Theo dự thảo thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, các ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn (khách hàng đại chúng có thu nhập trung bình, thấp, chưa có lịch sử tín dụng, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng...) phải lập công ty tài chính.
Nếu dự thảo được thông qua, hàng loạt công ty tài chính sẽ được thành lập và cuộc cạnh tranh cho vay tiêu dùng chắc chắn sẽ mang lợi ích lớn cho người vay.
Thực tế hiện nay, cho vay ở thị trường ngách với món vay nhỏ từ vài triệu đồng... hầu như nằm trong tay các công ty tài chính. Nhưng số lượng và tiềm lực của các công ty này còn rất hạn chế so với nhu cầu. Cung ít, cầu nhiều nên lãi vay tiêu dùng bị đẩy lên rất cao, từ 36 - 70%/năm tùy khoản vay. Thậm chí, nếu cộng thêm các loại phí, không ít khoản vay có mức lãi lên đến 100%/năm. Biết lãi suất "cắt cổ" nhưng những người nghèo, học sinh - sinh viên, những người không có tài sản thế chấp vẫn phải "nghiến răng" chấp nhận vì họ không còn lựa chọn nào khác. Thế nhưng lãi vay "một mình một chợ" này sẽ giảm mạnh và chấm dứt khi thị trường bùng nổ công ty tài chính để đáp ứng yêu cầu từ dự thảo nói trên. Bởi để giữ và mở rộng thị phần, vũ khí hiệu quả nhất của các công ty tài chính là cạnh tranh giảm lãi vay, hồ sơ thủ tục nhanh gọn, thuận tiện. Khi đó, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi.
Thực ra cuộc cạnh tranh này đã được "châm ngòi" khi hệ thống ngân hàng (NH) rơi vào cảnh tắc các gói tín dụng lớn cho đối tượng khách vay truyền thống là các doanh nghiệp. Nợ xấu, rồi hoạt động kinh doanh khó khăn, phía NH cũng ngại rủi ro khiến nhu cầu về vốn trong nền kinh tế giảm mạnh. Hệ thống tín dụng rơi vào cảnh ế vốn kéo dài, buộc họ phải cơ cấu lại chiến lược hoạt động của mình, trong đó cho vay tiêu dùng được đẩy mạnh, thậm chí là lối thoát với nhiều NH. Có thể nhận thấy rất rõ thời gian qua, nhiều NH đã chủ động mua lại hoặc liên kết với các công ty tài chính để đẩy mạnh nghiệp vụ này. Lãi vay tiêu dùng nhờ đó cũng giảm một phần dù mức giảm chưa thực sự thuyết phục. Nhưng khi thị trường tài chính được bổ sung một nguồn vốn lớn từ hệ thống NH thông qua việc thành lập các công ty tài chính, áp lực giảm lãi vay chắc chắn sẽ cực lớn.
Không chỉ thế, quy định này cũng áp lực các công ty tài chính đang hoạt động hiện nay phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn. Trước đó, đã xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp giữa khách hàng và công ty tài chính trong việc mập mờ lãi suất, áp dụng nhiều loại phí vô lý, thậm chí cả cách hành xử trong giao dịch vay - trả nợ...
Nhiều người vẫn lo ngại sự ra đời của quá nhiều công ty tài chính sẽ kéo theo nhiều vấn đề, nhưng thực tế đây chỉ hợp pháp và chuyên nghiệp hóa một nghiệp vụ mà họ vẫn đang thực hiện. Vì thế, có thể nói, sự bùng nổ này là cần thiết bởi nó tạo ra một sân chơi thực sự cạnh tranh mà người vay sẽ được hưởng lợi.
Nguyên Khanh
Theo Báo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Đà Nẵng "ghi điểm" nhờ tỷ phú thế giới "đổ bộ"
- Lộ diện các diễn giả ở hội nghị “bí ẩn” tại Đà Nẵng
- Bộ trưởng Xây dựng: 'Thị trường bất động sản còn rất khó khăn'
- Hội nghị 'bí ẩn' tại Đà Nẵng của các đại gia quốc tế
- Thuế TNCN chuyển nhượng bất động sản: Vẫn còn vướng mắc
- Giá đất tái định cư một số dự án trên địa bàn thành phố
- BĐS Đà Nẵng: Nhà phố đang "ngược dòng"
- Sửa đổi Luật Công chứng: Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng
- Giải ngân hơn 220 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
- Hủy quy hoạch xây dựng nhiều tuyến đường ở quận Ngũ Hành Sơn
- Chủ đất cũ “làm khó” khi sang tên
- Kiến nghị cho thế chấp bất động sản ở ngân hàng nước ngoài
- Điều chỉnh, thẩm định một số đồ án
- Xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật
- Nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ
- Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số công lý
- DỰ ÁN MỞ RỘNG TRƯỜNG ĐH THỂ DỤC THỂ THAO ĐÀ NẴNG Giải quyết nợ đất tái định cư
- Gỡ khó cho bất động sản từ gói 30.000 tỷ đồng
- Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng bảo vệ thành công Đề tài khoa học cấp cơ sở
- 600.000 “sổ đỏ” đã ký chưa có người nhận