(Baodautu.vn) Những tín hiệu thị trường và động thái của Chính phủ cho thấy, nhiều khả năng, trần lãi suất huy động sắp giảm thêm.
Hàng loạt ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động
Hơn một tuần qua, thị trường ngân hàng lại chứng kiến thêm một đợt giảm lãi suất huy động với sự tham gia của rất nhiều ngân hàng. Các kỳ hạn điều chỉnh chủ yếu là kỳ hạn 3 - 12 tháng. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của nhiều ngân hàng trong 2 tháng gần đây.
Đợt giảm lãi suất tuần qua của các ngân hàng cũng phát đi tín hiệu về khả năng trần lãi suất sẽ giảm thêm |
Đợt giảm lãi suất này tuy mức độ không lớn (giảm 0,2 - 0,3%), song lại có sự tham gia của cả khối ngân hàng TMCP như ABBank, MB, Eximbank, chứ không chỉ các ngân hàng quốc doanh như BIDV, VietinBank, Agribank…
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng khá thấp so với trần huy động. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng vẫn giữ nguyên mức 4,5 - 4,8%, kỳ hạn 2 tháng khoảng 5%/năm, 3 tháng 5,15 - 5,5%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng còn 5,5 - 5,7%/năm. Kỳ hạn 6 - 12 tháng là 6%.
Giảm lãi suất lần này của các ngân hàng là nhằm mục tiêu cải thiện lợi nhuận. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, đợt giảm lãi suất này cũng phát đi tín hiệu về khả năng trần lãi suất sẽ giảm thêm.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dựa trên kết quả lạm phát để xem xét điều hành lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Giảm lãi suất cũng là một trong những nội dung của buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN tuần qua.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Ngân hàng HSBC mới đây đều dự báo, lạm phát cả năm nay chỉ 3 - 4%. Với mức lạm phát dự báo như vậy, cộng thêm những động thái của thị trường và Chính phủ, trần lãi suất huy động có thể sẽ giảm thêm 1% từ nay đến cuối năm.
Điều kiện hạ lãi suất đã sẵn sàng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, rất nên hạ thêm lãi suất huy động để tạo điều kiện hạ thêm lãi suất cho vay. Với mức lạm phát hiện nay, lãi suất huy động có thể giảm thêm 1 - 2% nữa mà người gửi tiền vẫn được đảm bảo lãi suất thực dương.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á cho rằng, hiện tại, Việt Nam vừa có điều kiện, vừa có dư địa để hạ thêm lãi suất, vừa chịu sức ép phải giảm lãi suất.
“Thứ nhất, mặt bằng lạm phát đang giảm mạnh; đây là dư địa và là điều kiện để lãi suất có thể giảm được. Thứ hai, so với mặt bằng lãi suất cho vay của khu vực, lãi vay ở Việt Nam còn cao gấp 2 lần; đây là áp lực bắt buộc chúng ta phải giảm lãi suất để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thứ ba, khả năng sinh lời của doanh nghiệp hiện nay rất thấp, vì vậy, giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay là yêu cầu chung của cả nền kinh tế”, TS. Cao Sĩ Kiêm phân tích.
Cũng theo TS. Cao Sĩ Kiêm, dù lãi suất có giảm, tiền vẫn chảy vào ngân hàng, vì hiện nay, người dân “đói” kênh đầu tư. Thực tế cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm hơn 1%, nhưng tiền vẫn chảy ào ào vào hệ thống ngân hàng, tăng trưởng huy động vốn đạt khoảng 10% trong 9 tháng đầu năm.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, lạm phát hiện nay tuy thấp, nhưng chưa chắc chắn, nguy cơ lạm phát quay trở lại vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, NHNN cam kết sẽ theo dõi sát tình hình, khi điều kiện cho phép sẽ giảm thêm lãi suất.
Tuy lãnh đạo NHNN khẳng định, mặt bằng lãi suất đã xuống rất thấp và lãi suất không còn là vấn đề lớn với doanh nghiệp, song nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, lãi suất cho vay trung bình mà họ tiếp cận được hiện nay (10 - 12%/năm) vẫn quá cao so mặt bằng chung trong khu vực và so với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch lãi suất huy động - cho vay hiện nay (khoảng 4%), theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần SNC là quá cao.
Ngoài ra, với lãi suất cho vay hiện cao gấp 5 - 6 lần lạm phát (10 - 12% so với 2,25%), các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là mức chênh lệch phi lý, cao hơn cả thời lãi suất cho vay 24%/năm. Chính vì vậy, dù có giảm thêm trần lãi suất huy động hay không, thì NHNN cũng cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo toàn hệ thống giảm sâu thêm lãi suất cho vay.
Lãi vay giảm tới 3, cho vay chỉ giảm 1
Trần lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,5% sau động thái một loạt ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh ồ ạt hạ lãi suất. Tuy lãi suất huy động đang giảm nhanh, nhưng lãi suất cho vay giảm rất chậm. |
Thùy Liên
Theo Báo Đầu tư
Các bản tin khác
- Bất động sản 2018: Nhà ở tiếp tục là tâm điểm
- Tín dụng siết chặt, lối ra nào cho doanh nghiệp địa ốc?
- Cuộc đua "xanh" của các chủ đầu tư địa ốc
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng năm 2018 trong mắt chuyên gia
- Tỷ USD vốn ngoại chờ đổ vào bất động sản Việt Nam
- Cũng là lễ hội hoa, nhưng Bà Nà đã làm thế này mới ra chất
- Cuối năm, cùng dọn dẹp nhà cửa để đón vượng khí, cho năm mới phát tài phát lộc
- Lăng Cô và Hội An sẽ trở thành thị trường cạnh tranh tương hỗ với BĐS Đà Nẵng trong tương lai gần
- “Làn sóng” nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đổ bộ Đà Nẵng
- Sun World Ba Na Hills được Sở Du lịch Đà Nẵng vinh danh
- Cần khung pháp lý cho condotel
- Nguồn vốn tín dụng địa ốc đang hướng tới sức cầu
- Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ
- Đà Nẵng vào top 10 nơi đáng sống trên thế giới
- Nhiều nơi đã cấp phép xây dựng condotel theo hình thức căn hộ lưu trú
- Tâm Villa: Điểm nhấn kiến trúc nghỉ dưỡng ấn tượng tại Golden Hills
- Đón “mùa vàng” M&A bất động sản
- Đà Nẵng "thay áo mới" đón Tết
- Bất động sản chiếm vị trí thứ 3 trong dòng vốn đầu tư ngoại
- Kết nối đường giao thông với các khu đô thị, cao ốc