TT - “Nhanh hơn - hợp lý hơn - thân thiện hơn” là những tiêu chí để “thanh niên 3 hơn” trong các cơ quan nhà nước phấn đấu, dấn thân phục vụ người dân tại thành phố Đà Nẵng.
Phần thưởng dành cho họ là sự hài lòng và sự quý mến từ chính những người dân.
Cán bộ văn phòng “một cửa” tại Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu niềm nở đón tiếp công dân - Ảnh: Trường Trung |
Trả lời “không biết” là sai
Cuối tháng 3-2014, một người dân ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) đến trụ sở UBND phường hỏi thăm một cán bộ khối đoàn thể về thủ tục hành chính cần giải quyết. Cán bộ này đáp gọn là “không biết” rồi quay đi làm việc của mình.
Sự việc đến tai ông Lê Tấn Nghĩa, chủ tịch phường Khuê Mỹ.
Ngay trong buổi chiều hôm đó, một cuộc họp với toàn bộ cơ quan được tổ chức.
Cuộc vận động “Thanh niên 3 hơn” trong cải cách hành chính được Sở Nội vụ và Thành đoàn Đà Nẵng triển khai vào năm 2012. Qua hai năm đã có 88 đơn vị đăng ký tham gia với hơn 2.000 nội dung cho ba tiêu chí, trong đó có 900 thủ tục thực hiện tiêu chí nhanh hơn, tiết kiệm cho công dân hơn 300.000 ngày làm việc. Người dân, doanh nghiệp có thể vào trang web http://cchc.danang.gov.vn để nhận xét và chấm điểm công chức về thái độ và cung cách phục vụ. |
Tại cuộc họp, anh cán bộ này lý giải việc người dân đến khối đoàn thể để hỏi về thủ tục hành chính là không đúng, anh không biết nên trả lời như vậy.
Ông Nghĩa đáp ngay: “Người dân đến hỏi không đúng chỗ, anh phải có trách nhiệm giúp dân đến đúng chỗ chứ không thể trả lời như thế với dân được”.
Ông Nghĩa phân tích thêm: “Họ đi ngoài nắng vào, mình ngồi trong phòng máy lạnh, tiếc chi một câu nói mà để họ phiền lòng?”.
Sau cuộc họp này, thái độ thân thiện, văn hóa giao tiếp ứng xử tại phường Khuê Mỹ được cải thiện đáng kể.
“Giờ đây, mỗi khi người dân đến phường, việc đầu tiên cán bộ làm là mời người dân ngồi, sau đó chỉ dẫn người dân đến đúng phòng để làm thủ tục. Đó là một trong những tiêu chí “thân thiện hơn” mà chúng tôi cam kết thực hiện khi đăng ký cuộc vận động “Thanh niên 3 hơn” với thành phố (nhanh hơn - hợp lý hơn - thân thiện hơn)” - ông Mai Xuân Linh, phó chủ tịch phường Khuê Mỹ, nói.
Tại phường Khuê Mỹ, cán bộ còn đến tận nhà dân để giải quyết thủ tục hành chính đối với các trường hợp đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Châu (83 tuổi) ở với con gái tại phường An Khê nhưng có hộ khẩu ở phường Khuê Mỹ. Ông muốn làm di chúc nhưng không đi lại được. Trong khi đó theo quy định, việc lập và ký di chúc phải có sự chứng kiến của cán bộ tư pháp.
Biết được câu chuyện trên, ngày 15-9, ông Trần Văn Sinh, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Khuê Mỹ, chạy xe máy hơn chục cây số tới nhà ông Châu để ghi nhận chữ ký.
“Mình đến tận nơi chứng kiến nhưng cũng phải kiểm tra đầy đủ tên tuổi, sau đó đọc toàn bộ bản di chúc cho cụ nghe chứ không phải xuống chỉ để xem cụ ký là thôi. Tất cả trường hợp này mình đều ghi lại trong cuốn sổ nhật ký làm việc kèm theo chữ ký và đánh giá hài lòng của cụ” - ông Sinh nói.
“Tôi nghĩ chính quyền vì dân phải biết linh động như thế. Cái gì có lợi cho người dân, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của dân thì mấy ông nên làm. Người dân cần những cái như vậy chứ không phải nghe hô hào” - bà Nguyễn Thị Tỵ, một người được làm thủ tục lập di chúc ngay tại giường bệnh, đã ghi như thế trong sổ nhật ký làm việc của cán bộ phường Khuê Mỹ.
Trả hồ sơ tận nhà cho dân
Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, hơn một năm qua tất cả hồ sơ cần giải quyết trong ngày nhưng lãnh đạo đi vắng đều được các phường linh động cử dân quân thường trực mang đến trả tận nhà.
Ông Lê Tấn Sinh (tổ 37, phường Hòa Hiệp Nam) đến UBND phường làm giấy khai sinh, bảo hiểm cho đứa cháu mới sinh và làm thêm thủ tục nhập khẩu cho cháu nhưng hôm đó cả ba lãnh đạo của phường đều đi vắng.
Ông Sinh được cán bộ tiếp nhận hướng dẫn làm thủ tục rồi ghi lại số điện thoại. Ngay hôm sau, dân quân phường đã đến tận nhà hoàn trả hồ sơ cho ông Sinh.
“Tui làm giấy khai sinh cho cháu nhưng sợ chậm vài ngày bị phạt, không ngờ ngay hôm sau dân quân phường tới tận nhà hoàn trả đầy đủ giấy tờ” - ông Sinh nói.
Tương tự ông Sinh, bà Mai Thị Minh Hải (cùng tổ 37) đến làm đơn nhưng không rành viết đơn liền được cán bộ phường viết giúp. Đơn viết xong cũng là lúc lãnh đạo bận đi họp. Chỉ trong chiều cùng ngày bà Hải đã được hoàn trả hồ sơ tại nhà.
Theo ông Lê Duy Du, chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, từ cuối năm 2012 đến nay phường đã thực hiện được 114 lượt trả hồ sơ tận nhà cho công dân.
“Sau khi trả hồ sơ kịp thời cho người dân, lực lượng dân quân đều báo cáo kết quả thực hiện cho bộ phận “một cửa” và nguyên tắc là không nhận bất cứ khoản thù lao nào của công dân, chi phí xăng xe được phường linh động tính 100.000 đồng/tháng. Chúng tôi luôn quán triệt với nhau tinh thần, thái độ phục vụ người dân sao cho thân thiện, tích cực. Thái độ phục vụ này phải giống như mình đang đi tiếp thị sản phẩm thì mới đi vào thực chất được” - ông Du nói.
Ông Võ Công Chánh, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết cái được từ mô hình này là được lòng dân.
“Lâu nay chúng ta hay nói đúng quy trình, đúng thủ tục, đúng thẩm quyền, thế thì tại sao dân vẫn còn bức xúc, chưa hài lòng? Vì quy trình của chúng ta vẫn còn rườm rà, thủ tục còn nhiêu khê, trách nhiệm cá nhân còn hạn chế, đặc biệt là những việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, khả năng phối hợp và chịu trách nhiệm với dân còn phải cải thiện nhiều” - ông Chánh nói.
Theo ông Chánh, mục đích khi triển khai cuộc vận động “Thanh niên 3 hơn” là thể hiện trách nhiệm nhiều hơn nữa với nhân dân, phải giải quyết đến cùng công việc của dân và đặc biệt là phải gần gũi, thân thiện với dân.
Từ mô hình này, khi áp dụng vào thực tế các địa phương đã có những cách sáng tạo, hiệu quả, nhân văn như lập nên các tổ, đội thanh niên công chức tình nguyện hỗ trợ người dân từ khâu tiếp nhận, giao dịch ban đầu cho đến tư vấn, kê khai thủ tục và thậm chí có kết quả rồi mang đến nhà trả cho dân trong những trường hợp cần trợ giúp.
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?