(TNO) Sáng nay 30.9, tại trụ sở UBND huyện Tuy Phong, Bình Thuận, chính quyền huyện Tuy Phong tổ chức buổi gặp gỡ và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho vợ chồng ông bà Kurt Lender Jensen và Tiêu Thị Ngọc Sang.
|
Buổi gặp gỡ do bà Phạm Thị Mỹ Loan - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong chủ trì, với sự có mặt của các phòng chức năng như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện cấp ủy chính quyền xã Chí Công, nơi vợ chồng ông bà Sang đang cư trú.
Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho vợ chồng bà Sang có diện tích 12.150 m2, nằm ven quốc lộ 1, thuộc thôn Thanh Lương, xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Thời gian sử dụng mảnh đất này từ ngày ký cho đến năm 2064 (thời hạn 50 năm).
Theo chính quyền xã Chí Công, diện tích đất được cấp sổ của vợ chồng bà Sang mua lại của người dân địa phương bằng giấy tay. Hiện nay trên diện tích đất này, ông bà Sang đã xây dựng những căn nhà nhỏ và các công trình phụ trợ khác nhưng chưa có giấy phép xây dựng.
Bà Phạm Thị Mỹ Loan cho biết, từ nay vợ chồng ông bà Sang như một người dân địa phương vì đã có đất, có nhà được chứng nhận chủ quyền.
Tuy nhiên, kể từ nay nếu muốn xây dựng các công trình trên đất, ông bà Sang phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp trồng cây lâu năm sang đất thổ cư.
Cũng trong sáng nay, Huyện đoàn Tuy Phong ra quân làm hàng rào toàn bộ khu đất cho vợ chồng ông bà Sang. Hơn 30 thanh niên tình nguyện trực tiếp giúp đặt trụ bê tông và dùng dây thép gai bao quanh.
Chị Nguyễn Nữ Thanh Loan, Bí thư Huyện đoàn Tuy Phong cho biết, dù ông bà mới đến cư trú tại địa phương hơn một năm nay, nhưng chúng tôi quyết định vận động đoàn viên thanh niên đóng góp tiền và công sức tự đúc trụ xi măng, rồi mua dây thép gai đem đến làm hàng rào giúp cho ông bà. Số tiền làm hàng rào cho ông bà chỉ khoảng 50 triệu đồng, không thấm thía gì với công sức mà ông Kurt Lender Jensen đã bỏ ra giúp đỡ bà con vùng khó khăn. Nhưng chúng tôi cũng thấy vui vì việc làm ý nghĩa này.
|
Đổi thay rất nhiều!
Cầm quyển sổ đỏ trên tay mang tên mình, bà Sang vui vẻ cám ơn các thành viên trong buổi gặp gỡ. Còn ông Kurt thì đi bắt tay từng người, rồi nói “cám ơn, cám ơn nhé”. Ngay sau buổi gặp gỡ tại UBND huyện Tuy Phong, xe của huyện đưa ông bà về nhà.
Hơn 10 giờ trưa, dưới cái nắng Tuy Phong như đổ lửa, ông Kurt xắn tay áo ra vườn cùng các thanh niên tình nguyện chôn trụ rào, kéo dây thép gai. Ông chỉ nói được vài câu thông thường tiếng Việt, nhưng ông luôn nói lời cám ơn các bạn trẻ, trên môi luôn nở nụ cười.
Còn bà Sang thì lại vào bếp. Bà làm món bún bò Huế để ăn mừng vì đã được cấp sổ đỏ. Bà nói đây là món ăn Việt mà ông Kurt thích nhất. Bà Sang vừa làm bếp vừa tâm sự: “Cô rất vui. Vui vì không chỉ hôm nay cô chú nhận được sổ đỏ, mà vui vì nghĩa tình với bà con lối xóm. Dù mới đến đây chưa lâu, nhưng nhiều người đã giúp đỡ cô rất nhiều”. Bà Sang cho biết, chỉ mới chiều qua (29.9) khi nhận được giấy mời xuống huyện nhận sổ đỏ và gặp gỡ lãnh đạo huyện, bà mới biết tin vui này.
“Kể từ khi mọi người biết đến vợ chồng cô. Cô chú đã có rất nhiều đổi thay. Chẳng hạn, được chính quyền xã quan tâm hơn. Ngay cả bọn bắt trộm gà của cô nay không thấy nữa. Ra đường ai gặp cũng chào hỏi…”, bà Sang vừa cười vừa nói.
Trời đã trưa, ông Kurt còn ướt đẫm mồ hôi trên áo. Nhưng ông vào bếp ngay và hỏi vợ: “Bún bò Huế đâu?”. Bà Sang chỉ cười và nói: “Ông ấy đói rồi đó”.
Từ nay, mái ấm của vợ chồng già này trở nên vững chắc hơn. Nó vững chắc không chỉ bởi bằng tình yêu tuổi già giữa một người người phụ nữ Việt và người đàn ông Đan Mạch, mà còn được chở che của cộng đồng, những người dân xứ Việt.
Bài, ảnh: Quế Hà
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Bán 100 căn hộ chung cư thu nhập cho cán bộ công chức
- BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG: TP.HCM là điển hình về xã hội hóa công chứng
- Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
- Cuối năm, căn hộ sẽ còn giảm giá?
- Một số vấn đề về công tác quản lý Đăng ký và Công chứng theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2006
- Rắc rối số nhà
- MUA LẠI PHIẾU ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ VẪN ĐƯỢC HỖ TRỢ VAY VỐN
- Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất
- Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất
- Hơn 714 tỷ đồng đền bù giải tỏa và tái định cư Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- Bất động sản “đóng băng”: Từ ông chủ trở thành nhân viên... giữ xe
- Chuyển giao sơ đồ quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ giải toả
- Hưởng lợi từ xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Hộ tái định cư vay vốn ngân hàng trả nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
- Phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại KCN Hòa Khánh
- Đà Nẵng: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục triển khai dự án
- Rắc rối vì không biết người ủy quyền đã chết
- ĐỀ NGHỊ CÁC NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG GIẢM LÃI SUẤT
- Thị trường BĐS đang diễn ra quá trình "chọn lọc tự nhiên"
- Đà Nẵng: Không cho chia nhỏ các lô đất lớn