(Cadn.com.vn) - Sáng 27-8, lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng đại diện các sở, ban, ngành có buổi làm việc với Q.Cẩm Lệ để rà soát, xử lý nợ bố trí đất tái định cư (TĐC) thực tế đối với hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng các dự án (DA) trên địa bàn quận. Với vai trò chủ trì cuộc họp, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế, kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc nợ đất TĐC của người dân trong diện giải tỏa.
Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2014 - 9h56'
Đồng chí Trần Thọ kiểm tra thực địa việc bố trí đất TĐC cho người dân ở P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ. |
NGHỊCH LÝ CHỖ THỪA CHỖ THIẾU
Báo cáo với lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ cho biết, tính đến ngày 18-8, toàn Q. Cẩm Lệ có 13 DA triển khai xây dựng khu đất TĐC phục vụ cho việc quy hoạch, giải tỏa của thành phố. Tổng số lô đất TĐC theo quy hoạch là 17.425 lô, đã bố trí được 11.351 lô, còn lại 6.076 lô. Trong số lô còn lại, đã có đất thực tế là 3.711 lô gồm: Có quyết định nhưng chưa có phiếu phân lô (846 lô) và chưa có quyết định bố trí (2.856 lô). Về tình hình nợ đất TĐC, toàn quận còn nợ 426 hộ (469 lô): đường 5,5m (404 lô), đường 7,5m (48 lô), đường 10,5m (9 lô) và loại đường khác (8 lô). Cụ thể, tại P. Hòa Xuân, DA khu E2 mở rộng - KDC Nam cầu Cẩm Lệ nợ 246 lô. P.Hòa An, DA khu TĐC Phước Lý 2 nợ 68 lô, DA khu TĐC Phước lý 4 nợ 120 lô. P. Hòa Thọ Tây, DA khu TĐC phục vụ giải tỏa KCN Hòa Cầm nợ 27 lô.
Từ kết quả báo cáo và kiểm tra thực địa, đồng chí Trần Thọ, phê bình khá gay gắt việc Q.Cẩm Lệ còn thừa hàng trăm lô đất TĐC, tập trung nhiều nhất là P.Hòa Xuân. Đồng chí chỉ rõ trách nhiệm này thuộc về Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư thiếu kiểm tra, thẩm định trong việc phê duyệt hồ sơ triển khai xây dựng các DA khu đất TĐC để dẫn đến nghịch lý là có chỗ đất TĐC thừa quá nhiều, để cỏ mọc hoang hóa, trong khi đó có chỗ thiếu đất TĐC bố trí cho người dân vùng giải tỏa, buộc thành phố phải cấp kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà.
Dù đất TĐC ở Q.Cẩm Lệ còn thừa khá nhiều nhưng vẫn có hồ sơ trình lãnh đạo phê duyệt tiếp tục triển khai. Cùng quan điểm này, ông Võ Văn Thương, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng, sở dĩ Q.Cẩm Lệ thừa đất TĐC nhiều là do trước đây các BQL dự án TĐC không trung thực trong việc báo cáo nguồn quỹ đất TĐC. Lúc nào hỏi thì các BQL cũng bảo là thiếu đất, đến bây giờ tổng rà soát thì phát hiện ra hàng trăm lô đất chưa bố trí. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc các lô đất TĐC đường lớn (7,5m và 10,5m và 15m) thừa, nhưng thiếu các lô đường 5,5m. Bởi lẽ, phần lớn các hộ dân thuộc diện giải tỏa trên địa bàn Q.Cẩm Lệ đều tách thửa trước khi công bố quy hoạch nên hầu hết đất TĐC đền bù đều ở đường nhỏ.
SẼ ƯU TIÊN BÁN ĐẤT TĐC CHO CÁN BỘ CNVC
Phát biểu chỉ đạo việc xử lý nợ bố trí đất TĐC trên địa bàn Q.Cẩm Lệ, đồng chí Trần Thọ khẳng định, có 5/13 dự án TĐC còn nợ đất của dân và đề xuất phương án giải quyết. Cụ thể, DA khu E2 mở rộng - KDC Nam cầu Cẩm Lệ nợ 246 lô, sẽ bố trí 31 lô các hộ giải tỏa có nhà ở vào Khu E2 mở rộng giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành hạ tầng trước ngày 15-9. Đối với 215 lô đất nợ còn lại, sẽ có 82 lô đường 5,5m của các hộ giải tỏa, thu hồi đất thổ cư chuyển vào khu D đã có đất thực tế, 133 lô chuyển vào khu E2 mở rộng giai đoạn 1.
