu tư vốn 30 triệu USD xây dựng hạ tầng trên diện tích 131ha. "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận, sắp tới sẽ có những dự án lớn của nước ngoài đầu tư về công nghiệp phụ trợ vào khu này"- TS Phùng Tấn Viết tiết lộ. Một hướng khác mà Đà Nẵng cũng rất chú trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của NĐT, đó là đào tạo nhân lực cao. Với 24 trường đại học, cao đẳng, mỗi năm hơn 10 ngàn sinh viên ra vào, NĐT có thể yên tâm về nguồn nhân lực cao phục vụ các dự án của mình.
Với nhiều lợi thế cùng cách làm năng động, Đà Nẵng đã thể hiện sức hút mạnh mẽ với các NĐT, khiến họ yên tâm đổ vốn vào đây, bất chấp những khó khăn, suy thoái về kinh tế trong bối cảnh hiện tại.
Thành Nam
http://www.cadn.com.vn