(PL)- Doanh nghiệp nêu các thắc mắc tưởng đơn giản nhưng cách trả lời của cơ quan thuế không làm họ thỏa mãn.
Sáng 30-10, Cục Thuế TP.HCM đối thoại với doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ những khó khăn. Hàng trăm DN ngồi kín cả hội trường, đua nhau nêu vướng mắc.
Chệch dữ liệu, mất công đối chiếu
Một DN nêu sáu câu hỏi. Trong đó, DN hỏi thẳng: “Hệ thống kê khai làm sao mà chúng tôi cứ phải lên cơ quan thuế đối chiếu số liệu hoài, rất mất công sức, thời gian!”. Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế, bày tỏ: “Chúng tôi chia sẻ khó khăn, phiền muộn của DN khi thời gian qua số liệu giữa DN và cơ quan thuế không khớp nhau. Sự cố này là do hệ thống phần mềm thuế cập nhật thông tin không đầy đủ hoặc do phần mềm có quá nhiều hạng mục, tiểu mục, chi tiết nên DN khai không hết, bị sót làm chệch dữ liệu. Phần mềm phải nâng cấp thường xuyên do chính sách thuế, thủ tục thuế thay đổi nên cũng gây ra lỗi không khớp dữ liệu khi chỉnh phần mềm. Chúng tôi xin ghi nhận, báo cáo Tổng cục Thuế nâng cấp phần mềm để giảm thời gian kê khai cho DN”. Liên quan đến thái độ phục vụ về thuế, một DN khác phản ánh: “Khi lên Cục làm thủ tục thuế thì bị chỉ từ phòng này sang phòng khác mà chẳng được giải quyết dứt điểm”. Bà Lệ Nga khẳng định: “DN chỉ cần liên hệ với phòng quản lý thuế trực tiếp của mình. Việc liên hệ giữa các phòng để xác minh số liệu là việc nhân viên thuế phải làm. DN có thể phản ánh ngay nếu bị yêu cầu đi nhiều phòng”.
Nhân viên của văn phòng đại điện Công ty C. (công ty ở nước ngoài) nêu: “Muốn đóng cửa văn phòng, đã quyết toán thuế xong hết rồi mà đóng cũng không được, hồ sơ giải quyết mãi không xong”. Đại diện Cục Thuế khá “sững sờ” khi nghe trường hợp này. Mất một khoảng im lặng, đại điện cơ quan thuế bèn yêu cầu nhân viên phòng quản lý trực tiếp Công ty C. giải trình. Vị này cho rằng: “Hồ sơ còn dư tiền thuế nên chưa giải quyết xong. Đề nghị có cam kết không xin hoàn thuế thì mới đóng cửa được. Liên hệ trực tiếp với tôi để khóa xong mã số thuế này”.
DN đua nhau hỏi Cục Thuế TP.HCM các vướng mắc của mình. Ảnh: Q.NHƯ
Đùn đẩy cho Cục Thuế
Nhiều DN nêu các thắc mắc tưởng đơn giản nhưng cách trả lời của cơ quan thuế không làm DN thỏa mãn. Trường hợp một DN ở quận Tân Bình làm cả hội trường cười mếu. “DN em phản ánh ở chi cục rồi nhưng Thuế quận Tân Bình không giải quyết, họ chỉ em đến... hội nghị đối thoại này mà hỏi đấy ạ!”.
Một DN khác thắc mắc: “Tàu nước ngoài chỉ cập bến một thời gian ngắn, chúng tôi lên tàu kiểm tra máy móc, thiết bị, rồi tàu đi chứ tàu không phục vụ ở Việt Nam, chúng tôi phải được áp dụng thuế 0% chứ?”. Đại diện cơ quan thuế trả lời, tàu đã cập bến tại Việt Nam, công ty cung cấp dịch vụ cho tàu thì công ty phải nộp thuế. Tuy nhiên, khi ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ, giải thích cặn kẽ hơn rằng chỉ có những dịch vụ như “lai dắt, hoa tiêu, vệ sinh tàu, đăng kiểm” thì thuế 0%, còn lên kiểm tra máy móc không được 0%, DN nói ngay: “Thì tôi lên kiểm tra máy móc xong mới cấp đăng kiểm cho tàu được chứ!”. Cả hội trường cười rần.
Công ty M. cung cấp dịch vụ suất ăn cho trường học, mua nguyên liệu ở siêu thị mắc tiền nhưng có hóa đơn, mua ở chợ rẻ nhưng không có hóa đơn. Công ty xin hướng dẫn cách mua hàng ở chợ nhưng vẫn được tính vào chi phí sản xuất. Đại diện Cục Thuế khẳng định: “Anh chị hỏi tôi hướng dẫn cách thì tôi phải trả lời là không có cách nào hết. Mua ở chợ không có hóa đơn thì không được khấu trừ”.