DA khu TĐC Phước Lý 2 nợ 68 lô, sẽ có 20 lô được chuyển về khu TĐC Phước Lý liền kề. Với 48 lô còn lại (đường 5,5m và 7,5m) chuyển về bố trí tại DA KDC Hòa Phát 5. DA khu TĐC Phước Lý 4 nợ 120 lô, hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, sẽ giải quyết trong tháng 9-2014. DA TĐC phục vụ giải tỏa KCN Hòa Cầm nợ 27 lô, đồng ý chủ trương hỗ trợ thêm mỗi hộ 20 triệu đồng và vận động người dân đến nhận đất TĐC.
Về nguồn quỹ đất TĐC còn thừa, đồng chí Trần Thọ yêu cầu để dự phòng tiếp tục bố trí cho việc giải tỏa ở P.Hòa Xuân, chuyển mục đích sử dụng đất khuôn viên, số còn lại đề xuất UBND TP Đà Nẵng ưu tiên bán cho cán bộ CNVC giá rẻ hơn thị trường. Nếu không có người mua sẽ tiếp tục bán công khai ra thị trường để tạo nguồn thu cho thành phố.
Để kiểm soát nguồn quỹ đất TĐC chặt chẽ, từ nay giao các đơn vị liên quan đến việc bố trí đất TĐC 10 ngày phải báo cáo 1 lần cho Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, Văn phòng Thành ủy và Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng. Nếu không báo cáo thì giao VP UBND TP Đà Nẵng ra quyết định phê bình, lần 2 ra quyết định đề xuất xử lý. Báo cáo sai ra quyết định cảnh cáo, tái phạm xử lý nghiêm. Giao cho Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng và Văn phòng UBND TP Đà Nẵng xây dựng quy chế quản lý và bố trí đất TĐC.
Đối với hộ dân nhận đất TĐC nộp tiền đất 1 lần phải có sự hỗ trợ theo quy định, còn lại cho nợ. Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ chủ trì cùng với các lực lượng BQL dự án, Ban giải tỏa đền bù mời dân lên công bố công khai, quán triệt chủ trương, vị trí, chế độ, thời gian nhận đất TĐC cụ thể. Cùng dự án, cùng một loại đường thì tổ chức bốc thăm, kết quả không thay đổi để tạo sự công bằng.
Lập tổ công tác do Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ làm tổ trưởng, có trách nhiệm thu tiền tại chỗ, giao đất, cấp sổ đỏ cho dân, không để dân đi lại nhiều lần. Nếu hộ nào không lên nhận đất TĐC thì chỉ định vị trí đất trên sơ đồ, sau này không có quyền khiếu nại. Với các dự án TĐC, nếu đang làm dỡ dang thì tiếp tục. Quá trình triển khai phải lập phương án cân đối, không để thừa quá nhiều. Những dự án TĐC chưa cần thiết, dù đã có kế hoạch cấp vốn thì phải tạm dừng.
Nguyên Thảo
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Tăng thời hạn sử dụng giấy phép lái xe
- Nguy cơ ế vốn tín dụng hỗ trợ bất động sản
- Công bố thành lập Ban Tiếp công dân thành phố
- Xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng
- Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế tại Cộng hòa Algerie dân chủ và nhân dân
- Đề án Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020: Phải rà soát và hoàn thiện các tiểu đề án
- Tiếp tục sử dụng sân Vận động Chi Lăng đến tháng 4/2015
- Dân mong sớm có đất tái định cư
- Dân công sở lại bắt đầu lướt sóng bất động sản
- “Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà”
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Làm rõ cơ chế bảo vệ người mua nhà
- Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
- Nên mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà
- Gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng chợ Hàn, chợ Cồn thành trung tâm thương mại lớn
- Đà Nẵng: Trên 80% hàng hóa tiêu thụ là hàng Việt
- Rủi ro khi mua nhà bằng giấy viết tay
- Luật Đất đai vào cuộc sống
- Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa