TTO - Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người lo ngại việc người nước ngoài sở hữu nhà tại VN sẽ có chuyện đầu cơ, đẩy giá nhà lên cao hay xuất hiện những "khu tự trị"?
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) có nhiều người nước ngoài đang thuê nhà ở - Ảnh: Phúc Huy |
Có những quan điểm trái ngược về nội dung cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại VN trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) đang được Quốc hội đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ 8 này.
Có bạn đọc cho rằng việc mở rộng điều kiện để người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại VN là giải pháp tốt, “phá băng” thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bạn đọc cho rằng việc cho người nước ngoài sở hữu nhà chẳng khác nào “bán đất cho nước ngoài”, có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Người nước ngoài thu nhập cao nên sẽ mua hết những khu đô thị đẹp, đầu cơ tăng giá và đẩy người dân VN (thu nhập thấp hơn) ra vùng ven, ngoại ô...?
Có ý kiến bạn đọc còn lo lắng: liệu việc này có làm xuất hiện những “khu tự trị” của người nước ngoài tại VN hay không? (emaildknick@...)
Cũng có người không đồng ý cho rằng việc sửa luật theo hướng này chỉ là “lợi ích nhóm”, giải quyết đầu ra cho những người đầu cơ bất động sản, không có lợi gì cho hầu hết người dân.
* Để cứu một nhóm người kinh doanh bất động sản đang ế ẩm mà phải bán rẻ quyền sở hữu đất đai cho người nước ngoài ư?
Cha ông đổ bao xương máu để giữ đất cho con cháu, dù nay kinh tế còn nghèo, đời này chưa mua được thì đời sau mua được và dân ta vẫn giữ đất của nước ta hồn thiêng sông núi bao đời.
Nếu bán hết nhà đất cho người nước ngoài thì con cháu chúng ta và cả chúng ta sống ở đâu? Hãy lấy ý kiến người dân xem bao nhiêu người ủng hộ chủ trương này? (dan@...)
* Xin đừng vì lợi ích một nhóm người hay một "nhóm lợi ích" mà quên đi lợi ích quốc gia dân tộc.
Việc này là nhằm giải quyết cho lợi ích của ai? Đại bộ phận nhân dân Việt Nam không phải con buôn bất động sản và cũng không phải là người mắc nợ ngân hàng (trongtrai2009@... )
Số lượng người nước ngoài tại TP lớn như TP.HCM và Hà Nội hiện khá nhiều. Tại TP.HCM, hiện có nhiều cao ốc ở trung tâm có đến 50% người nước ngoài đang thuê nhà. Ở những khu An Phú, An Khánh (Q.2), Phú Mỹ Hưng (Q.7) có rất nhiều người nước ngoài thuê nhà. Thậm chí một số cao ốc rất ít người Việt ở, còn lại là người nước ngoài. |
Cho sở hữu, nhưng quy định chặt chẽ
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nên cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam bởi đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, người nước ngoài có sở hữu cũng chỉ là sở hữu nhà ở trên đất.
Nhiều nước trên thế giới cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản, người Việt Nam chúng ta cũng có nhiều người là tỉ phú, sở hữu khối bất động sản khổng lồ của nước ngoài.
* Vấn đề là chúng ta phải quy định rõ ràng, chặt chẽ như quy định số năm công tác ở VN bao lâu? Chỉ dự án nào mới được mua? Tính thuế như thế nào? (nên tính thuế cao, làm giá nhà cao khiến họ không mua đi bán lại được để tránh đầu cơ), hoặc cũng có thể quy định họ phải đưa cả gia đình sang đây sinh sống mới cho mua nhà. (Tran@...)
* Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, sống và làm việc tại VN cũng phải tuân thủ luật pháp VN. Đất đai vẫn thuộc chủ quyền VN.
Nếu thật sự người nước ngoài sang VN ở mà muốn trở thành người VN cũng không sao, họ sẽ là những người cống hiến nhiều cho kinh tế VN, cũng giống bao nhiêu người Việt qua nước ngoài sinh sống.
Tôi ủng hộ mở rộng việc cho người nước ngoài sở hữu nhà, tuy nhiên nên có quy hoạch và hướng họ tới phân khúc căn hộ cao cấp nhằm thu tiền về cho sự phát triển kinh tế đất nước, là một hình thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ. (lienvt@...)
