Hơn 5 năm nay, người dân ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu phải sống trong cảnh lụt lội, nhà cửa bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa, bởi nhà nằm trên phần đất “dính” quy hoạch.
Mùa mưa đã cận kề nhưng đơn vị thi công mới chỉ thi công được phần nhỏ của hệ thống mương thoát nước tại dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2).
Mưa là ngập nặng
Theo phản ánh của các hộ dân thuộc tổ 32, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), đã nhiều năm nay họ phải sống trong khổ sở vì nằm trong vùng quy hoạch “treo” quá lâu của dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2).
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh ở cuối tuyến đường Đàm Quang Trung thuộc tổ 32, phường Hòa Hiệp Nam có diện tích chưa đầy 50m2 vừa là nơi kinh doanh tạp hóa, vừa là nơi sinh sống của cả gia đình, đã bị rạn nứt nhưng lại không được phép sửa chữa chỉ vì hai chữ “quy hoạch”. Ông Mạnh bức xúc: “Đã nhiều năm nay, cuộc sống gia đình luôn bị xáo trộn vì toàn bộ nhà cửa nằm trong quy hoạch của dự án “treo” kéo dài.
Cứ mỗi khi mùa mưa đến, cả gia đình lại lo sốt vó vì phải sống trong cảnh ngập lụt, hôi thối. Nhà cửa vừa chật chội, lại xuống cấp, ẩm thấp, tường vôi tróc lở, nứt ngang nứt dọc mà không dám gia cố sửa chữa, trong khu này hễ nhà ai sửa chữa là bị phạt liền. Dân ở đây sợ nhất là vào mùa mưa, mong sao giải tỏa di dời sớm đi cho rồi”.
Cùng nỗi bức xúc, bà Sáu cho biết: “Những căn nhà xây sau làm nền cao còn đỡ, còn những căn nhà xây trước, nếu vào mùa mưa có lúc bị ngập sâu đến cả mét giống như sống trong vùng lũ. Hít phải mùi nước hôi thối nên ở đây ai cũng mắc các chứng bệnh đau đầu, sổ mũi, viêm họng…”.
Bà Sáu cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt vào mùa mưa là do khu vực này quy hoạch “treo” quá lâu, hơn nữa mấy năm nay ao hồ, ruộng đồng, cống rãnh nơi đây bị san lấp hết để làm dự án đô thị nên mỗi lần có mưa to, nước không có đường thoát, gây ngập kéo dài làm cho đường sá khu phố hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều lần người dân nơi đây còn tự bỏ tiền nâng cấp hệ thống đường sá nhưng do nước ngập đọng lâu ngày nên phần lớn đường lại hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng.
Điều chỉnh quy hoạch rồi để đó?
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mạnh, năm 2009, khu vực này được quy hoạch di dời hết gần 70 hộ dân; thậm chí một một số hộ dân ở đây cũng đã ứng trước tiền đền bù đất đai, nhà cửa lên đến 80%, thế nhưng chờ mãi từ năm này qua năm khác vẫn chưa có thông báo di dời. “Cách đây vài năm, sau khi khu vực này công bố quy hoạch làm dự án, các ngành chức năng của thành phố cũng đến đo đạc, áp giá đền bù. Gia đình tôi cũng đã ứng tiền đền bù của Nhà nước hơn 200 triệu đồng, thế nhưng chờ hoài mà chẳng thấy chính quyền thông báo di dời gì cả.
Tiền ứng đền bù đã sắm sửa, chi tiêu gần cạn, thì đùng một cái, đến tháng 6-2014, chính quyền địa phương thông báo cho gần 70 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2) đến phường để nghe Ban Quản lý dự án hạ tầng giao thông đô thị (DAHTGTĐT) công bố thay đổi quy hoạch. Bây giờ không biết nhà bị di dời hẳn hay quy hoạch một phần. Nếu quy hoạch một phần nhà thì không biết gia đình tôi chạy đâu ra tiền để trả lại Nhà nước”, ông Mạnh lo lắng.
Cũng theo phản ánh của người dân sống dọc bên tuyến đường Đàm Quang Trung, tổ 32, phường Hòa Hiệp Nam, do khu vực này thay đổi quy hoạch liên tục nên người dân rất sốt ruột, chẳng biết lúc nào mới di dời, hay chỉ thay đổi quy hoạch rồi để đó. Mong muốn lớn nhất của các hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2) là mong sao dự án sớm triển khai để cuộc sống của người dân ổn định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Duy Du, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cũng tỏ ra sốt ruột vì dự án chậm triển khai, làm đảo lộn cuộc sống của người dân nằm trong vùng ảnh hưởng quy hoạch của dự án. Ông Du cho biết, cách đây vài tháng, Ban Quản lý DAHTGTĐT cũng đã công bố cho người dân biết về điều chỉnh quy hoạch của dự án này. Theo đó, Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2) đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Theo đồ án quy hoạch, dự án trên sẽ được điều chỉnh giữ lại chỉnh trang khu vực có mật độ dân cư đông; đồng thời quy hoạch tuyến kênh thoát nước, hồ điều tiết chống ngập úng cho khu vực phía Đông Bắc đường Đàm Quang Trung. Tại thời điểm công bố điều chỉnh quy hoạch, lãnh đạo Ban Quản lý DAHTGTĐT cũng cam kết sẽ triển khai xây dựng tuyến kênh thoát nước, nâng cấp tuyến đường Đàm Quang Trung, xây dựng hồ điều tiết chống ngập tại khu vực đã được quy hoạch trước mùa mưa bão năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện đo đạc, áp giá đền bù cho người dân vẫn chưa được tiến hành mà đơn vị thi công mới chỉ thi công được phần nhỏ của hệ thống mương thoát nước.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)