(Chinhphu.vn) – Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực Bất động sản (BĐS) tiếp tục tăng, giao dịch tăng, tồn kho giảm là cơ sở lạc quan cho sự khởi sắc của thị trường BĐS trong những tháng cuối năm.
Dòng vốn FDI đổ vào BĐS liên tục tăng
Số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ đầu năm 2014, đặc biệt là những tháng gần đây dòng vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực Bất động sản (BĐS) của nước ta liên tục có sự tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Số dự án đầu tư đăng ký mới cũng không ngừng tăng lên.
Cụ thể, nếu trong tháng 6 năm 2014 lĩnh vực BĐS chỉ đứng vị trí thứ 3 trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 16 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 693,2 triệu USD. Con số này trong tháng 7 là 20 dự án đầu tư đăng ký mới với 1,13 tỷ USD vốn đầu tư, 23 dự án đầu tư đăng ký mới với 1,15 tỷ USD trong tháng 8 và trong tháng 9 này là 27 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 1,2 tỷ USD.
Từ vị trí thứ 3 trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 6, trong 3 tháng liên tục trở lại đây, lĩnh vực BĐS đã chiếm lĩnh vị trí thứ 2 về thu hút FDI, chỉ sau lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong 7 tháng đầu năm, đã có 21,4 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực BĐS, các dự án xây dựng khu đô thị cao cấp và văn phòng cho thuê vẫn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại với khoảng 13 tỷ USD được đầu tư. Gần 8,3 tỷ USD đầu tư vào khách sạn, du lịch và số còn lại dành cho xây dựng hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp.
Đáng chú ý, nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư hàng tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Ví dụ như: Dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, đô thị cao cấp Hồ Tràm của tập đoàn Asian Coast Development Ltd (Canada) trên 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Dự án khu đô thị đại học của tập đoàn Berjaya Leisure (Malaysia ) 3,4 tỷ USD tại TP Hồ Chí Minh và dự án xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf, căn hộ cho thuê tại Kiên Giang của Tập đoàn Starbay Holding Ltd. (B.V.Island) với số vốn gần 1,65 tỷ USD.
Điều này cho thấy thị trường BĐS Việt Nam vẫn có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài và đây là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Việt Nam.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng và các địa phương phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát và phân bổ nguồn vốn trong lĩnh vực bất động sản để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của nền kinh tế và phù hợp quy hoạch phát triển”, TTXVN đã dẫn lời ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Giao dịch sẽ sôi động hơn ở những tháng cuối năm?
Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy lượng giao dịch BĐS thành công tăng liên tiếp trong 7 tháng đầu năm 2014. Trong đó riêng Hà Nội có khoảng 5.100 giao dịch thành công tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2013, con số này tại TP Hồ Chí Minh là 4.500 giao dịch, tăng 30% so với cùng kỳ.
Dự án căn hộ cao cấp Royal City có nhiều căn hộ được bán trong tháng 8. Ảnh VGP Quang Hiếu |
Với đà tăng trưởng này, các chuyên gia dự báo thị trường BĐS sẽ trở nên sôi động hơn với nhiều giao dịch thành công hơn trong những tháng cuối năm – thời điểm mà nhiều dự án của các nhà đầu tư đồng loạt mở bán để đón dòng tiền cuối năm khi nhu cầu giao dịch của người dân cũng sẽ tăng mạnh ở thời gian này.
Theo thống kê chưa đầy đủ tại các sàn giao dịch BĐS, trong tháng 8/2014 có khoảng 1.000 căn hộ từ các dự án thuộc các phân khúc khác nhau của Hà Nội được mở bán, nâng tổng nguồn cung căn hộ tính đến hết tháng 8 lên 8.600 căn.
Đại diện phòng kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera ra cho biết, trong tháng 8, tình hình giao dịch căn hộ giá rẻ không hề bị ảnh hưởng bởi tâm lý "tháng ngâu", thậm chí, lượng giao dịch thành công còn vượt qua con số dự kiến. Đây là sự khác biệt với thị trường BĐS cùng kỳ nhiều năm trước.
Không chỉ tại phân khúc căn hộ trung bình, trong quý III/2014, thị trường BĐS Hà Nội cũng ghi nhận những chuyển động tích cực hơn từ phân khúc căn hộ cao cấp. Cụ thể như các dự án Starcity Lê Văn Lương, Diamond Flower Tower có tới 70% sản phẩm được giao dịch thành công ngay trong đợt mở bán đầu tiên.
Tại những dự án căn hộ cao cấp đã hoặc sắp được hoàn thiện như GoldWest, Mandarin hiện chỉ còn khoảng 30% sản phẩm qua đợt đầu "bung hàng", dự án Starcity Lê Văn Lương hiện chỉ còn chưa đến 20 căn hộ. Hai dự án cao cấp Royal City và Time City do Tập doàn VinGroup làm chủ đầu tư đều được đánh giá bán tốt trong tháng 8. Riêng dự án Royal City bán được vài trăm căn hộ trong thời gian này.
Toàn Thắng
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Các bản tin khác
- Mua nhà bằng hợp đồng vay vốn: Khách hàng tự "thả gà ra đuổi"
- Khai trương Công viên APEC tại Đà Nẵng
- Không chỉ cảnh đẹp, đây mới là điều khiến Ba Na Hills ngày càng hấp dẫn
- Những lưu ý khi mua đất nằm trong diện quy hoạch
- Hé lộ siêu dự án “một bước tới biển” ở Tây Bắc Đà Nẵng
- APEC 2017: Thương hiệu Đà Nẵng đang ghi dấu ấn trên toàn cầu
- Động lực bùng nổ lợi nhuận ngân hàng 2017
- Công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng
- Nhiều dự án ven sông Cổ Cò tiếp tục hút khách
- 1.800 tỉ đồng cho dự án tháp đôi Movenpick Hotels & Residences Risemount Apartment Da Nang
- Những rắc rối khó lường khi mua đất chung sổ đỏ
- Những lưu ý khi đầu tư condotel Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng và xu hướng rời phố về ven đô
- Thị trường bất động sản Nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ cuối: Địa điểm đáng để đầu tư)
- Chỉ có 15 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Thị trường bất động sản nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ 1: Điểm đến lý tưởng)
- Lợi thế bất động sản ven đô Đà Nẵng
- Trước thềm APEC, dòng vốn 35.000 tỷ lan tỏa tới thị trường địa ốc Đà Nẵng
- Không thể chậm trễ!
- Đại gia mới xuất hiện: Cuộc đổi vận ngàn tỷ ở Đà Nẵng