(HQ Online)-Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút xây dựng Thông tư liên tịch về hồ sơ và trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân.
Theo Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013-2020, tổng thu NSNN từ đất đai từ năm 2011-2020 dự kiến là 700.000 tỷ đồng, tổng thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và xử lý quỹ đất sau khi di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hoặc di dời theo quy hoạch dự kiến là 118.000 tỷ đồng, tổng thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông dự kiến bình quân 10.000 tỷ đồng/năm. |
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nguồn thu NSNN từ đất đai bao gồm: Tiền sử dụng đất trong các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, chuyển từ hình thức thuê đất sang hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất đối với đất do Nhà nước cho thuê; Thuế sử dụng đất; Thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai; Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
Tuy số thu từ các loại thuế đánh vào đất chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu NSNN ở Việt Nam - trung bình mức thu 47.000 tỷ đồng (năm 2013) và dự kiến nâng lên 50.000 tỷ đồng (năm 2014) - nhưng đã tạo được nguồn thu thường xuyên, phục vụ yêu cầu quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tăng thêm nguồn kinh phí giúp Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực quản lý đất đai, từng bước thực hiện chính sách động viên công bằng giữa các tầng lớp dân cư.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã tập trung vào việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; chính sách đất đai khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; cơ chế điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại. Kết quả bước đầu là kịp thời ban hành 2 Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất và Thông tư 77/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (hiệu lực thi hành từ tháng 7-2014) đã bổ sung một số quy định mới nhằm tiết giảm thời gian làm thủ tục của người sử dụng đất trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai như: Người sử dụng đất chỉ phải một lần đến nộp hồ sơ ban đầu xin giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ (Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan Tài nguyên môi trường) và không còn phải thực hiện khai nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như trước đây. Các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện luân chuyển hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Trong vòng 3 đến 5 ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan Thuế phải ban hành thông báo về các khoản nghĩa vụ tài chính, gửi cho người sử dụng đất biết để đến Kho bạc Nhà nước nộp tiền theo quy định.
Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Tuấn Anh- Giám đốc Công ty Luật Hoàng Gia, với chính sách rõ ràng về thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thuế đất được xem là thông điệp khá rõ ràng về cam kết cải cách từ Bộ Tài chính. Bởi quy định này vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế vừa minh bạch trong việc quy trách nhiệm của cán bộ xử lý hồ sơ khi cố tình "ngâm" hồ sơ, chậm giải quyết để phiền hà sách nhiễu.
Đồng thời, để rút ngắn thời gian xác định giá đất tính các khoản nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước cũng như giảm chi phí vật chất cho xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất so với hiện hành để xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất. Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng cho từng khu vực, tuyến đường dựa trên tình hình thị trường, điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể của địa phương và do UBND cấp tỉnh quy định, công bố công khai hàng năm.
"Quy định này sẽ loại bỏ tiêu cực, tham nhũng, cơ chế xin - cho trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đất đai. Ngoài ra, theo thống kê hàng năm có cả chục nghìn DN thực hiện thuê đất của Nhà nước nên với cơ chế thông thoáng này thì DN tự chủ về các khoản tiền thuế đất hàng năm; còn cơ quan quản lý Nhà nước không phải tập trung nguồn lực, chi phí, thời gian vào việc xác định lại giá đất hàng năm"- Luật sư Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nuôi dưỡng nguồn thu
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, song song với các quy định theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính để khuyến khích DN, tổ chức, người nộp thuế thực hiện chính sách tài chính liên quan đến đất đai. Hiện các thủ tục và mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đơn giản hoá, quy định cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu như: Quy định đối với hộ gia đình, cá nhân do có khó khăn về tài chính được ghi nợ tiền sử dụng đất, nếu thanh toán nợ trước hạn sẽ được Nhà nước hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.
"Trong tổ chức thực hiện đã quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan liên quan, nhất là cơ quan trong ngành Tài chính không yêu cầu người sử dụng đất phải nộp bổ sung hồ sơ, giấy tờ mà các cơ quan Nhà nước đang có hoặc lưu trữ."- Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam chia sẻ
Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đặt ra yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trong năm 2015 là tiếp tục rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, ban hành và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay