Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng, các ngân hàng lần lượt tung ra những gói cho vay với lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, khác với những háo hức ban đầu, nhiều khách hàng méo mặt với những cái bẫy tài chính khó lường.
Lập lờ chính sách lãi suất
Nhiều ngân hàng tung ra những gói cho vay tiêu dùng với lãi suất cho vay tháng đầu chỉ 0%, cao hơn cũng chỉ 5-6%. Trên thực tế, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng chênh lệch khá lớn.
Cụ thể, một nhà băng mới đây vừa tung ra gói cho vay tiêu dùng có lãi suất “lùn” là 5,91% trong 25 năm khi mua căn hộ chung cư tại đường Lê Văn Lương. Nhiều người mặc nhiên hiểu rằng, lãi suất 5,91%/năm này sẽ được kéo dài trong 25 năm vay tiền. Nhưng thực chất, con số đó chỉ được áp dụng trong 6 tháng đầu tiên sau khi giải ngân. Nhiều nhân viên tín dụng cố tình lờ đi, không giải thích cho khách hàng. Hệ quả, không ít “thượng đế” đã tá hỏa khi lãi suất sau đó nằm ngoài dự kiến. .
Chị Bích Ngọc (Chùa Láng, Hà Nội) kể, cuối năm ngoái chị thấy một nhà băng quảng cáo có gói cho vay mua xe lãi suất 6%/tháng, chị bàn với ông xã vay tiền sắm một cái để mỗi lần về quê khỏi vất vả. Rinh xế hộp về được một thời gian thì chị mới phát hiện ra lãi suất 6% chỉ áp dụng cho 6 tháng đầu tiên, còn lãi suất những tháng tiếp theo sẽ được tính theo lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ). Tất nhiên, biên độ của những khoản vay ưu đãi thường cao hơn nhiều so với khoản vay thông thường. Vì thế, khách hàng vay ưu đãi nhiều khi còn thiệt hơn vay thông thường.
Khách hàng nên hỏi kĩ nhân viên tín dụng khi vay vốn ngân hàng. |
Không những thế, hiện một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài vẫn đang giữ cách tính lãi suất dựa trên dư nợ ban đầu thay vì dư nợ giảm dần nên dù được quảng cáo là lãi suất cho vay hấp dẫn, song thực tế khách hàng phải chịu mức lãi suất cao hơn rất nhiều, đến 20-25%/năm.
Theo anh Mạnh (nhân viên một công ty xây dựng tại Hà Nội) - một người đã từng khốn khổ vì ham vay gói lãi suất hấp dẫn của ngân hàng - thì phần lớn người dân khi nghe đến vay lãi suất thấp đều hiểu nhầm là lãi suất đó được áp dụng trong toàn bộ thời gian vay. Nhưng thực chất là không phải vậy. Lãi suất thấp chỉ được hỗ trợ trong thời gian ban đầu sau đó sẽ được điều chỉnh theo quy định của ngân hàng. Nếu chưa tìm hiểu kỹ, tốt nhất nên hỏi rõ nhân viên tín dụng và những người đã có kinh nghiệm vay tiền ngân hàng.
Trả trước hạn cũng mất tiền
“Khi làm thủ tục vay ngân hàng, khách hàng phải chú ý thật kĩ hợp đồng vay vốn. Một số thông tin khách cần đặc biệt lưu ý, như yêu cầu nhân viên tín dụng giải thích rõ về thời hạn hợp đồng vay, lãi suất trong từng giai đoạn, tài sản đảm bảo... Điều khoản phạt nếu trả tiền vay trước hạn cũng là thông tin quan trọng mà nhiều khách hàng thường bỏ qua” anh Mạnh nói thêm.
Nhiều khách hàng vui mừng khôn xiết khi cầm một khoản tiền lớn đến ngân hàng để trả hết trước thời hạn mong thoát nợ, đỡ phải lo trả lãi suất hàng tháng. Tuy nhiên, khi tới gặp nhân viên tín dụng, họ mới ngã ngửa: nếu vậy sẽ bị phạt “lãi suất” do không thực hiện đúng hợp đồng.
Phần lớn các ngân hàng TMCP đều tiến hành phạt đối với những khoản vay trả trước hạn, với nhiều cách tính khác nhau; thậm chí có những ngân hàng áp dụng mức phạt rất cao. Số ít nhà băng không thu khoản này.
Chẳng hạn, với các khoản vay thông thường nếu trả nợ trước hạn khách hàng chỉ phải chịu mức phạt là 1% số tiền còn lại thì đối với các khoản vay được ưu đãi lãi suất, mức phạt có thể lên tới 3 đến 4% nhân với số tiền còn lại. Một số khoản vay ngân hàng còn không cho phép khách hàng trả trước hạn trong 3 năm đầu tiên.
Bác Đại (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm ngoái, gia đình có việc nên bác ra ngân hàng gần nhà làm thủ tục vay 450 triệu trong vòng 3 năm. Nhà bác đã trả được một ít. Cách đây mấy hôm, bác mang hơn 300 triệu ra trả nốt để có thể ăn ngon ngủ yên vì tránh được khoản nợ treo lơ lửng trên đầu. Vậy mà khi ra ngân hàng bác mới biết sẽ bị tính thêm một khoản tiền phạt lên đến gần chục triệu. “Nghĩ tự dưng mất chục triệu cũng hơi tiếc, nhưng nếu không trả thì số tiền lãi hàng tháng còn cao hơn nhiều” - bác nói.
Mặc dù vậy, đa phần nhiều nhân viên tư vấn tín dụng ngân hàng lại cố tình mập mờ về khoản tiền phạt này khi nói với khách hàng chỉ phạt tượng trưng nhưng có thể làm đơn xin miễn giảm. Trên thực tế, mức phạt này đã được ghi cụ thể trong hợp đồng, chỉ có điều khách hàng không quan tâm đến.
Thế nên, khi có ý định vay tiêu dùng, khách hàng nên tham khảo thật kĩ hợp đồng và các điều khoản ghi trên hợp đồng về cách thức, cách điều chỉnh lãi suất ra sao, áp dụng như thế nào, có phạt trả trước hay không, mức phí thẩm định tài sản đảm bảo... Đồng thời, nên đàm phán thêm với nhân viên tín dụng về các yêu cầu có lợi cho mình; từ đó, tránh rơi vào tình trạnh “cá nằm trên thớt”, ngân hàng “cầm đằng chuôi”.
Nhị Anh
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Mua nhà, mua thêm cảm xúc!
- Cuộc đua tiện ích triệu đô của các đại gia bất động sản
- Tập đoàn Novaland bắt đầu “khuấy đảo” thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Giấc mơ sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trong tầm tay người Việt
- Công bố 2 dự án quy hoạch mới
- Đại gia ngoại đổ bộ vào bất động sản Việt Nam
- Đầu tư vào thị trường bất động sản: Cuộc đua của sức bền
- Lý do biệt thự siêu sang ở nội đô sôi động trên thị trường
- M&A bất động sản: Xu hướng thâu tóm ngược
- Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng: Hấp dẫn nhà đầu tư do vượt trội về hạ tầng
- Khu nghỉ dưỡng nào ở Việt Nam được chọn để tổ chức lễ trao giải World Travel Awards 2016?
- Đại gia Việt mua căn biệt thự biển đắt kỷ lục 330 tỷ
- Bất động sản Đà Nẵng hấp dẫn giới đầu tư
- Trở thành thành viên RCI cùng Wyndham Soleil Đà Nẵng
- Nhà giống resort ở Đà Nẵng hút hồn trên báo ngoại
- Thị trường căn hộ khách sạn hút khách
- Đà Nẵng có gần 6.000 căn hộ khách sạn
- FDI vào địa ốc sôi động từ nhiều hướng
- Giá đất tái định cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn
- Đại gia địa ốc đua xây 'thiên đường' nghỉ dưỡng