(Cadn.com.vn) - Ngày 10-10, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn và đại diện các ngành liên quan của TP đã ngồi lại lắng nghe nhiều ý tưởng “làm đẹp” các cây cầu của nhà sáng chế Phan Đình Phương - TGĐ Cty An Sinh Xanh, người có nhiều phát minh được thế giới thừa nhận, cấp bằng độc quyền.
Ông Phương giới thiệu đầu Rồng mới. |
Từ Nhật Bản, Phần Lan tới Mỹ, người ta biết tới ông Phương nhờ sáng chế ra công nghệ chữa cháy tân tiến, tối ưu. Cũng vì vậy, ý tưởng chủ đạo trong việc “làm đẹp” các cây cầu của ông cũng xuất phát từ lửa và nước. Đối với cầu Rồng, ông Phương cho rằng đầu Rồng là phần quan trọng nhất nhưng nó lại đặt ở vị trí quá thấp.
Từ đó, ông Phương đề xuất nên thay đầu Rồng theo phương án của ông chỉ nặng khoảng 3 tấn thay vì 15 tấn như hiện nay, có khả năng chịu được bão cấp 15, có mắt chớp được, miệng tươi cười được, cổ quay ngang quay dọc được, rất sinh động, cuốn hút.
Táo bạo hơn, ông Phương đề xuất nên làm 2 đầu Rồng quay vào nhau ở giữa cầu, nơi có vòm cao nhất tạo thành một đôi Rồng, thực hiện phun nước, phun lửa theo chủ đề, trên nền nhạc, ánh sáng. Hiện nay việc phun lửa, nước đều đặn, lặp đi lặp lại nhiều lần thành nhàm chán, không tạo sức hút.
Ý tưởng biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành chợ đêm và hệ thống dịch vụ. |
Ông Trần Chí Cường - PGĐ Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho rằng, việc thay đầu Rồng phải rất thận trọng, ngoài yếu tố kỹ thuật nó còn mang biểu tượng văn hóa, đây là hình tượng rồng thời Lý do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện. Đặc biệt cầu Rồng lại vừa đạt được nhiều giải thưởng ở thế giới, mới sử dụng 2 năm mà gỡ xuống thay, sợ rằng sẽ tạo dư luận không tốt.
Ông Bùi Hồng Trung - Trưởng phòng Giám định và Quản lý chất lượng công trình - Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, đầu Rồng hiện tại đã qua rất nhiều lần xét duyệt. Trước đây cũng đã có ý tưởng làm 2 đầu Rồng, nhưng rồi sau nhiều lần cân nhắc, TP quyết định làm một đầu Rồng, nhìn về một hướng, ấy là biển Đông, thể hiện khát vọng tiến ra biển lớn của TP.
Mặt khác, nếu để sinh động, đáp ứng tính mỹ thuật thì phải cả con rồng chuyển động, còn chỉ có đầu Rồng thì cũng không cần thiết. Cũng theo ông Trung, việc phun lửa không khói trước đây cũng đã tính tới để đảm bảo môi trường bằng cách dùng gas, thậm chí tia laser, tuy nhiên cuối cùng ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó - đã kết luận: phun lửa phải có khói, lửa không khói là lửa giả, vì thế đã dùng dầu hỏa để đốt.
|
Ý tưởng phun nước trên cầu Sông Hàn. |
Tuy không tán thành việc thay đầu Rồng song nhiều ý kiến lại đồng tình với ý tưởng của ông Phương làm cho đầu Rồng hiện tại phun lửa, nước, hơi nước một cách cuốn hút, ấn tượng hơn. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nói, không có cây cầu nào cộng đồng quan tâm như cầu Rồng. Đây là công trình đã hoàn thiện, chỉ nên nghĩ cách làm nó đẹp thêm chứ không nên đặt vấn đề thay đổi đầu Rồng.
Đầu Rồng chuyển động cũng là ý tưởng, nhưng đây là công trình giao thông, nó phải tĩnh, phải đảm bảo công năng cho giao thông trước đã rồi mới tới các tính năng khác. Ông Tuấn đồng ý với đề xuất của nhà sáng chế Phan Đình Phương là sẽ để đầu Rồng phun nước, hơi nước theo chủ đề, nền nhạc, ánh sáng lúc thăng, lúc trầm nhằm tạo sự cuốn hút riêng cho du khách.
Với cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP giữ lại thành cầu đi bộ, ông Phương đề xuất 13 trụ còn dư bên hông cầu sẽ xây thành các quán dịch vụ, cà-phê ngồi ngắm cầu Rồng, trên cầu sẽ hình thành chợ đêm, bán hàng hóa đa dạng, như là điểm mua sắm tiện ích của du khách. Ông Nguyễn Hữu Sỹ - Trưởng phòng Quản lý kiến trúc đô thị - Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đây là cây cầu dã chiến nhưng có kiến trúc mái vòm đẹp, có ý nghĩa lịch sử, vì thế TP đã giữ lại để cải tạo thành cầu đi bộ.
Việc xây các sàn dịch vụ trên các trụ dư là hợp lý nhưng phải đảm bảo không quá cao vì sẽ phá vỡ kiến trúc của cầu. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đồng ý với ý tưởng phát triển các dịch vụ tại các trụ dư này theo hình thức xã hội hóa, nhưng yêu cầu đặt ra phải tạo những kiểu dáng kiến trúc đẹp, tô điểm thêm cho cầu chứ không tác động mất đi vẻ kiến trúc đẹp của cầu.
Với cầu Sông Hàn, ông Phương đề xuất làm sâu khấu nhạc nước, cầu quay vào ban ngày... Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng chỉ nên làm hệ thống phun nước tạo hình đặc sắc ở 2 trụ còn dư giữa sông là hợp lý. Nếu phun nước cả phía bên hông cầu sẽ ảnh hưởng tới giao thông, nhất là khi gió to.
Cũng theo ông Tuấn, đã là ý tưởng thì phải khác biệt, tuy nhiên nó phải mang tính khả thi, đi vào thực tiễn cuộc sống. Trong các ý tưởng mà nhà sáng chế Phan Đình Phương nêu ra, một số ý tưởng hay, có tính khả thi, tạo được đồng thuận vì thế đã được lãnh đạo TP tiếp nhận, giao cho ông Phương và An Sinh Xanh bắt tay vào triển khai.
Hải Hậu
Theo Báo Công an TP Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Chọn 4 địa điểm xây quảng trường kết hợp công viên biển dọc đường Nguyễn Tất Thành
- Đà Nẵng đạt danh hiệu Thành phố xanh quốc gia
- Đà Nẵng: Xuất hiện doanh nghiệp bất động sản đầu tiên mua lại sản phẩm do mình bán ra
- Condotel, resort, shophouse… phải vào khuôn khổ
- Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cảng Liên Chiểu, ga Đà Nẵng
- Thương hiệu khách sạn Four Points by Sheraton có mặt tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng phê duyệt lối xuống biển công cộng tại khu vực dự án The Song
- Nhà đầu tư nước ngoài "sốt sắng" đổ vốn vào bất động sản Việt Nam
- Chuyên gia nói gì về bất động sản nửa cuối năm 2018?
- Công bố 2 dự án khách sạn tại 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 và 178 Trần Phú, Đà Nẵng
- Xây khu phức hợp khách sạn 40 triệu USD bên Sông Hàn
- PGT Group mở bán khu đô thị PGT City vào ngày 8/7
- Có hay không dự án "vướng đất quốc phòng" nên chậm tiến độ?
- UBND THÀNH PHỐ TRẢ LỜI Ý KIẾN CỬ TRI Quy hoạch Quảng trường trung tâm, tinh giản biên chế
- Mở lối xuống biển, thu hồi đất các dự án không triển khai
- Nhất Nam Land được vinh danh top 20 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tiêu biểu Việt Nam 2017
- Vay tiêu dùng tại công ty tài chính - những sản phẩm nổi bật
- 8 sàn giao dịch bất động sản dừng hoạt động
- Ngừng thí điểm mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp ở Đà Nẵng
- Bất động sản giao dịch chậm