(Cadn.com.vn) - Theo dự kiến, gói hỗ trợ có mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị căn nhà với lãi suất cho vay dao động từ 6-7,5%/năm. Mới chỉ là dự thảo trình Chính phủ nhưng thông tin về việc cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang có thể vay đến 2 tỷ đồng để mua nhà ở thương mại đang được dư luận quan tâm. Nhưng câu hỏi đặt ra, gói hỗ trợ này có thật sự phát huy được tác dụng?
Những gói hỗ trợ chưa dùng hết
Gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã lộ dần những bất cập sau nhiều lần điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng, thời hạn, điều kiện cho vay và giảm lãi suất xuống 5%/năm. Tính đến nay dư nợ cho vay từ gói hỗ trợ này mới hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10% tổng gói hỗ trợ sau hơn 15 tháng triển khai.
Dường như chưa bằng lòng với tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ này, ngày 11-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà. Theo đó, NHNN đã giao BIDV cùng 7 ngân hàng (Agribank, Vietinbank, VCB, VNCB, SHB, LVPB và MHB) triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng hiệu quả, đúng mục đích, khôi phục niềm tin trên thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản. Thế nhưng hơn 3 tháng trôi qua, kế hoạch giải cứu này vẫn “án binh bất động”, dư nợ tín dụng vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng.
2 gói hỗ trợ khổng lồ đó vẫn chưa phát huy hết tính năng, mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông (đại diện Vụ Tín dụng) cho biết, NHNN đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ đồng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để trình Thủ tướng xin ý kiến.
Theo đó, gói hỗ trợ này có mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị hợp đồng. Cũng như những gói hỗ trợ trước, các chuyên gia đều cho rằng, đây là một trong những biện pháp để kích cầu tín dụng, nếu ban hành trong năm nay, gói hỗ trợ có thể đi vào cuộc sống ngay trong năm sau.
Gói cho vay dự kiến hướng đến nguồn căn hộ cao cấp. |
Cả ngân hàng và khách hàng đều lo
Với mức lãi suất ưu đãi thấp, khó có NHTM nào dám cho vay lãi suất cố định trong một thời gian dài nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trên thực tế, ngân hàng không thể đảm đương được khoản tín dụng với lãi suất cho vay từ 6 đến 7,5% như dự kiến. Hơn nữa, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngân hàng càng không thể áp dụng lãi suất cố định trong vòng 10 năm để cho vay hỗ trợ nhà ở thương mại.
Ngược lại, nếu ngân hàng áp dụng lãi suất thả nổi, khách hàng sẽ không vay gói hỗ trợ này cho dù số tiền vay đến 2 tỷ đồng trong thời gian dài. Thực tế thời gian qua, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có nhiều ngân hàng đưa ra gói lãi suất 0% trong 1 năm đầu, 3-5%/năm trong vòng 1 đến 2 năm đầu tiên nhưng vẫn không thu hút được khách hàng bởi người tiêu dùng lo ngại lãi suất có thể tăng lên đột biến vào những năm sau.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – ĐH Ngân hàng TPHCM - khẳng định, nếu gói hỗ trợ mới này áp dụng mức lãi suất cố định như đã công bố thì gần như bất khả thi vì các ngân hàng chỉ có thể tính toán, dự báo được biến động lãi suất trong một thời gian nhất định, khó có thể dự báo đến 10 năm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa đạt tính ổn định.
Do vậy họ không thể lường trước những rủi ro để áp dụng lãi suất cố định này bằng nguồn vốn kinh doanh của mình. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng, Nhà nước chỉ nên đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi với phân khúc nhà ở xã hội, còn phân khúc nhà ở trung và cao cấp, nên để cho các ngân hàng tự quyết định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với gói hỗ trợ này, liệu nguồn tiền có đến được đúng đối tượng đề ra. Bởi nếu vay 2 tỷ đồng để mua một căn hộ cao cấp tại một đô thị, e rằng không có cán bộ, công viên chức nào dám vay gói hỗ trợ này.
Bởi tính ra với lãi suất cố định 6,5%/năm, thời hạn vay 10 năm, người vay phải trả bình quân trong năm thứ nhất khoảng 25 triệu đồng/tháng (cả gốc lẫn lãi). Với mức lương phổ thông hiện nay của giới công viên chức, thử hỏi có bao nhiêu gia đình có thu nhập bằng lương chạm đến ngưỡng 25 triệu đồng/tháng để vay mua căn hộ trung, cao cấp từ gói hỗ trợ mới này?
Chính sự “bất hợp lý” này, giới chuyên gia tài chính nghi ngờ gói hỗ trợ sẽ giúp cho người giàu có điều kiện chứ không phải giúp người nghèo mua nhà và mục đích của gói tín dụng đang nghiên cứu này nhằm “cứu” các đại gia đang có nhiều dự án cao cấp vực dậy những dự án “chết”?
Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dân về phân khúc nhà ở thương mại trung, cao cấp là có thật. Tuy nhiên dưới góc nhìn của người cho vay, người đi vay, gói tín dụng của NHNN trình Chính phủ khó khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất cho vay.
Văn Khoa
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Thị trường bất động sản: Lạc quan trong thận trọng
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn