(Cadn.com.vn) - Hàng loạt vụ vỡ nợ tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An... quy mô hàng ngàn tỷ đồng đã bị phanh phui và có thể chưa dừng lại ở đó. Hiện tượng vỡ nợ hàng loạt bỗng chốc trở nên nóng hơn bao giờ hết và trở thành những câu chuyện nóng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Dư luận dành cho chủ đề này một sự quan tâm đặc biệt và đưa nó vào tận mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tại Đà Nẵng, "tín dụng đen" cũng đã bắt đầu hoành hành và đã xuất hiện tâm lý lo lắng dây chuyền. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng trao đổi với Luật sư (LS) Đỗ Pháp – Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp về một số vấn đề nổi cộm hiện nay.
|
|
|
|
|
|
Luật sư Đỗ Pháp
|
|
|
P.V: Theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu xảy ra các vụ vỡ nợ tín dụng đen vừa qua?
LS Đỗ Pháp: “Tín dụng đen” là dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. “Tín dụng đen” có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các ngân hàng dẫn đến vỡ nợ hàng loạt ở một số địa phương. Do đó, các vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất: Người cho vay ham lãi suất cao. Trong bối cảnh các kênh đầu tư vào bất động sản, vàng, chứng khoán không có hiệu quả thì đồng tiền nhàn rỗi của người dân “quăng” vào “tín dụng đen” để được hưởng lãi 5.000 - 7.000 đồng/1 triệu đồng/ ngày (tức hơn 15% một tháng) là mức lãi suất “khủng” có sức hấp dẫn khó cưỡng.
Thứ hai: Thiếu thông tin về người đi vay, có trường hợp không nhất thiết phải biết nhiều thông tin về người đi vay chủ yếu là lần đầu tiên trả nợ đúng hẹn là lần sau dễ dàng vay tiếp.
Thứ ba: Người cho vay không có chức năng nhận thế chấp khi cho vay nhưng thông thường để giữ niềm tin, uy tín người đi vay cũng giao giấy tờ nhà đất đứng tên mình hoặc của người khác cho người vay giữ. Khi quan hệ về vay mượn xảy ra sự cố thì việc xử lý tài sản này là bất khả thi (vì việc vay mượn không lập thành hợp đồng có công chứng, chứng thực).
Thứ tư: Tâm lý của người cho vay là nhìn mặt đặt tên, thấy người đi vay có bề ngoài sang trọng, giàu có thì dễ dàng tin tưởng mà cho vay với số tiền lớn. Hầu hết, người vay không có phương án kinh doanh hiệu quả để trả vốn lẫn lãi mà chỉ chạy chỗ này lấp chỗ kia.
Thứ năm: Ngân hàng tăng lãi suất và hạn chế cho vay thế chấp đối với nhà đất nên người đi vay không có vốn làm ăn và trả nợ cũ dẫn đến trường hợp mất khả năng thanh toán phải tìm đến tín dụng đen. Tuy nhiên, không loại trừ một số ngân hàng bắt tay với tín dụng đen để hưởng chênh lệch.
Thứ sáu: Thiếu tỉnh táo và thiếu hiểu biết pháp luật. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đồng tiền đang mất giá như hiện nay thì chỉ cần tỉnh táo một chút thôi cũng có thể nhận biết việc người vay tiền kinh doanh cái gì mà kiếm ra lợi nhuận khổng lồ đến vậy để trả lãi quá cao cho người cho vay...
P.V: Người cho vay có bị mất tiền và người đi vay có phải trả khi xảy ra vụ vỡ nợ?
LS Đỗ Pháp: Mất tiền là cơ bản nhất. Khi xảy ra những vụ vỡ nợ không phải trường hợp nào người cho vay cũng trở thành người bị hại. Nếu có dấu hiệu hình sự thì người đi vay mới bị khởi tố vụ án hình sự, người cho vay trở thành người bị hại. Hậu quả pháp lý của trường hợp này thường là người đi vay bị đi tù và thông thường thì không còn tiền để trả lại cho người bị hại tức người cho vay tiền. Nếu không có dấu hiệu hình sự thì người cho vay chỉ có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để đòi nợ. Hậu quả pháp lý của trường hợp này là người đi kiện thường thắng kiện nhưng lại không nhận được tiền theo bản án, quyết định của tòa vì người đi vay (tức bị đơn) không có khả năng thi hành án. Ngoài ra, người cho vay cũng bị ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình vì bị cho là cho vay nặng lãi, dễ bị dụ dỗ, dễ bị lừa... Cơ hội lấy lại tài sản của bị hại là rất nhỏ vì chỉ trông vào số tài sản cơ quan điều tra thu giữ được. Ví dụ, vụ vỡ nợ lên đến 100 tỷ đồng nhưng nhà chức trách chỉ thu được 50 tỷ đồng thì số tiền 50 tỷ đồng sẽ phải chia cho các bị hại theo tỷ lệ cho vay. Số còn lại, về lý thuyết thì người vay có nghĩa vụ sẽ phải tiếp tục hoàn trả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bắt chủ nợ tiếp tục đứng ra trả, trong khi tài sản đã bị tịch thu hết thì khả năng trả nợ tiếp của họ gần như là không có.
Đến nay theo tôi được biết, chưa một người nào tham gia vào tín dụng đen mà thành công trên thương trường. Do vậy có thể khẳng định, “tín dụng đen” đem lại rủi ro lớn cho cả người cho vay, đi vay và gây bất ổn cho toàn xã hội.
P.V: Người dân cần phải cảnh giác như thế nào trong tình trạng hiện nay?
LS Đỗ Pháp: Hạn chế việc cho vay với lãi suất cao; tìm hiểu thông tin về người đi vay trước khi cho vay; khi hết hạn mà người vay không trả được nợ thì cần cân nhắc để thu hồi vốn và không cho vay nữa; nắm bắt thông tin về thị trường nếu cho người vay là người đầu tư kinh doanh bất động sản; việc vay mượn nên tuân thủ các quy định của pháp luật.
* Số báo ra ngày 9-11, có bài viết về “Kinh hoàng tín dụng đen” đăng ý kiến phát biểu của ông Võ Minh- Giám đốc NHNN TP Đà Nẵng với nội dung “một số ngân hàng có thể bắt tay với dịch vụ tín dụng đen làm lũng đoạn thị trường”, là không chính xác. Thực tế ông Võ Minh nói: “Có một số cán bộ ngân hàng đang bắt tay với tín dụng đen để làm lũng đoạn thị trường”. Thành thật cáo lỗi ông Võ Minh và bạn đọc.
|
Tuy nhiên, hãy cảnh giác với hiệu ứng của hiện tượng vỡ nợ hàng loạt này để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Người dân cần thận trọng và tránh bị tâm lý số đông chi phối mà mất tỉnh táo, cảnh giác, đẩy con nợ vào thế đường cùng, bị bí bách mà gây thiệt hại đến người cho vay, người đi vay và cho xã hội. Quan hệ vay – cho vay trong nhân dân đang rất phổ biến, nên các nhà chức trách cần có những biện pháp cụ thể để định hướng dư luận, kịp thời điều tra và đưa ra ánh sáng những kẻ lừa đảo để xử lý nghiêm minh. Người dân không nên tự ý manh động hoặc có những biểu hiện trái pháp luật để xiết nợ nếu không bản thân cũng sẽ bị vướng vào vòng lao lý.
Đặc biệt, NHNN và các cơ quan chức năng cũng cần có sự quan tâm đúng mức hơn đến xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm của tín dụng đen.
P.V: Xin cảm ơn luật sư!
Xuân Đương
Các bản tin khác