(Chinhphu.vn) - Tháng 9/2014, ông Bùi Văn Long nhận chuyển nhượng 1 mảnh đất rẫy với diện tích 10.728m2 tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Chủ cũ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2008. Nay ông Long muốn làm thủ tục sang tên chuyển chủ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ảnh minh hoạ |
Ông Long hỏi, ông cần có những giấy tờ gì giữa bên mua và bên bán? Khi nhận chuyển nhượng có phải thẩm định, đo đạc lại thửa đất không? Thời gian thực hiện thủ tục sang tên là bao lâu?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Long như sau:
Theo khoản 1, khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 (Luật Đất đai), người sử dụng đất được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Quy định về chuyển nhượng đất nông nghiệp
Tại khoản 3, khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai quy định các trường hợp không được nhận chuyển quyền đất nông nghiệp gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Theo Điều 130 Luật Đất đai và quy định chi tiết tại Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được áp dụng đối với hình thức nhận chuyển nhượng như sau:
- Đất trồng cây hàng năm: Không quá 30 héc ta đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Không quá 20 héc ta đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
- Đất trồng cây lâu năm: Không quá 100 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
- Đất rừng sản xuất là rừng trồng: Không quá 150 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hồ sơ yêu cầu công chứng (1 bộ) gồm: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng (theo mẫu); Dự thảo hợp đồng (nếu có); Bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
Có địa phương, tổ chức công chứng yêu cầu trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người yêu cầu công chứng phải nộp kết quả thẩm định, đo đạc trên thực địa đối với thửa đất sẽ chuyển nhượng do Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp.
Trình tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như sau:
Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ thực hiện quyền chuyển nhượng. Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Theo đó, sau khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết có chứng nhận của tổ chức công chứng, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sang tên chuyển chủ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất. Hồ sơ gồm: Đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất (theo mẫu); Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên chuyển nhượng; Tờ khai lệ phí trước bạ; Tờ khai thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng quyền sử dụng đất. (Nếu chuyển nhượng một phần thửa đất thì phải có hồ sơ kỹ thuật thửa đất, đo đạc tách thửa phần diện tích chuyển nhượng).
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất.
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Theo thông tin ông Bùi Văn Long cung cấp, tháng 9/2014, ông nhận chuyển nhượng 10.728 m2 đất rẫy. Theo quy định của Luật Đất đai thì đất ông Long nhận chuyển nhượng thuộc nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp mà ông Long nhận chuyển quyền nằm trong hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại Điều 130 Luật Đất đai và Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, ông chưa nêu rõ việc hai bên chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tổ chức công chứng hay chưa?
Do trong quá trình sử dụng đất, vì nhiều lý do khác nhau, trên thực tế đất có thể bị thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất so với thông tin ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Để tránh phát sinh tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cần thiết phải đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, đo đạc trên thực địa thửa đất sẽ chuyển nhượng trước khi ký kết hợp đồng.
Nếu bên chuyển nhượng đủ điều kiện chuyển nhượng quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai; nếu ông Long không thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai, thì hai bên cần phải đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau đó đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sang tên chuyển chủ theo quy định tại Điều 79, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Đối với trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 61, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục hành chính đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không quá 30 ngày.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Các bản tin khác
- Những điểm cần lưu ý của Nghị định 76 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2014
- Sun Group hợp tác chiến lược với AccorHotels
- Biệt thự hạng sang đua nâng hạng bằng tiện ích
- Áp thuế tiêu thụ đặc biệt kiểu mới với ôtô nhập khẩu từ 2016
- 8 bước cần lưu ý trước khi mua nhà trả góp
- Làm gì với cầu Nguyễn Văn Trỗi?
- Sắp xây dựng khu biểu diễn cá heo và thú biển
- Văn bản luật có hiệu lực từ tháng 11-2015
- Ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở
- Phân khúc bất động sản nào hưởng lợi nhờ TPP?
- Trường hợp đã mua bán đất nhưng chưa sang tên
- Quốc hội nóng chuyện “hợp đồng dân sự” bất động sản
- Quy định mới về mức thu lệ phí chứng thực
- Bất động sản có thể xuất hiện "cơn sốt" trong năm 2016, 2017
- Ô tô nhỏ sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam
- Đà Nẵng: “Đòi” Bộ Quốc phòng hỗ trợ 600 tỉ đồng
- Không quy định hợp đồng mua bán nhà sẽ gây bất an
- Giá đất tái định cư tại khu dân cư Phần Lăng 2
- TPP sẽ không tác động mạnh đến chứng khoán và bất động sản
- Bài cuối: Đà Nẵng muốn chuộc lại sân vận động Chi Lăng