Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), quan sát trong một chừng mực có thể được, chúng tôi mạo muội đặt câu hỏi như trên và thử tự đi tìm câu trả lời. Đó cũng là cách nhìn lại bức tranh kinh tế Đà Nẵng trong 3/4 quãng đường đã đi qua của “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.
.
Trong thập niên vừa qua, tăng trưởng GDP toàn thành phố giữ được sự ổn định ở mức 11,5% trên nền cơ cấu được chuyển đổi sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế Đà Nẵng giai đoạn năm 2014-2020 đặt tham vọng nâng tỷ trọng các khu vực nêu trên lên lần lượt là 55,5% - 42,8% và 1,6%.
Theo các nhà phân tích, tham vọng trên chưa có các căn cứ khả tín và bền vững; bởi đầu tư FDI đã tụt khỏi top 20 cả nước, vốn đầu tư từ ngân sách trong vài năm qua cũng giảm 20-30% so với các năm trước đó. Các doanh nghiệp Nhà nước tuy đóng vai trò “chủ đạo”, nhưng theo ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, “chưa đóng được vai trò này như chủ trương, trong quá trình phát triển khối doanh nghiệp Nhà nước đã bộc lộ những điểm hạn chế như hiệu quả đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu…”.
Nhìn toàn cảnh, đến cuối năm 2013, thành phố có gần 13.000 doanh nghiệp hoạt động thì doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98%, trong đó gần 70% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, công nghiệp-xây dựng chiếm 25,4%, nhưng quy mô vốn hoạt động từ 1 đến 10 tỷ đồng lại chiếm đa số (96%), công nghệ tụt hậu trung bình so với thế giới đến 2-3 thế hệ, nhưng khả năng đầu tư thay thế lại rất thấp vì thiếu vốn! Năng lực quản lý thấp, lại không có một mạng lưới chuyên gia tư vấn và thiếu sự hỗ trợ cần thiết về các chi phí tư vấn từ phía Nhà nước. “Cái khó bó cái khôn”, khiến khả năng cạnh tranh và hình ảnh sản phẩm chủ lực của thành phố càng chưa thể hiện rõ.
Theo nhận định của các doanh nhân trong khu vực tư nhân, “doanh nhân Đà Nẵng có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh khả tín, khả năng đầu tư và ứng dụng công nghệ, sử dụng đồng vốn hữu hiệu là không nhiều! Dẫn đến tình hình chung là đa số doanh nhân đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó suy kiệt vốn do lãi suất tín dụng còn cao, môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh. Nhiều doanh nhân phải đi vay để trả các khoản vay cũ, nhưng rất khó vì thiếu tài sản thế chấp”. Một doanh nhân cho biết, không chỉ trên lĩnh vực bất động sản, mà nhiều doanh nhân làm ăn trong sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu trên địa bàn đang “chết mòn” trên đống hàng hóa tồn kho…
Với bức tranh không sáng sủa này, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực mang tính đột phá theo nội dung hoạt động của “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” nhằm tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, các chương trình hỗ trợ vốn… Tuy vậy, việc tiếp cận các nguồn vốn vẫn còn khó khăn do tính minh bạch chưa cao, lãi suất tuy đã giảm nhưng cần giảm hơn nữa trong bối cảnh không tăng mức lạm phát và cần có chính sách cho vay tín chấp với những dự án được đánh giá khả thi cao. “Lãi suất huy động giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay giảm quá chậm. Lãi vay 9 - 10% hiện nay nếu so với mức lợi nhuận doanh nghiệp trong môi trường vừa phục hồi sản xuất vừa cạnh tranh gay gắt hiện nay sẽ tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đà Nẵng”, một giám đốc trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng cho biết.
Thế nhưng, ở một hướng nhìn khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng Đỗ Anh Tuấn có cái nhìn dài hơi, với đề nghị chính quyền thành phố có các chiến lược tạo ra sự khác biệt so với toàn vùng như chiến lược và chính sách phát triển logistic, xây dựng cảng đa năng Liên Chiểu - Tiên Sa vì giới hạn phát triển và những hạn chế về hậu cần, giao thông của cảng Tiên Sa hiện nay đã tới ngưỡng; đầu tư mạnh về hạ tầng dịch vụ, giao thông đô thị và phát triển kinh tế biển…
Nhìn toàn cục, doanh nghiệp Đà Nẵng tuy còn nhỏ lẻ, vốn hoạt động còn thấp, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm còn bị cạnh tranh… nhưng chủ doanh nghiệp là các doanh nhân thì lại đầy tâm huyết. Một mặt, họ cần sự hỗ trợ thiết thực, minh bạch từ chính sách đến các vấn đề thông thoáng về tín dụng, mặt bằng sản xuất, tư vấn về quản lý, tiếp cận thị trường về phía Nhà nước; nhưng mặt khác họ khao khát về một thành phố khác biệt với toàn vùng, phát triển nhanh chóng, căn cơ từ lợi thế cạnh tranh và tự nhiên của một Đà Nẵng năng động, làm “đầu tàu” cho toàn vùng.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu căn hộ là 45m2
- 10 dự báo giới đầu tư địa ốc không nên bỏ qua năm Đinh Dậu
- Thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam
- Nhiều thủ tục đất đai được rút ngắn trong năm mới
- Săn bất động sản cho thuê - kênh đầu tư hấp dẫn trong 5 năm tới
- Cuộc chiến sống còn của bất động sản nghỉ dưỡng
- Giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ
- Đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động và chất lượng thi công tại các công trình
- Dấu ấn 5 “ông lớn” trên thị trường bất động sản Việt Nam năm qua
- 2 kịch bản trái chiều cho thị trường địa ốc 2017
- M&A bất động sản Việt Nam hứa hẹn lập kỷ lục năm 2017
- Đi đâu, chơi gì dịp Tết?
- Thị trường địa ốc 2016: Một năm được mùa của condotel
- Địa ốc tạo sức hút từ hạ tầng giao thông
- Quận Ngũ Hành Sơn: Vận động bàn giao hơn 1.000 hồ sơ giải tỏa, đền bù
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm
- Ra mắt Tổng công ty MBLand và hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại miền Trung
- Đầu tư bất động sản thương mại sẽ hồi phục trở lại vào năm 2017
- Triển khai dự án xe buýt nhanh tại Đà Nẵng
- Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