Biểu thuế nhập khẩu như ma trận! Biểu thuế nhập khẩu linh kiện như ma trận. Một mặt hàng không biết áp mã thuế nào đúng, mã nào sai. DN bảo mã này nhưng hải quan lại áp mã khác. Hoạt động sau thông quan với những quy định như cài bẫy với DN. Bên cạnh đó, việc hình sự hóa hoạt động xuất nhập khẩu đã khiến DN rất sợ hãi. Đó là những vướng mắc được các DN đưa ra với lãnh đạo Bộ Tài chính ở buổi đối thoại giữa Bộ Tài chính và DN được tổ chức ngày 30-10 tại Hà Nội. Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, nêu thực tế tháng 3-2011, bà được Cục Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) mời lên để nói về các mã thuế suất các công ty thành viên khai báo. Bà Loan phản đối việc này vì cho rằng hoạt động sau thông quan không phải của Cục Chống buôn lậu và không thể hình sự hóa. Theo bà Loan, năm 2011 công ty bà nhập khẩu mặt hàng cáp quang cho ngành điện viễn thông có mã định danh với thuế 0% nhưng hải quan sau thông quan lại quy sang 3%, hay như hộp nối cáp quang cũng mã định danh 0% nhưng bị quy truy thu thuế 20%. “Mặt hàng đã có mã định danh, DN cứ theo biểu quy định để khai báo nhưng hải quan lại không áp vào mà ép DN đưa lên mã cao hơn khiến DN không biết đường nào mà làm. DN dễ bị phá sản vì khi đấu thầu, kinh doanh, DN căn cứ biểu thuế khai thuế, sau thông quan mức thuế cao lên làm sao có tiền để trả” - bà Loan dẫn chứng. Phản hồi lại ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị hải quan không hình sự hóa vấn đề khai mã thuế, CO bởi đó là vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trách nhiệm xử lý, giải quyết các khiếu nại liên quan của DN thuộc thẩm quyền tổng cục trưởng Hải quan. TRÀ PHƯƠNG Không cần bảng kê Nhiều DN phản ánh thời gian qua có vướng mắc trong việc làm bảng kê. Trước đây các DN dùng hóa đơn xuất khẩu, nay hóa đơn này đã được bỏ, DN chỉ cần dùng hóa đơn thương mại là được. Vấn đề vướng mắc xảy ra là khi bỏ hóa đơn xuất khẩu rồi thì DN kê khai như thế nào, có phải khai bảng kê không. Bà Trần Thị Lệ Nga khẳng định: “Mẫu 01-3 đã bỏ theo Thông tư 119/2014 của Bộ Tài chính nên không còn khai nữa. Trong phần mềm kê khai vẫn còn mẫu kê khai này là có sơ suất. Tôi khẳng định DN không cần khai bảng kê. Không có lý gì vì phần mềm còn tồn tại bảng kê mà bắt DN phải khai cả. Tôi sẽ thông báo để Tổng cục Thuế bỏ bảng kê này khỏi phần mềm”. |
QUỲNH NHƯ
Theo Báo Pháp luật TP HCM
Các bản tin khác
- Vicoland bàn giao 140 sổ hồng cho khách hàng mua chung cư
- Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp
- Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX: Phát triển đô thị, tạo động lực đột phá
- Giá đất một số khu tái định cư mới
- Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?
- Thị trường bất động sản: Đủ chiêu "câu khách"
- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?
- Tổ hợp giải trí 11.000 tỷ tại Đà Nẵng sắp vận hành
- 9,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đại Hành-Trịnh Đình Thảo
- Xây dựng đường hầm chui qua đường Trường Sa kết nối dự án The Empire
- “Giải mã” sức hút của Coco Ocean-Spa Resort
- Khu nghỉ dưỡng 3.500 tỷ đồng hướng biển tại Quảng Nam
- Làm giàu từ bất động sản, không dễ như quảng cáo
- Ưu tiên, hỗ trợ cho các hộ dân Cồn Dầu chấp thuận giải tỏa, bàn giao mặt bằng sớm
- Rủi ro khi mua bán đất còn nợ thổ cư
- Bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt thách thức chưa từng có
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội lớn, rủi ro lớn
- Đà Nẵng: Khách du lịch tăng cao, bất động sản hưởng lợi
- VNE chuyển nhượng dự án VNECO Plaza tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng điều chỉnh và thông qua một số dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng