Quy định người nước ngoài nhập cảnh là được quyền sở hữu nhà ở đã không còn tại dự thảo luật mới nhất...
Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Quy định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã chặt chẽ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đây là dự thảo luật được các vị đại biểu chuyên trách thảo luận trong sáng 10/9, sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
Qua nhiều phiên thảo luận, chủ trương mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã nhận được sự đồng thuận khá cao.
Song mở đến mức nào, thì vẫn là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo quy định của dự thảo luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2014 thì cả Việt kiều và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được sở hữu nhà ở.
Tại phiên họp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng người nước ngoài về Việt Nam mua nhà để ở, để làm ăn, học tập hay về hẳn Việt Nam tái định cư thì, hoan nghênh, “còn ông vào hai ngày mua cái nhà rồi ông đi thì không có được”.
Một số ý kiến khác cũng băn khoăn với quy định cứ nhập cảnh là được mua nhà tại Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết để bảo đảm chặt chẽ hơn, dự thảo luật trình hội nghị đại biểu chuyên trách đã bổ sung rõ về điều kiện mua nhà ở. Đó là đối với cá nhân nước ngoài thì phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam và giao Chính phủ quy định về số lượng căn hộ chung cư cụ thể trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư để bảo đảm tính linh hoạt cũng như về vấn đề an ninh quốc phòng.
Đồng thời, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền. Cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu vẫn được giữ nguyên.
Còn quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã không còn ở dự thảo luật mới nhất.
So với dự thảo đã trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bảy, dự thảo được đại biểu chuyên trách thảo luận cũng đã có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Liên quan đến quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo luật có thêm quy định: đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu; trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài.
Đồng thời chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 năm 2015/ và sẽ thay thế một số luật, nghị quyết. Trong đó có nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nguyễn Lê
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Dự kiến giảm mạnh phí đăng ký doanh nghiệp
- Lấy ý kiến doanh nghiệp về 2 dự thảo luật
- Chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản
- Cải tạo và nâng cấp 5 bãi tắm nước ngọt dọc biển
- Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Rồng chống ùn tắc giao thông
- Các khách sạn ven biển Đà Nẵng bị cảnh báo về xả thải
- Dân Đà Nẵng lo không trả nổi nợ khi tiền sử dụng đất tính theo giá hiện hành
- Đà Nẵng đề xuất làm hầm qua sân bay để chống ùn tắc
- Cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua nhà đất
- Xuân Thiều sẽ chuyển mình thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp phong cách “Made in Japan”
- Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hostpur muốn đầu tư bến du thuyền tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng công bố quy hoạch năm lối xuống biển qua khu resort
- Xu thế tất yếu
- Đồng thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian công cộng
- Đất nền Đà Nẵng rớt giá, giao dịch ảm đạm
- Xử lý hành chính để thực hiện quyết định thu hồi đất triển khai dự án ở Hòa Xuân
- Hướng dẫn chính sách về nhận quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
- Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau 'sốt' đất
- Nhiều thủ đoạn "thổi" giá bất động sản
- Tập đoàn Ise Foods (Nhật Bản) xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng