Qua các cuộc làm việc nắm tình hình về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư (TĐC), lãnh đạo UBND thành phố nhận định “mức độ nợ đất TĐC quá dai dẳng” và “không có tỉnh, thành phố nào giống Đà Nẵng khi giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, TĐC cho quá nhiều đơn vị”. Mục tiêu trong năm hoàn thành nhiệm vụ TĐC và xử lý tình trạng nợ đất TĐC khó hoàn thành nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các đơn vị chức năng.
Những động từ mạnh trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ TĐC đã được đưa ra như “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “tích cực”… chưa lay chuyển được tình hình hiện tại. Tính đến tháng 6-2014, thành phố còn 1.369 hộ giải tỏa với 1.719 lô đất TĐC. Trong đó, năm 2011 còn nợ 782 lô đất TĐC; 2012 nợ 564 lô đất; năm 2013 còn nợ 242 lô đất và năm 2014 chưa có đất bố trí TĐC cho 93 hộ giải tỏa với 138 lô đất. Tình trạng nợ đất TĐC đối với hộ giải tỏa diễn ra ở các quận: Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.
Do có nhiều đơn vị quản lý Nhà nước và doanh nghiệp tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng và bố trí TĐC, quản lý quỹ đất TĐC nên thực trạng về quỹ đất luôn nằm ngoài sự kiểm soát và chưa có thông tin báo cáo kịp thời. Chuyển biến mới trong nhiệm vụ bố trí TĐC hiện đang được chuyển về đầu mối thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố. Tuy nhiên, từ đầu mối này tiến độ giao đất TĐC vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Hộ giải tỏa vẫn chậm trễ khi nhận đất TĐC thực tế để làm nhà ở.
Ngày 5-8-2014, lãnh đạo UBND thành phố đã lên chương trình công tác, làm việc trực tiếp với UBND quận Ngũ Hành Sơn để tháo gỡ vướng mắc trong công tác bố trí TĐC. Tuy nhiên, cuộc họp đã hoãn vào giờ chót do thông tin báo cáo về thực trạng quỹ đất TĐC chưa kịp thời. Ngũ Hành Sơn là địa phương dẫn đầu thành phố về tình trạng nợ đất TĐC. Thiếu thông tin cho công tác lãnh đạo đó là xây dựng phương án TĐC, bố trí đất TĐC sau giải tỏa như thế nào, quỹ đất hiện trạng ra sao?...
Nợ đất TĐC hiện nay do nguyên nhân thiếu vốn để hoàn thiện dự án hạ tầng tái định cư, vướng giải phóng mặt bằng; quỹ đất TĐC chưa công khai, minh bạch dẫn đến có dự án thừa, dự án thiếu. Thêm nữa, công tác lập dự án thiết kế ban đầu chưa đánh giá hết quy mô, phạm vi giải tỏa dẫn đến thiếu đất bố trí TĐC. Nhiệm vụ bố trí đất TĐC thiếu vai trò “nhạc trưởng” dẫn đến lúng túng, kéo dài thời gian nợ đất TĐC. Để từng bước khắc phục vướng mắc trong bố trí TĐC, nhiều địa phương đã tích cực hoán đổi vị trí đất TĐC ở những dự án đã có hạ tầng. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao do có sự phân tán trong công tác quản lý quỹ đất, chưa có sự phối hợp thống nhất của đơn vị quản lý dự án với chính quyền địa phương.
Trước tình trạng nợ đất TĐC đối với hộ giải tỏa, UBND thành phố đang xác định hai phương án triển khai. Theo đó, bố trí vốn để khẩn trương hoàn thiện các dự án TĐC đang đầu tư và thực hiện mua đất nền của các dự án phát triển đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, việc mua đất nền từ DN áp dụng cho hộ giải tỏa mới, dự án mới cũng không đơn giản bởi thời gian triển khai kéo dài, thực hiện nhiều quy trình về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý, định giá đất, quy định đối tượng... Giải pháp nhanh hiện nay là bổ sung vốn đầu tư hoàn thiện các dự án là cơ bản kịp thời và cần thiết, bởi hiện các dự án đang triển khai thi công đủ giải quyết áp lực về đất TĐC cho hộ giải tỏa.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để tham gia công tác vận động giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc ở dự án đang triển khai. Mặt khác, tiếp tục rà soát quỹ đất TĐC để có sự điều chuyển bố trí cho hộ giải tỏa. Theo phản ánh của UBND các quận, huyện, việc điều chuyển quỹ đất TĐC sẽ giải quyết nhanh tình trạng nợ đất. Các địa phương cũng khẳng định, quỹ đất TĐC đã hoàn thiện hạ tầng chưa bố trí TĐC còn nhiều. Việc giao đất TĐC chưa được minh bạch, thiếu phương án cụ thể dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Ví dụ, tại quận Cẩm Lệ, có 359 hộ giải tỏa đang cần 399 lô đất TĐC nhưng các đơn vị quản lý quỹ đất TĐC đã bố trí đất TĐC cho 124 trường hợp giải tỏa chưa đúng quy định.
Bức xúc với tình trạng nợ đất TĐC, UBND quận Ngũ Hành Sơn vừa có đề xuất với UBND thành phố yêu cầu công khai quỹ đất TĐC. Việc công khai thực trạng nguồn quỹ đất TĐC đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách là đòi hỏi chính đáng của chính quyền địa phương bởi sẽ trả lời thẳng được câu hỏi “liệu có thừa ảo, thiếu ảo về đất TĐC?”. Trả lời câu hỏi này cũng là cơ sở để có những giải pháp thích hợp để giải quyết dứt điểm về tình trạng nợ đất TĐC hiện nay.
TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Hơn 99% hộ gia đình tại Hà Nội đã có sổ đỏ
- Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?
- Phát triển nhà ở và bất động sản - kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- Nhà mua từ gói 30.000 tỷ đồng, có được phép bán?
- Ngày 25-12, khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn
- Phát triển quận Hải Châu thành đô thị kiểu mẫu hiện đại
- Khung giá “đất vàng” Hà Nội chính thức tăng gấp đôi
- Nhiều loại ôtô được giảm thuế từ 2015
- Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đêm sông Hàn
- Luật nhà ở sửa đổi làm nức lòng giới chuyên gia BĐS
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020
- Đà Nẵng là điểm đến mới thu hút nhất thế giới
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn ao
- Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
- Hơn 500 điểm khuyến mãi phục vụ người dân
- Lo ngại giá đất tăng
- Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nội đô sôi động
- Quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố