(Cadn.com.vn) - Có tin cho rằng giám đốc Cty truyền thông tên V. (trụ sở tại tòa nhà Indochina Đà Nẵng) vỡ nợ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng chưa được công bố vì lý do liên quan đến nhiều cán bộ công chức.
Trong vai người vay tiền, chúng tôi gọi điện đến dịch vụ đáo hạn ngân hàng (NH) đăng trên báo có tên 343 (không để địa chỉ) để tìm hiểu thông tin vay tiền, được chủ dịch vụ chào lãi suất theo 2 mức, nếu khách hàng vay trong khu vực trung tâm thành phố, mức lãi suất là 7%/tháng (tương đương 90%/năm) và vùng ven có mức lãi suất 7,5%. Chúng tôi hỏi vì sao có mức phân biệt lãi suất thì nhận được câu trả lời là phải đi lại thẩm định xa hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về "địa chỉ ở đâu, chị tên gì" để gặp giao dịch và quả nhiên biết được chúng tôi hỏi dò nên bà chủ vội vàng cúp máy.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt tín dụng đen. Ảnh: X.Đ |
Thực tế, tại các dịch vụ tín dụng đen, mỗi nơi một mức lãi suất, không có “trần hay sàn lãi suất” nào cả, mà hoàn toàn “thuận mua vừa bán”. Lãi suất “hữu nghị” chỉ 0,15% một ngày, tương ứng 4,5% một tháng, 54% một năm cho các khoản vay ngắn hạn. Một số trường hợp, như anh Q. (trú Q. Hải Châu) kể: “Cách đây 5 ngày, gia đình tôi cần gấp một khoản tiền 500 triệu đồng. Tôi làm hồ sơ vay NH nhưng không được đành quyết định nhờ anh T. (một chủ khách sạn vừa là một “cò đất” có tiếng tại Đà Nẵng), vốn là chỗ thân quen đi vay ngoài với giá 5 ngàn/1 triệu/ngày”. Thoạt nghe, có vẻ 5.000 đồng chỉ là bạc lẻ, tuy nhiên quy đổi % sẽ thấy nó thật kinh khủng - tương đương với 180%/ năm, cao gấp gần 10 lần lãi suất chính thức của bất kỳ NH nào.
* Hé lộ một vụ vỡ nợ lớn tại Đà Nẵng
Hiện nay, tại Đà Nẵng, theo thông tin từ một số người bị hại (chủ nợ) và dư luận đang bàn tán vụ vỡ nợ của một giám đốc công ty truyền thông tên V. (trụ sở công ty tại tòa nhà Indochina Đà Nẵng) với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng chưa được công bố vì lý do liên quan đến nhiều cán bộ công chức. Đến nay, đã có một số chủ nợ hàng tỷ đồng đã làm đơn kiện ra tòa án để đòi lại số tiền hàng tỷ đồng. Anh M., một cán bộ công chức hé lộ, do biết V. từ năm 2007, ăn nên làm ra, có tài ăn nói, có quan hệ với nhiều người quan trọng trong các vụ làm ăn liên quan đến đất đai, dự án.
Do đó tin tưởng nên năm 2009, anh M. lấy sổ đỏ của mình vay 3 tỷ đồng đem cho V. vay, nhưng đến khi V. vỡ nợ đã rời khỏi địa phương từ mấy tháng nay, điện thoại không liên lạc được, anh M. buộc phải trả 60 triệu tiền lãi mỗi tháng, chưa kể liên tục bị ngân hàng gọi điện đòi tiền. Ngoài anh M. ra thì còn nhiều chủ nợ cũng đang ngồi trên đống lửa, khi biết tin giám đốc V. bỏ trốn. Chúng tôi đang điều tra để tiếp tục cung cấp thông tin cho bạn đọc.
X.Đ
|
Chị M. (Q. Hải Châu), một doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, đồng thời là một người từng tham gia “tín dụng đen” kể: “Tôi có 3 sổ tiết kiệm, mỗi sổ tương ứng 1 tỷ đồng. Khi thị trường chứng khoán và bất động sản đóng băng, tôi tham gia vào dịch vụ cho mượn tiền để đáo hạn NH (thực chất là “tín dụng đen” - PV). Mỗi khi khách hàng cần vay tiền đáo hạn NH hoặc thanh toán các khoản vay cần thiết, tôi cầm sổ tiết kiệm đến các NH để thế chấp cho NH làm thủ tục đáo hạn cho người vay tiền. Cứ xong một vụ đáo hạn (thường khoảng 7 - 10 ngày), người vay phải trả cho tôi 2 chấm (tức 1 tỷ thì có 20 triệu đồng, tương đương 6%/tháng – P.V). Nếu có khách hàng đáo hạn thường xuyên hàng tháng thì tôi kiếm được trăm triệu đồng”! Chị M. cho biết, muốn làm lĩnh vực này phải có quan hệ uy tín với các ngân hàng, các mối cầm cố thế chấp tài sản, thậm chí bất chấp những rủi ro...
Vào thời điểm cuối năm các NH bắt đầu thu hồi nợ nhằm đạt chỉ tiêu lợi nhuận, giảm tình trạng nợ xấu, đồng thời đảm bảo quy định của NHNN là giảm dư nợ phi sản xuất đến ngày 31-12 xuống còn 16%. Trong bối cảnh khó khăn này, người dân và doanh nghiệp không những không tìm được khoản vay mà nhiều người còn bị bắt buộc phải trả nợ, đáo hạn. Thực tế đó đưa họ vào sự lựa chọn gần như duy nhất (và nhanh nhất) hiện nay - tìm đến “tín dụng đen”. Thực tế trên địa bàn cả nước đã xuất hiện những vụ vỡ nợ quy mô “nghìn tỷ”. Dường như đó chính là dấu hiệu về sức mạnh tiềm tàng mà nguy hiểm của tín dụng đen. Nhiều người có trách nhiệm tin rằng, với “tín dụng đen”, hiện nay đã không còn là lúc hô hào, cảnh báo nữa mà các cơ quan chức năng phải vào cuộc, áp dụng các biện pháp tích cực để ngăn chặn các hậu quả xấu có thể xảy ra.
Xuân Đương
Các bản tin khác
- Nghỉ dưỡng giữa lòng thành phố
- Thu hồi toàn bộ nhà, đất tại khu tập thể 57 Hùng Vương, phường Hải Châu 1
- Đấu giá cho thuê sử dụng đất đối với nhiều lô đất có diện tích lớn
- Việt kiều có được mua nhà ở tại Việt Nam?
- STDA ký kết hợp tác chiến lược tại miền Trung
- Cuộc chơi condotel
- Cái gì cũng tăng giá: Nhà đất bắt đầu sốt
- Có tiền mua chung cư hay đất nền?
- Giá đất tái định cư hộ chính các khu TĐC trên địa bàn quận Liên Chiểu
- Sun Group vào top 10 chủ đầu tư hàng đầu Việt Nam
- Sẽ có gói 300 - 400 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội
- Ngày 24-5, thông tuyến nhánh 4 trục I Tây Bắc
- Bán nhà ‘trên giấy’, Bitexco bị phạt 150 triệu đồng
- Mua nhà cũ với 3 lưu ý tuyệt đối không thể bỏ qua
- 6 lưu ý khi công chứng nhà, đất
- Xếp hàng mua nhà ở sinh thái tại Đà Nẵng
- M&A bất động sản: Thay đổi tích cực trong cơ cấu pháp lý
- Mời giao lưu trực tuyến về công chứng, chứng thực hợp đồng nhà, đất
- Lễ cất nóc chung cư và tri ân khách hàng ở dự án F. Home Đà Nẵng
- Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc là "thiên đường nghỉ dưỡng mới" tại Việt Nam