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Ngọc Dương: Người nước ngoài là “thị trường” lớn Theo tôi, việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam bản chất là bơm thêm tiền cho nền kinh tế, làm cho thị trường tốt hơn, sản phẩm ra nhanh hơn. Đứng về góc độ chủ quyền quốc gia, việc mở rộng quyền cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có những khó khăn nhất định. Sở hữu nhà hiện nay là không thời hạn nên một người không có quốc tịch Việt Nam sở hữu nhà thì Nhà nước rất khó quy hoạch những khu vực có người nước ngoài ở. Nhưng trong tình hình thị trường bất động sản hiện nay, theo tôi, đó là giải pháp tốt nhất trong số các giải pháp có thể khiến thị trường mạnh hơn, thanh khoản tốt hơn. Ngoài việc người nước ngoài được mua nhà chung cư, còn phải cho họ mua nhà liên kế, nhà biệt thự... Nhiều người nước ngoài sẵn sàng bỏ 5.000-10.000 USD để thuê nhà ở trong một tháng tại khu vực trung tâm TP. Ngoài ra, ở các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Khu chế xuất Tân Thuận... các chuyên gia nước ngoài thuê nhà ở không ít. Nhiều chung cư ở khu An Phú, An Khánh, Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng... cũng chuyên cho người nước ngoài thuê. Nhiều công ty lớn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài thuê rất nhiều nhà cho nhân viên, chuyên gia của họ ở. Tính theo dòng đầu tư thì họ mua nhà sẽ có lợi hơn vì có chiết khấu tốt hơn, ổn định hơn là đi thuê. Đơn cử như một chung cư ở đường Nguyễn Huệ (Q.1) có nhiều người nước ngoài thuê. Tiền thuê nhà (900 - 1.000 USD/tháng) thì khoảng hai năm là mua một căn hộ chung cư. Theo ước lượng của tôi, số người nước ngoài sống tại TP.HCM không dưới 10.000 người, trong đó phần lớn là người Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Trong số đó, 40-50% có nhu cầu mua nhà vì họ đã có gia đình tại Việt Nam. Người nước ngoài vốn minh bạch trong chuyện tài chính nên nếu họ được đứng tên sở hữu (không phải để vợ, chồng người Việt đứng tên giùm), họ sẽ có quyết định mua nhà nhanh hơn, đầu tư mạnh hơn. Việc mở rộng cho người nước ngoài mua nhà cũng tạo điều kiện để người nước ngoài minh bạch tài sản của họ tại Việt Nam. Khi đó họ cảm thấy yên tâm để đầu tư lâu dài tại Việt Nam. |
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng theo mô hình nén kết hợp không gian xanh
- Đà Nẵng: Những cú hích khôi phục thị trường bất động sản
- "Mê hồn trận" website rao vặt bất động sản
- Cung - cầu bất động sản ngày càng thực chất hơn
- Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng: “Vỡ bong bóng” hay chỉ là sự đồn thổi?
- Quy định mới về diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa
- Định hướng hình thái đô thị tạo bản sắc cho Đà Nẵng
- Sớm thi công dự án Chợ và khu phố chợ Khuê Mỹ
- Đua nhau thông minh hóa căn hộ
- 8 tháng năm 2018, vốn FDI đổ vào bất động sản đạt khoảng 5,9 tỷ USD
- Hướng tới thành phố thông minh và đô thị sáng tạo
- Khai trương chợ đêm Sơn Trà
- Nở rộ mua bán - sáp nhập bất động sản
- Đi đâu, chơi gì dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 tại Đà Nẵng
- Văn phòng cho thuê tại Đà Nẵng tăng giá 12%
- Thảm nhựa tuyến nối đường Phạm Như Xương đi Hoàng Văn Thái
- Thu hồi đất để xây dựng trạm dừng của 4 tuyến xe buýt mới
- Khu đô thị Đại học Đà Nẵng: Hoàn thành xây dựng phương án giải phóng mặt bằng trước 30-9
- Thị trường bất động sản bùng nổ các căn hộ chuyên đề
- Môi giới bất động sản ngoại âm thầm đổ bộ Việt Nam