(Chinhphu.vn) – Đà Nẵng cần coi dịch vụ là mũi nhọn, có vai trò định hướng dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế Thành phố, góp phần quyết định để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có đẳng cấp quốc tế ở bậc cao nhất.
Hội thảo Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm dịch vụ-du lịch quốc tế. |
Ngày 24/10 tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm dịch vụ-du lịch quốc tế. Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ-du lịch.
Tại TP. Đà Nẵng, du lịch là lĩnh vực trong những năm gần đây có sự phát triển nhanh chóng và đóng góp vào sự phát triển của Thành phố, tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch và thương hiệu chung cho Đà Nẵng. Diện mạo của du lịch Đà Nẵng ngày càng được khẳng định với sự hiện diện của hàng loạt nhà đầu tư, thương hiệu du lịch hàng đầu quốc tế và trong nước.
Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng và lợi thế có sẵn.Ví dụ: Sân bay quốc tế Đà Nẵng hạn chế về năng lực tiếp nhận và kết nối với các trung tâm du lịch ở khu vực và thế giới; chưa có cảng du lịch chuyên biệt; kết nối giao thông giữa trung tâm Đà Nẵng với các Di sản Thế giới trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách…
Nhận diện Đà Nẵng đang ở đâu?
Theo TS Trần Du Lịch, định hướng phát triển Đà Nẵng thành một Trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế là một định hướng đúng, tuy nhiên muốn thực hiện được, phải nhận diện Đà Nẵng đang ở đâu? Mặc dù Đà Nẵng đang được coi là đô thị có tính đột phá, có tầm nhìn nhưng xét về du lịch, chúng ta chỉ mới “đếm” số lượng đầu du khách chứ chưa cân đo số tiền thu được, số ngày lưu trú của khách có dài hay không?
Du lịch Đà Nẵng đang thiếu một định hướng, chiến lược phát triển mang đẳng cấp cao của thế giới; năng lực cạnh tranh chưa cao, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với các điểm du lịch trong vùng, khu vực; tình trạng khách du lịch trung chuyển qua Đà Nẵng để đến Hội An và Huế, Nha Trang còn chiếm tỷ lệ cao…
Cùng nhận định, PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: Dù Đà Nẵng được coi là thành phố “đáng sống”, được yêu mến song Đà Nẵng vẫn còn khá thiếu nhiều năng lực để trở thành một thành trung tâm Du lịch quốc tế đẳng cấp có tính cạnh tranh quốc tế cao. Khu vực dịch vụ có sự gia tăng về số lượng, song chất lượng trong phân ngành dịch vụ trọng yếu như du lịch, thương mại, vận tải, kho bãi…vẫn chưa có sự chuyển biến lớn.
Đà Nẵng hướng đến mục tiêu là thành phố trung tâm dịch vụ-du lịch. |
Xây dựng ngành du lịch có chất lượng, dấu ấn riêng
Nguyên nhân là do du lịch Đà Nẵng đang còn tính thời vụ cao, thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, mang bản sắc riêng của Đà Nẵng có đẳng cấp quốc tế; thiếu các dịch vụ mua sắm, giải trí hấp dẫn.
Theo ông Peter R.Ryder, Tổng Giám đốc tập đoàn Indochina Capital, để thu hút du khách đến thăm, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, cần gia tăng các chuyến bay quốc tế; đơn giản hóa thủ tục visa; tạo lập nhiều khu nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế; đa dạng hóa nhiều thị trường. Đà Nẵng không nên chỉ dựa vào một vài thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Á... mà cần hướng đến các thị trường tiềm năng như châu Âu và Mỹ.
Ông Jean Paul Fontenille – Tổng quản lý khách sạn Novotel nhận xét: "Đà Nẵng là một trong số ít các điểm du lịch đẹp và hoang sơ còn lại ở châu Á, có môi trường trong lành, giao thông yên bình. Để Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế thì ngoài việc đầu tư, xây dựng các công viên giải trí quốc tế, sân vận động và các bảo tàng... Đà Nẵng cần xây dựng thêm một trung tâm hội nghị thích hợp để thu hút các sự kiện MICE lớn quanh năm như ở Bangkok, Singapore, Hồng Kông…
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng Đà Nẵng cần coi dịch vụ là mũi nhọn, có vai trò định hướng dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế Thành phố, góp phần quyết định để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có đẳng cấp quốc tế ở bậc cao nhất (TP thông minh, TP xanh, TP hội tụ tinh hoa, TP hội tụ nhân văn).
Để Đà Nẵng trở thành Trung tâm dịch vụ du lịch hàng đầu quốc tế, cần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành dịch vụ mà Đà Nẵng có lợi thế, đặc biệt là ưu tiên thu hút vào các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung. Rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích các tập đoàn, công ty lớn thành lập hoặc chuyển hội sở chính về Đà Nẵng; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao; và đẩy mạnh liên kết phát triển vùng.
Theo TS Trần Du Lịch, Đà Nẵng cần hướng đến phát triển các địa điểm, vui chơi giải trí về đêm để thu hút khách ở lại dài ngày hơn và trở lại nhiều lần hơn.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, những ý tưởng của các chuyên gia sẽ được Thành phố chắt lọc, xem xét, đánh giá lại để từ đó xây dựng những chiến lược, hành động cụ thể nhằm đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm dịch vụ-du lịch quốc tế.
Tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn 1997-2013 ước đạt 18,6 triệu lượt khách, tăng 17%/năm. Với tổng lượt khách năm 2013 đạt 3 triệu lượt trong đó khách quốc tế đạt 700 lượt, doanh thu du lịch thuần túy ước tăng 19% ước đạt 2.800 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2014 tổng lượng khách đạt trên 3 triệu lượt. Doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng. Đến nay, Đà Nẵng có 71 dự án đầu tư vào du lịch với tổng vốn đầu tư 8.180,85 triệu USD, trong đó đầu tư nước ngoài có 15 dự án, vốn đầu tư 1.668,5 triệu USD. |
Lưu Hương
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)